Nhiều sai phạm của ông Giám đốc Công ty Hà Tĩnh
Bài 1: Điều hành Công ty không cần biết đến pháp luật và Điều lệ Công ty
(Dân trí) - Thời gian gần đây, Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh tố cáo một số việc làm trái pháp luật của ông Giám đốc đơn vị này.
Trong đơn tố cáo gửi về tòa soạn, ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh cho biết, ông Nguyễn Văn Thiêm là Giám đốc, người đại diện pháp luật, chủ tài khoản của Công ty Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua đã có nhiều việc làm khuất tất, sai pháp luật, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, khiến nhiều cán bộ, cổ đông bức xúc.
Năm 2006, theo chủ trương của Nhà nước, Công ty Nam Hà Tĩnh tiến hành cổ phần hóa. Khi đó vốn điều lệ của công ty là 2,2 tỷ đồng. Từ đây Công ty có tên là Công ty CP Thương Mại Dịch vụ Hà Tĩnh (Sau đây gọi tắt là “Công ty Hà Tĩnh”). Ông Nguyễn Văn Thiêm được bầu là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty. Công ty Hà Tĩnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ.
Sau cổ phần hóa, năm 2007, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, công trình ngừng trệ, nợ thuế, nợ lương công nhân, Ngân hàng phong tỏa tài khoản, không cho vay, đòi siết nợ.
Trước nguy cơ đó, với mối quan hệ tình cảm đã có, ông Nguyễn Văn Thiêm ra gặp ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng, Đông Anh, Hà Nội (Sau đây gọi tắt là Công ty Đông Hưng) đề nghị được giúp đỡ về vốn và hợp tác đầu tư.
Nhận thấy Kỳ Anh là một vùng có tiềm năng phát triển, Công ty Đông Hưng đã tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh (hiện nắm giữ 56,7% vốn) với mục đích là vực doanh nghiệp này lên và cơ cấu lại để phát triển bền vững. Ông Đào Đức Thanh, đại diện Công ty Đông Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Tĩnh.
Trong năm 2008 khủng hoảng kinh tế, các DN trong nước đều rất khó khăn trong việc huy động vốn. Với trách nhiệm của cổ đông lớn nhất, Công ty Đông Hưng bằng uy tín và tài sản của mình đã đứng ra vay ngân hàng trên 50 tỷ đồng để chuyển tiền vào cho Công ty Hà Tĩnh lấy vốn hoạt động (bằng hợp đồng vay vốn với lãi suất theo ngân hàng tại từng thời điểm giữa Công ty Đông Hưng và Công ty Hà Tĩnh)
Nhưng từ đây, khi Công ty Hà Tĩnh đã đứng vững, bắt đầu phát triển thì ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc Công ty lại có những hành vi sai phạm luật, vi phạm điều lệ công ty và những việc làm vượt quá thẩm quyền, coi thường cổ đông của Công ty. Các nghị quyết, biên bản họp được Đại hội đồng cổ đông, HĐQT thông qua rồi lại được ông Giám đốc “để đấy”.
Ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Tĩnh, đại diện Công ty Đông Hưng và ông Trịnh Xuân Minh, thành viên HĐQT Công ty Hà Tĩnh (nhóm cổ đông chiếm 65,7% vốn điều lệ), rất bức xúc về những việc làm trái pháp luật của ông Nguyễn Văn Thiêm.
Cùng lúc làm Giám đốc 2 Công ty
Cụ thể, trong khi ông Nguyễn Văn Thiêm là Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty Hà Tĩnh, ông Thiêm còn đồng thời là Giám đốc, người đại diện pháp luật, chủ tài khoản của Công ty TNHH hai thành viên Hưng Phú (Công ty Hưng Phú gồm 2 thành viên trong đó Công ty Hà Tĩnh là thành viên chiếm 50% vốn).
Trao đổi về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc làm trên của ông Nguyễn Văn Thiêm là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005: “Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp khác” (đoạn 4 khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005).
Mặt khác, trong Điều lệ tổ chức và hoạt động, đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh cũng quy định về vấn đề này như sau: “Giám đốc Công ty không được đồng thời làm giám đốc của doanh nghiệp khác” (khoản 4 Điều 49).
Như vậy, cả Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ Công ty đều không cho phép việc một cá nhân đồng thời làm giám đốc của hai doanh nghiệp khác nhau. Do đó, việc làm của ông Nguyễn Văn Thiêm là vi phạm quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hà Tĩnh.
Giám đốc Công ty “to” hơn Hội đồng quản trị
Ở Công ty Hà Tĩnh thì việc Giám đốc làm trái thẩm quyền được coi là “chuyện thường ngày”. Điển hình, ngày 10/10/2009, ông Thiêm ra quyết định số 217 thành lập Công ty TNHH tư vấn thiết kế, xây dựng giao thông 4. Ngày 20/10/2009, Ông Thiêm ra quyết định số 229 thành lập Công ty TNHH một thành viên xây dựng thương mại 5.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách thì: Việc Giám đốc Công ty tự ý ra Quyết định thành lập Công ty con vi phạm điểm k, khoản 2 Điều 108 Luật Doanh Nghiệp và điểm g khoản 2 Điều 36 Điều lệ Công ty. Theo đó: “quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác” thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị.
Một bản Hợp đồng kinh tế “chưa từng có”
“Trái khoáy” thay! Ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc Công ty Hà Tĩnh đồng thời Giám đốc Công ty TNHH Hưng Phú, ông Nguyễn Ánh Dương - Phó Giám đốc Công ty Hà Tĩnh, ông Cao văn Chính - Kế toán trưởng Công ty Hà Tĩnh cùng nhau ký trên một bản hợp đồng kinh tế (Hợp đồng san lấp mặt bằng không số /HĐKT ngày 20/11/2009, tổng giá trị 2,5 tỷ đồng). Trong thực tế, loại hợp đồng trên là vi phạm pháp luật.
Giám đốc Công ty chỉ đạo kế toán hạch toán không cần chứng từ
Ngày 28/10/2009, ông Nguyễn Văn Thiêm đã chỉ đạo ông Cao Văn Chính, kế toán trưởng lập chứng từ khống bán máy lu rung lốp hiệu Hamm 38A-0041 với giá 920 triệu đồng của Công ty Hà Tĩnh cho Công ty Đông Hưng (Nhưng thực tế, toàn bộ hồ sơ máy lu rung trên vẫn nằm tại Công ty Hà Tĩnh, hóa đơn chưa xuất).
(Còn nữa)
Vũ Văn Tiến