Người phụ nữ khốn khổ nợ nần vì hơn 20 năm đi tìm công lý:

Bài 2: “Liên minh” chống lại quyết định của Chủ tịch tỉnh

(Dân trí)- Hơn 20 năm đi tìm công lý, bà Lý (em bà Có) phải bán nhà để có tiền đi khiếu nại khiến bà phải lâm vào cảnh nợ nần, phải đi ở nhờ. Còn các cơ quan chức năng thì phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, “liên minh” để bao che cho người vi phạm.

Công lý le lói                  

Trước sự kiên trì đi tìm công lý của gia đình bà Lý (em gái bà Có, được vợ chồng bà Có ủy quyền hợp pháp toàn quyền quyết định trong vụ khiếu kiện), ngày 26/9/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ra công văn số 1457/QĐ-CT có nội dung chỉ rõ: ngày 19/3/1992, tại Biên bản làm việc giữa ông Nguyễn Cảnh Tùng và Phòng Nông lâm nghiệp thị xã Pleiku, ông Tùng đã thừa nhận lô đất (2.422 m2) ông đang sử dụng có một mảnh đất của gia đình bà Có. Nhưng nguyện vọng của ông Tùng là xin được trả cho bà Có 1 phi lúa chứ không chịu trả đất (Biên bản ngày 28/9/1991 và 03/7/1992).

Công văn cũng nói thêm: “Ông Nguyễn Cảnh Tùng hoàn toàn không được UBND phường Thống Nhất giao đất như ông đã trình bày. Lô đất ông Nguyễn Cảnh Tùng sử dụng- đang có tranh chấp chính là lô đất của ông Võ Văn Thống đã sang nhượng cho ông, bà Nguyễn Tấn Khôi, Ngô Thị Có ngày 10/6/1976”. Và việc cấp đất của UBND thị xã Pleiku cho ông Tùng là trái với quy định của pháp luật; ngoài ra, cách giải quyết vụ việc của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng khi không căn cứ vào bằng chứng mà lại công nhận hiện trạng đất đang sử dụng của ông Tùng là không hợp lý.

Với sự thật trên, Chủ tịch tỉnh Quyết định: công nhận nội dung khiếu nại của bà Có là đúng, công nhận quyền sử dụng hợp pháp của bà Có đối với diện tích đất 1.218 m2; UBND TP.Pleiku có trách nhiệm hủy bỏ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số B 972385 ngày 04/3/1993; buộc ông Tùng trả đất cho bà Có và chấm dứt hành vi chiếm đất bà Có trái phép. “Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, ông Nguyễn Tấn Khôi, bà Ngô Thị Có và ông Nguyễn Cảnh Tùng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này”.

“Liên minh” chống lại quyết định của Chủ tịch tỉnh?

Những tưởng Quyết định đúng đắn trên của Chủ tịch UBND tỉnh thì cấp dưới sẽ làm theo, nhưng ngược lại quyết định trên đã bị phớt lờ. Thay vì thu hồi lô đất ông Tùng chiếm đoạt trái pháp luật, thì các cơ quan ban nghành liên quan lại làm ngơ để mặc ông Tùng xây dựng trái phép trên lô đất nhà bà Có. Không chỉ vậy, các cơ quan trên còn ra những công văn khác để chống chế lại Quyết định 1457/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngày 25/11/2008, Công an TP.Pleiku đã ra Quyết định số 978/QĐ-CATP phủ nhận kết quả giám định của Tổ chức Giám định kỹ thuật hình sự và cho rằng: “Ông Tùng không có hành vi giả mạo chữ viết ở phần xác nhận và chữ ký mang tên Lê Chưng trên 2 lá đơn trên (đơn xin hoán đổi đất và cấp QSDĐ-PV)”; và việc con dấu được đóng trong đơn ghi năm 1978 nhưng thực tế đến năm 1991 mới có con dấu này thì cơ quan Điều tra lại cho rằng “không có cơ sở khoa học để xác định đóng ra vào thời điểm nào nên không có căn cứ xác định ai là người sử dụng con dấu để đóng vào đơn… Không có cơ sở để xác định ông Tùng đã sử dụng những đơn đó để làm tài liệu căn cứ đề nghị UBND thị xã Pleiku (lúc bấy giờ) xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ”.

Và Cơ quan điều tra Công an TP.Pleiku đã Quyết định: “Không công nhận đơn tố cáo của bà Ngô Thị Có”.

Sau nhiều lần dàn xếp để gia đình bà Lý không đi khiếu nại nữa bất thành, Chủ tịch UBND TP.Pleiku lúc bấy giờ đã ra Quyết định “huề cả làng” ngày 4/11/2010, số 2818/QĐ-UBND với nội dung: “Chia 1.218 m2 đất cho 2 gia đình bà Ngô Thị Có và gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng theo cách: Ưu tiên giao quyền sử dụng toàn bộ lô đất cho gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng, gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng trả lại số tiền tương đương giá trị 1/2 diện tích lô đất là 652.500.000 đ thông qua UBND thành phố Pleiku, cho gia đình bà Ngô Thị Có”.

Quyết định mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu bà Lý nhận tiền 
Quyết định mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu bà Lý nhận tiền 
Quyết định mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu bà Lý nhận tiền 

Trước sự “liên minh” của các cơ quan trên, gia đình bà Lý đã thất vọng và chán nản. Gia đình bà quyết định cho không ông Tùng giá trị 1/2 lô đất của mình: “Quá chán nản, chúng tôi đã chấp nhận cho ông Tùng 1 nửa lô đất. Hoặc chúng tôi lấy loại toàn bộ đất và sẽ trả cho ông Tùng giá trị của 1/2 lô đất này theo giá thị trường là 90 triệu/m ngang nhưng ông Tùng không chịu, đòi lấy toàn bộ lô đất và đưa cho gia đình tôi 400 triệu đồng. Quả thật làm ơn mắc oán”, bà Lý chán nản nói.

Khi lòng tốt của mình một lần nữa bị lòng tham chà đạp, gia đình bà Lý đã quyết định không nhận tiền và quyết tâm đi tìm công lý cho đến cùng. Tuy nhiên, trước những lá đơn của bà Lý, chính quyền tỉnh Gia Lai chỉ đáp trả bà bằng cách yêu cầu bà nhận số tiền 652.500.000 đồng và để cho ông Tùng sử dụng toàn bộ lô đất nhà bà.

Sống tạm bợ vì tin vào chính nghĩa sẽ thắng

Do bà Có bị bệnh đau tim, còn ông Khôi sức khỏe không được tốt nên họ đã nhờ bà Lý là em gái bà Có thay mình đi đòi lại mảnh đất. Trước sự van nài của gia đình chị gái và lòng tin vào chính nghĩa sẽ thắng nên bà Lý đã gật đầu đồng ý. Nghĩ rằng, có trong tay mọi chứng cứ hợp pháp về lô đất cộng với hành vi chiếm đoạt đất của ông Tùng thì chỉ cần nộp đơn đến cơ quan chức năng là mọi việc sẽ xong, nên bà Lý cũng đã bán luôn nhà và đất của mình để cùng chồng và đứa con sơ sinh con về lại quê hương ở Quảng Nam. Nhưng sự việc không hề đơn giản như bà Lý tưởng…

Trước sự giải quyết đầy khuất tất của cơ quan chức năng lúc bấy giờ, đã khiến cho bà Lý quyết theo đến cùng. Trước quyết tâm của bà Lý, chồng bà đã bỏ mẹ con bà để đi tìm mái ấm khác. Từ đó đến nay, một mình bà Lý mưu sinh bằng nhiều nghề làm thuê để nuôi con và để có kinh phí đi đòi lại mảnh đất cho gia đình chị gái.

Hơn 20 năm nay bà Lý sống trong căn nhà tồi tàn, tạm bợ để đi tìm công lý
Hơn 20 năm nay bà Lý sống trong căn nhà tồi tàn, tạm bợ để đi tìm công lý

Chỉ vì tin vào công lý có thật, bà Lý đã hy sinh hạnh phúc gia đình mình để theo đuổi đến cùng. Đến bây giờ, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, thời gian bà bắt đầu hành trình đi tìm công lý từ lúc đứa con gái bà mới sinh đến bây giờ bà đã có cháu ngoại, còn vợ chồng bà Có, ông Khôi đã bệnh nằm một chỗ mà công lý vẫn chẳng thấy đâu (?).

“Chỉ vì tin vào sự nghiêm minh của luật pháp, tôi đã dùng tiền bán nhà và đất để đeo đuổi. Hơn 20 năm nay tôi làm được đồng nào là dành vào việc đi khiếu nại, đòi đất nên bây giờ ngoảnh lại tôi chỉ có một đống nợ; nhà cửa không có phải đi ở nhờ đất của cháu. Không chỉ chiếm đoạt đất của chị gái tôi, thấy tôi cứ đi kiện cha con ông Tùng còn xông vào nhà đánh tôi bị thương nhưng khi tôi kêu cứu thì tất cả đều làm ngơ. Mẹ con tôi phải sống trong ngôi nhà tôn cũ, rách trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng rất khổ cực, tôi quá chua xót”, bà Lý khóc nói.

Trước cách giải quyết khuất tất trên của chính quyền địa phương, nhiều người đặt câu hỏi: Chẳng biết ông Tùng là ai mà có thể “điều khiển” được nhiều cán bộ địa phương như vậy?

Thiên Thư