Gia Lai:

Bài 2: Nỗi đau của người phụ nữ 3 năm ròng rã kêu oan cho chồng

(Dân trí) - Một vụ án nhiều khuất tất thể hiện chồng mình bị oan sai, hơn 3 năm nay chị Nguyễn Thị Thao (SN 1973, trú xã Ia Ko, Chư Sê, Gia Lai) đã bán hết tài sản, một mình nuôi 3 con nhỏ nhưng vẫn lặn lội khắp nơi để đi kêu oan cho chồng.

Sau khi chồng bị bắt, cuộc sống của chị Thao gặp muôn vàn khó khăn khi một mình phải nuôi 3 con nhỏ (lúc đó cháu bé nhất 2 tuổi, lớn nhất 9 tuổi) lại mưu sinh bằng nghề nông, nhưng tin vào việc chồng mình bị oan nên chị vẫn quyết tâm đi kêu oan cho chồng. “Bằng mọi giá tôi phải đi minh oan cho anh Duyệt. Tôi hy vọng một ngày nào đó có ai đó sẽ làm rõ trắng đen vụ án này”, chị Thao khóc nói.

Khuôn mặt khắc khổ, gầy sọm vì những tai họa ập đến với gia đình mình, chị Thao buồn buồn kể, vợ chồng chị vốn quê ở Nghệ tĩnh vào Gia Lai làm công nhân cho nông trường Cà phê Việt Đức (xã Ia Ko) và nên duyên với nhau từ năm 2000. Cả 2 đều nghèo và phải sống ở khu tập thể của công nhân nông trường. Mãi đến năm 2003, họ mới dành dụm được ít tiền và mua được 1 sào đất ở làng O Bung (Ia Ko), và sau đó mua thêm được 2 sào đất nữa. Cứ ngỡ cuộc sống của gia đình mình sẽ trôi qua êm đềm, nhưng rồi người tính không bằng trời tính. Sau cuộc ẩu đả giữa anh Duyệt và anh Trung, 6 tháng sau anh Duyệt bị cơ quan công an bắt giữ và nhận mức án 5 năm tù giam.

Khi chồng bị bắt, một mình chị Thao nuôi 3 con gái, đứa nhỏ chưa cai sữa còn đứa lớn mới học lớp 4 nên cuộc sống của chị gặp vô vàn khó khăn. Nhưng đạo làm vợ, thấy chồng mình gặp nạn chị không thể làm ngơ, chị Thao đã bán hết nhà cửa, đất đai để vừa có tiền nuôi con vừa có chi phí đi kêu oan cho chồng trong 3 năm nay. Sau khi không còn mảnh đất cắm dùi, 4 mẹ con chị được một người trong xã thương cảm cho mượn nhà để ở. “Nếu chồng tôi sai tôi chấp nhập để chồng tôi chịu sự trừng phạt của luật pháp, nhưng tôi thấy vụ án có nhiều khuất tất chưa được làm rõ. Chồng tôi một mực kêu oan, có lúc tôi đã hỏi anh ấy có phải anh là người cầm gậy đánh Trung không, thì anh ấy khóc và nói “giờ vợ mà không tin chồng nữa thì sao”, chị Thao kể.

Khuôn mặt hằn lên nỗi đau của chị Thao sau 3 một mình nuôi con đi kêu oan cho chồng
Khuôn mặt hằn lên nỗi đau của chị Thao sau 3 một mình nuôi con đi kêu oan cho chồng

Để kêu oan cho chồng, chị Thao đã thuê luật sư bào chữa cho anh Duyệt, ở phiên sơ thẩm, luật sư đã tìm được nhiều bằng chứng để minh oan cho anh Duyệt nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nhưng chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà trong phiên tòa phúc thẩm, vị luật sư này gọi điện nói lừa với thân chủ là tòa hoãn. Khi hỏi luật sư ai là người thông báo hoãn và sao không thông báo cho chị là hoãn, vị luật sư này trả lời một cách vô lý là “không biết thẩm phán nào thông báo hoãn” (!) Thấy vô lý, chị Thao vẫn đến TAND tỉnh Gia Lai và phiên tòa vẫn diễn ra bình thường, còn vị luật sư chị đã làm hợp đồng thuê bào chữa cho chồng mình đã không xuất hiện.

Không chỉ vậy, những nhân chứng của vụ án là anh Tân, anh Tùng cũng không được tòa triệu tập, vật chứng duy nhất được xem là hung khí hung thủ dùng để đánh vào đầu anh Duyệt là khúc gỗ thì bị tòa sơ thẩm tiêu hủy, nhiều lần vợ chồng chị Thao có đơn yêu cầu khám nghiệm dấu vân tay trên khúc gỗ được công an tịch thu nhưng đều bị làm ngơ.

Vụ án của anh Duyệt xảy ra trong đêm tối trời, xung quanh có nhiều hộ gia đình sinh sống, khu vực hiện trường vụ án lại có nhiều người nhưng không ai thấy anh việc anh Trung bị người khác cầm gậy đánh vào đầu rất nặng gây trấn thương sọ não, còn anh Duyệt cũng đã bị thương tích trên đầu, vì vậy nhiều người đặt câu hỏi liệu có người thứ 3 lợi dụng hoàn cảnh trên để trả thù cá nhân? Bản thân nạn nhân là anh Trung khi được PV hỏi, anh có thấy trực tiếp anh Duyệt cầm gậy đánh mình không thì anh Trung lúng túng, và nói mình nhức đầu rồi bỏ đi.

Anh Trung trong buổi xét xử vụ án đánh anh Duyệt bị thương tích 4%
Anh Trung trong buổi xét xử vụ án đánh anh Duyệt bị thương tích 4%

“Ngoài yêu cầu khám nghiệm và đưa ra chiếc gậy được cho là anh Duyệt cầm đánh anh Trung bị từ chối, chúng tôi cũng yêu cầu Hội đồng xét xử dựng lại hiện trường vụ việc nhưng cũng không được chấp thuận. Tại sao sau khi anh Trung bị đánh đến 6 tháng sau anh Duyệt mới bị bắt? 5 năm tù giam đối với một con người đâu phải ngắn, còn danh dự, con cái… và những nỗi đau tinh thần của chúng tôi nữa, vậy tại sao Hội đồng xét xử không làm rõ những điều trên để chứng minh rõ ràng anh Duyệt là người gây án? Lấy căn cứ đâu mà cơ quan điều tra và Hội đồng xét xử lại khẳng định chiếc gậy ông Ngọ phát hiện được là vật anh Duyệt dùng đánh anh Trung? Nhiều điểm khúc mắc như vậy tại sao không được ai làm rõ?”, chị Thao nói.

Từ ngày chồng bị bắt, 3 đứa con chị Thao tự chăm sóc nhau, đứa lớn thì vừa đi học vừa thay mẹ đưa đón em đến trường và nấu ăn, giặt rũ cho các em. Còn chị Thao phải lo làm công nhân vừa kiếm tiền nuôi con vừa đi kêu oan cho chồng: “Tôi cũng đã khăn gói ra Hà Nội vạ vật cả tuần để mong gặp được ai đó giúp chồng tôi nhưng không được. Còn ở Gia Lai thì tôi đi không biết bao nhiêu mà kể nhưng đâu có ai tiếp tôi, tôi đã làm đơn kháng cáo lên TAND Tối cao nhưng hơn 1 năm nay vẫn chưa thấy hồi âm gì. Từ ngày chồng bị bắt, mấy đứa nhỏ đi học cũng mất quyền lợi, khi cháu được giấy khen học giỏi, là học sinh nghèo học giỏi vượt khó nhưng bị đội trưởng trong nông trường từ chối không cho nhận phần thưởng, vì ông cho rằng bố nó bị đi tù…”, chị Thao đau xót.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm