Nhiều sai phạm của ông Giám đốc Công ty Hà Tĩnh

Bài 2: Vi phạm pháp luật một cách trắng trợn

(Dân trí) - Không chỉ có những việc làm vượt quá thẩm quyền, vi phạm Điều lệ hoạt động của Công ty, ông Nguyễn Văn Thiêm còn trắng trợn vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị Công ty Hà Tĩnh đã họp, đưa ra những sai phạm của ông Nguyễn Văn Thiêm. Cũng như nhiều lần trước, ông Nguyễn Văn Thiêm lại "dọa" xin từ chức.
 
Không thể để ông Nguyễn Văm Thiêm tiếp tục những hành vi sai trái, HĐQT Công ty nhất trí để ông Nguyễn Văn Thiêm rút lui khỏi chức danh Giám đốc, sẽ tiến hành cử Cán bộ khác thay thế. Nhưng ngay sáng hôm sau 22/3/2010, ông Thiêm đã “phản pháo” và “châm ngòi” cho một loạt hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn.

Theo đó, ngày 22/3/2010, HĐQT Hà Tĩnh lại được triệu tập họp, qua đó ông Thiêm đã “đổi ý” không từ chức nữa mà có mong muốn mua lại cổ phần của Công ty Hà Tĩnh mà Công ty Đông Hưng đang sở hữu và cổ phần của ông Trịnh Xuân Minh (là thành viên HĐQT Công ty Hà Tĩnh), với điều kiện phải trả  hết nợ cho Công ty Đông Hưng để được tiếp tục điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Hà Tĩnh.

Ngày 12/4/2010, trong bút tích ông Đào Đức Thanh đại diện Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng gửi ông Nguyễn Văn Thiêm có ghi: “Yêu cầu chú Thiêm chuyển tiền mua cổ phần của Công ty Đông Hưng để trả tiền nợ vay của Công ty trước. Tiền mua cổ phần sẽ trả hết trước ngày 25/4/2010 ”.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Thiêm đã căn cứ vào hai văn bản trên để thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Đông Hưng từ tài khoản của Công ty Hà Tĩnh. Ông Thiêm cũng tự ý chuyển tên chủ sở hữu của toàn bộ số cổ phần của Công ty Đông Hưng thành tên của mình và cho rằng đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Việc làm trên của ông Thiêm đã vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, cụ thể: Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về thủ tục chuyển nhượng cổ phần như sau: “(…)Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay cổ phiếu. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện uỷ quyền của họ ký (…)” (khoản 5 Điều 87).

Vì Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty được cấp theo hình thức có ghi tên, do đó, không thể áp dụng hình thức chuyển nhượng bằng cách trao tay mà đương nhiên phải được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường. Và theo đó, giấy tờ chuyển nhượng này phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện theo uỷ quyền của họ ký.

Đồng thời, Điều lệ của Công ty Hà Tĩnh cũng quy định rất cụ thể về việc chuyển nhượng cổ phần: “1. Cổ phần của Công ty được chuyển nhượng, thừa kế theo các quy định của pháp luật và điều lệ Công ty. Cổ đông muốn mua bán, chuyển nhượng cổ phần phải đăng ký tại trụ sở chính của Công ty.

2. Cổ phần của các thành viên HĐQT được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và được HĐQT đồng ý (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Cổ phần của cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ khi đăng ký kinh doanh lần đầu.   

3. Việc chuyển nhượng cổ phần ghi tên phải được sự chấp thuận của HĐQT. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn của các cổ đông xin chuyển nhượng cổ phần, HĐQT phải xem xét, xử lý việc chuyển nhượng. Trường hợp không chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần, HĐQT thông báo rõ lý do cho các cổ đông. HĐQT hoàn toàn có quyền từ chối đăng ký chuyển nhượng bất kỳ cổ phần ghi tên nào chưa được thanh toán đầy đủ (…)”

Theo quy định này, việc chuyển nhượng giấy chứng nhận cổ phần có ghi tên trong Công ty Hà Tĩnh phải được thực hiện theo các thủ tục sau: Khi có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần, cổ đông phải đăng ký tại trụ sở Công ty đồng thời phải có đơn xin chuyển nhượng. Hội đồng quản trị Công ty là cơ quan có quyền quyết định việc chấp nhận hay không chấp nhận việc chuyển nhượng này. Thời hạn cho việc quyết định trên của Hội đồng quản trị là 60 ngày, kể từ ngày nhận được đơn của cổ đông.

“Đối chiếu với trường hợp trên cho thấy, các thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo pháp luật và Điều lệ Công ty Hà Tĩnh đã không được thực hiện và tuân thủ đầy đủ. Do đó, giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Đông Hưng và ông Thiêm là chưa được thực hiện, chưa hợp pháp. Việc ông Thiêm chỉ căn cứ vào biên bản ngày 22/3/2010 và bút tích ngày 12/4/2010 của ông Đào Đức Thanh để thực hiện chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Đông Hưng và cho rằng đã hoàn tất việc mua cổ phần của Công ty Đông Hưng là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay.

Về việc này, khi trao đổi với Dân trí, ông Đào Đức Thanh đại diện Công ty Đông Hưng đã rất bức xúc: “Chưa được sự  thỏa thuận thống nhất, đồng ý về giá cả, số lượng cổ phần chào bán của Công ty Đông Hưng. Chưa tiến hành mua bán đúng quy định của Pháp luật. Ông Thiêm đã chuyển tiền vào Tài khoản của Công ty Đông Hưng và ấn định việc mua bán cổ phần đã xong. Đây là hành vi chiếm đoạt một cách trắng trợn Cổ phần của Công ty Đông Hưng tại Công ty Hà Tĩnh”

          Vũ Văn Tiến