Bài 29: Kỳ án 194 phố Huế: Một “ngoại lệ” của pháp luật Việt Nam

(Dân trí) - Xung quanh việc chậm trễ truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Viện KSND tối cao khiến xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Có rất nhiều thông tin về một “thế lực ngầm” đứng sau chống đỡ cho bị can Chung dẫn đến vụ án cứ mãi “giậm chân tại chỗ”.

Kỳ án 194 phố Huế: Một “ngoại lệ” của pháp luật Việt Nam
Sau khi Dân trí đăng tải gần 30 bài báo phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong vụ án 194 phố Huế, tòa soạn đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của đông đảo bạn đọc.
 

Đã 2 năm qua kể từ ngày ông Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ-THA ngày 28/06/2011 khiến gần 20 con người trong gia đình 194 phố Huế rơi vào thảm cảnh mất nhà mất cửa, tan đàn xẻ nghé, kêu cứu khắp nơi. Sự kiện này đã trở thành “điểm nóng” trên các diễn dàn pháp lý thủ đô một thời gian dài và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cơ quan công luận. Tuy nhiên, đến nay vụ án này vẫn “đóng băng”, gia đình 194 vẫn tiếp tục chịu nhiều cay đắng vì bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn chưa bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Xung quanh việc chậm trễ truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) cũng đã xảy ra nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, sự việc phạm tội “rõ như ban ngày” của bị can Trịnh Ngọc Chung không thể “phủi sạch” trắng trơn được. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thông tin về một “thế lực ngầm” đứng sau chống đỡ cho ông Chung khiến vụ án cứ mãi “giậm chân tại chỗ”. Điều ấy lý giải cho việc có hàng loạt các vấn đề “khó hiểu” đã và đang xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án này.

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vấn đề này. Luật sư Trương Quốc Hòe cho hay: Thời hạn điều tra của vụ án trên được kéo dài tối đa, còn thời hạn truy tố bị kéo dài vô hạn định. Cụ thể:
 
Thời hạn điều tra được kéo dài tối đa

Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

Theo nhận định của luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội (Dân trí đã đăng tải tại bài viết Vụ án 194 phố Huế: Hành vi phạm tội “rõ như ban ngày”) thì căn cứ vào Điều 8 Bộ luật hình sự, tội “Ra quyết định trái pháp luật”(Điều 296) có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam – đương tương với loại tội phạm rất nghiêm trọng. Đối với loại tội phạm này, thời hạn điều tra nhiều nhất là 04 tháng và chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Như vậy, thời hạn điều tra tối đa (kể cả gia hạn điều tra) là 12 tháng.

Đối với vụ án này, ngày 28/10/2011 Cục Điều tra (Cục 6) - VKSNDTC ra quyết định khởi tố vụ án số 27/VKSTC - C6 (P3) “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Và ngày 26/10/2012, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có kết luận điều tra số 39/VKSTC-C6(P1), trong đó kết luận bị can Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi phạm tội “ra quyết định trái pháp luật”, vi phạm điều 296 BLHS. Hồ sơ này đã được chuyển đến Vụ thực hành quyền Công tố và Kiểm sát điều tra hình sự về Trật tự - Xã hội VKSND Tối cao (vụ 1A) để giải quyết theo quy định của Pháp Luật.

Như vậy, đúng tròn 01 năm kể từ ngày khởi tố vụ án, cơ quan điều tra mới đưa ra được kết luận cuối cùng đối với hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung. Điều này cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, gây nguy hại rất lớn cho xã hội từ hành vi của bị can Chung trong việc ra quyết định cưỡng chế trái pháp luật. Khung hình phạt cho loại tội phạm này được quy định tại Khoản 3 Điều 296 BLHS.

“Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 

Thời hạn truy tố bị kéo dài vô hạn định

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Quốc Hòe cho hay: Khó khăn lắm Cơ quan điều tra mới đưa ra bản kết luận hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung dù sai phạm của bị can này đã quá rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng, cơ quan pháp luật lại tiếp tục “ngâm” hồ sơ vụ án, và dường như “bỏ quên  thời hạn quyết định truy tố theo quy định tại Điều 166 BLTTHS.

Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố

1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…

"Theo quy định trên, thời hạn để truy tố đối với bị can Trịnh Ngọc Chung không quá 45 ngày (kể cả thời gian gia hạn). Thế nhưng đã gần 8 tháng trôi qua kể từ khi có Kết luận điều tra, Cơ quan VKSNDTC vẫn chưa thể đưa ra Quyết định truy tố. Lý do nào khiến vụ án 194 phố Huế liên tục bị “làm khó”? Có hay không thế lực “thao túng” biến vụ án này thành một “ngoại lệ” của pháp luật?" - Luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.

Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
có nhiều uẩn khúc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Dư luận mong mỏi VKSNDTC nhanh chóng ra Quyết định truy tố để làm căn cứ xét xử ông Trịnh Ngọc Chung - nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng về tội “Ra quyết định trái Pháp luật” nghiêm minh trước pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm, bảo vệ sự công bằng của pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN.
 

Lời kêu cứu thống thiết

Trong bức “tâm thư” gửi ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, gia đình 194 phố Huế khắc khoải kêu cứu:

“Hơn một năm trôi qua kể từ ngày được khởi tố vụ án đến nay, gia đình chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu gian khó, cơ cực, tủi nhục, ly tán, con cái ốm đau, học hành sa sút, hạnh phúc riêng nhiều khi đứng trước nguy cơ tan vỡ… Thế nhưng, chúng tôi, một gia đình không may trở thành nạn nhân của một tội ác kinh tế vẫn cố gắng bảo ban, động viên nhau tin tưởng vào lẽ phải, tin tưởng vào sự công minh của pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta để chờ đợi và hy vọng.

Tuy nhiên, dường như nỗi đau của chúng tôi lại tiếp tục bị chà đạp, niềm tin của chúng tôi tiếp tục bị thử thách khi liên tiếp trong tháng 02/2013 chúng tôi nhận được 02 Thông báo thi hành án của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội số 424/TB-CTHA ngày 05/02/2013 và số 433/TB-CTHA ngày 21/02/2013

Theo đó, chúng tôi được hiểu, một lần nữa Cơ quan Thi hành án vẫn khẳng định quyết tâm “thôn tính” ngôi nhà 194 phố Huế bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp vụ án “Ra quyết định trái pháp luật” đối với việc thi hành án ngôi nhà này còn chưa có kết luận cuối cùng?...”

Nếu như vụ án chưa được khép lại, nếu như hành vi bán đấu giá trái phép ngôi nhà 194 phố Huế còn đang được điều tra thì căn cứ vào đâu Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội lại tự ý “xử lý” số tiền do bán đấu giá trái phép ngôi nhà 194 mà có? Đây có phải là sự tiếp tay của cơ quan thi hành án để tiếp tục hoàn thiện việc thi hành án vốn là trái pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung trước đây?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm