“Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”:

Bài 2: Sốc trước “sáng kiến” “mình voi đầu chuột”

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài “Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc” nhiều chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc đã có ý kiến phản hồi bức xúc, cho rằng cơ quan chủ quản cần phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ và “biến dạng” của một dự án lớn.

 Dư luận cũng phản đối “sáng kiến” phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo kiểu “chữa lợn lành thành lợn què”…
 
Một góc “đại công trường” dang ở do sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản
Một góc “đại công trường” dang dở do sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản

Ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị Thiết bị (Trường ĐHKTQD): Thêm lãng phí và bế tắc

Nếu úp nóc rồi để đưa vào sử dụng sau đó vừa sử dụng vừa xây dựng là chuyện không thể. Mà nếu xây dựng thì toàn bộ hệ thống thang máy, điều hòa, điện nước cùng nhiều hạng mục sẽ phải đập đi hoặc dỡ bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Chỉ riêng cáp dự ứng lực chống động đất phía nhà thầu phải nhập ngoại theo thiết kế từ đầu, khi thi công luồn từ tầng 1, giờ phân kỳ không cắt đi được, cũng không bán lại cho dự án khác được. Nếu phân kỳ sẽ phải 2 lần dỡ bỏ, nhập khẩu mới, lãng phí hàng chục tỷ đồng, ai là người chịu trách nhiệm?. Phương án phân kỳ còn “cực kỳ dở” ở chỗ phải thiết kế lại, trình phê duyệt lại, riêng phê duyệt một năm chưa chăc đã xong, phải trình lên tận Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc!

Đại tá Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng): Phân kỳ, úp nóc là phản khoa học!

Tôi thực sự ngạc nhiên trước ý kiến đề xuất phương án chia công trình trên thành hai dự án, làm từng tòa nhà một từ năm 2003 cũng như đề xuất phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà như hiện nay. Ai đưa ra đề xuất trên cho thấy họ chẳng hiểu biết gì về xây dựng cả.

Nên nhớ rằng dự án tòa nhà trung tâm được thiết kế hiện đại, đồng bộ với hai tòa tháp, làm hết tầng này mới làm được tầng kia, có nhiều thiết bị đi kèm nên làm gì có chuyện làm từng tòa nhà một. Công trình này do Tập đoàn Site Architecture của Pháp là đơn vị thiết kế, có kết cấu hiện đại nhất Việt Nam chứ không nói là hiện đại nhất trong ngành giáo dục, đầu tư cho phần móng và hai tầng hầm rất hiện đại, có thể nói là phần đắt nhất của hai tòa tháp. Chỉ riêng phần hầm hiện nay, do đắp chiếu nên Công đoàn đơn vị chúng tôi đang tính dọn dẹp cho thuê để gửi xe ô tô cũng để được hàng nghìn chiếc, thu về hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Phần thân xây thô cũng rất hiện đại từ tầng 1 đến cốt 00 đã lên tới 17 tỷ đồng/ sàn theo thời giá 2010 nên nếu phân kỳ, úp nóc chỉ dùng 7 tầng thì tòa nhà sẽ rơi vào tình trạng “mình voi đầu chuột”, vô cùng lãng phí và kém mỹ quan, khiến hàng trăm tỷ đồng bị “chôn vào lòng đất”.

Còn phương án phân kỳ, úp nóc rồi chờ nay mai làm tiếp cũng không thể thực hiện được. Làm gì có công nghệ nào úp nóc rồi mà bên dưới học bên trên vẫn làm. Thang máy, thiết bị điện, nước, cáp dự ứng lực….phải đồng bộ chứ đâu có thể làm lôm côm, tùy tiện được. Nếu cứ để người không hiểu biết gì về xây dựng tham mưu và ra các quyết sách như thế này thì sẽ gây lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn cho Nhà nước!

Ông Nguyễn Minh Trường (Công ty TNHH Tây Bắc – Hà Nội): Không nên hủy hoại một công trình đẳng cấp!

Là dân kiến trúc, tôi có nghiên cứu về dự án tòa nhà trung tâm Đại học KTQD và nhận thấy đây là một công trình có thiết kế đẹp, hiện đại, một trong những công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục.

Trước đây, Trường ĐHKTQD từng lấy tòa tháp đôi này làm biểu tượng của nhà trường. Thế mà hiện nay, do thiếu vốn, công trình đã bị “đắp chiếu” hơn 2 năm, tầng hầm bị ngập nước, nhiều cột sắt bị han rỉ, có nguy cơ ảnh hưởng tới kết cấu và chất lượng công trình, quả thật rất đáng lo ngại. Đặc biệt, phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo tôi hoàn toàn không khả thi, chẳng những lãng phí mà còn không có cơ sở khoa học, đúng là một kiểu “đẽo cày giữa đường”, có thể làm biến dạng công trình, khiến nó rơi vào tình trạng “chân voi, đầu chuột” khi thiết kế 19 tầng nhưng lại chỉ làm 7 tầng rồi làm tiếp thế nào?

Chưa kể nếu phân kỳ gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều chi phí cho việc thiết kế, phê duyệt lại thì cách tốt nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất vẫn là đầu tư dứt điểm, xây dựng hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng ngay. Với công trình đầu tư cho giáo dục ở một trường đại học lớn như Trường KTQD thì sự đầu tư này hoàn toàn hợp lý và cấp thiết, mang hiệu quả cao.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội): Những cách nghĩ, cách làm làm nghèo đất nước

Hiện nay có nhiều sinh viên của trường ĐHKTQD phải đi học tại giảng đường thuê của trường dân lập Phương Nam, khiến số đông sinh viên quá buồn trước cảnh tòa nhà trung tâm, biểu tượng của nhà trường bị đắp chiếu nhiều năm qua.

Trường ĐHKTQD là nơi đào tạo các nhà quản lý kinh tế hàng đầu đất nước làm sao có thể giáo dục cho sinh viên những bài học hay về quản lý kinh tế khi ngay tại giảng đường đã có một công trình vô cùng thất bại về quản lý, đồng thời là điển hình của siêu lãng phí và thiếu trách nhiệm quản lý? Thật buồn khi hàng ngày các thầy cô dạy sinh viên những bài học về quản lý dự án, tự hào về mái trường dạy sinh viên về quản lý dự án mà lại không thể quản lý nổi dự án quan trọng nhất của mình.

Nhiều sinh viên thực sự “sốc” khi thấy thầy đề xuất phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo kiểu “không giống ai”, tưởng như tiết kiệm song thực chất lại là siêu lãng phí. Những cách nghĩ, cách làm như thế thực sự chỉ làm nghèo đất nước. Các cơ quan chức năng nên hoàn thiện tòa nhà một cách thực sự nhanh chóng, hiệu quả chứ không phải theo kiểu “chữa lợn lành thành lợn què” như công luận từng cảnh báo.

Vũ Văn Tiến – Nguyên Minh (ghi)