Bình Phước lập dự án “khủng” - dân đi tìm sự công tâm

Bài 2: Diện tích thu hồi là đất thuộc lâm trường bị dân lấn chiếm?

(Dân trí) - Để phục vụ cho Dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bình Phước hơn 14,5 nghìn héc ta đất sẽ bị thu hồi. Tỉnh Bình Phước đang lấy ý kiến dự thảo khung chính sách bồi thường và hỗ trợ cho người dân.<br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/bai-1-chung-toi-da-do-mo-hoi-xuong-mau-de-khai-hoang-949806.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Bài 1: "Chúng tôi đã đổ mồ hôi, xương máu để khai hoang"</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/bai-1-chung-toi-da-do-mo-hoi-xuong-mau-de-khai-hoang-949806.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Bài 1: "Chúng tôi đã đổ mồ hôi, xương máu để khai hoang"</b></a>

Dân 5 xã lấn chiếm đất lâm trường?

Theo nội dung tài liệu tuyên truyền từ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, dù nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng Bình Phước còn nhiều hạn chế: kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, để đón đầu làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới, tỉnh cần chuẩn bị sẵn mặt bằng để tập trung cho phát triển công nghiệp.

Đơn vị hành chính được lập từ lâu trong vùng đất lấn chiếm.
Đơn vị hành chính được lập từ lâu trong vùng "đất lấn chiếm".

Theo đó, tỉnh Bình Phước đã quyết định chọn địa bàn huyện Đồng Phú cho quy hoạch dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp bởi khu đất này có vị trí thuận lợi vì giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và quan trọng hơn khu vực quy hoạch là đất công (đất lâm phần chuyển đổi 3 loại rừng thuộc nhà nước quản lý, dân lấn chiếm không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tổng diện tích dự án được quy hoạch là 14.531 héc ta. Vùng đất quy hoạch có diện tích thuộc 5 xã của huyện Đồng Phú gồm Tân Lập (1.913 héc ta); Tân Hòa (2.972 héc ta); Tân Lợi (2.613 héc ta); Tân Hưng (4.629 héc ta); Tân Phước (2.404 héc ta). Dự kiến, tỉnh sẽ giành 5.000 héc ta là khu tái định cư; 9.531 héc ta thực hiện dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp Đồng Phú.

Diện tích đất bị thu hồi hiện đang là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ đạo như cao su, điều, cà phê, tiêu người dân tại các xã nói trên đã canh tác, phủ kín từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo tỉnh Bình Phước thì đây đều là đất lâm nghiệp trước kia thuộc đất của Ban quản lý rừng kinh tế Tân Lập, Suối Nhung nhưng bị người dân lấn chiếm, xâm canh nên không đủ điều kiện bồi thường về đất.

Người dân không đồng ý lập dự án

Hiện, tỉnh Bình Phước đang xem xét về mức hỗ trợ đất, tài sản trên đất và tái định cư cho người dân nằm trong vùng quy hoạch. Với những hộ dân có nhà ở, hộ khẩu thường trú, tạm trú đang sinh sống tại ngôi nhà bị giải tỏa, thời điểm sử dụng trước ngày 15/10/1993 được hỗ trợ diện tích đất ở theo hiện trạng sử dụng nhưng không quá 400m2 đất ở trong khu tái định cư, không phải nộp tiền sử dụng đất nhưng phải nộp tiền đầu tư kết cấu hạ tầng.

Tương tự, với hộ có thời điểm sử dụng trước ngày 1/7/2004 phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá hiện hành cùng phí đầu tư xây dựng; hộ có thời điểm sử dụng từ 1/7/2004 trở về sau phải nộp 100% tiền sử dụng đất cộng phí đầu tư xây dựng.

Nếu thu hồi đất nhiều điểm trường, ấp sẽ bị xóa sổ
Nếu thu hồi đất nhiều điểm trường, ấp sẽ bị xóa sổ

Đối với đất sản xuất nông nghiệp ngoài việc được hỗ trợ tài sản trên đất, các hộ gia đình, cá nhận lấn chiếm, sang nhượng, cho, tặng, thừa kế đất trái phép trong vùng dự án nếu trước ngày 1/7/2004 sẽ được hỗ trợ 30% diện tích đất lấn chiếm; từ 1/7/2004 đến 1/7/2010 được hỗ trợ 10% diện tích đất sau thời gian trên không được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đất chỉ giới hạn trong diện tích 3 héc ta thuộc quyền sử dụng, quá diện tích trên nếu người dân muốn sử dụng sẽ phải ký hợp đồng thuê đất của nhà nước. Mức hỗ trợ 35% diện tích đất sẽ được áp dụng với những hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm hoặc thanh lý hợp đồng thuê đất khi giải tỏa.

Việc quy hoạch dự án trên diện tích lớn đã tác động đến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn 5 xã của huyện Đồng Phú. Theo báo cáo của huyện Đồng Phú lên UBND tỉnh về kết quả lấy ý kiến góp ý dự thảo khung chính sách xây dựng đầu tư dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp thì hầu hết người dân đều không đồng lòng với kế hoạch lập dự án vì cho rằng dự án không khả thi.

Từ cuối tháng 8 đến ngày 23/9 nhiều người dân đã tập trung trước UBND huyện và UBND tỉnh đề nghị được đối thoại với những người có thẩm quyền để giải thích vướng mắc cho dân. Trưa 23/9 trong buổi tiếp dân, ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhận định, phản ứng của bà con cho thấy sự tác động rất lớn của dự án đến đời sống nhân dân trong vùng cũng như nhu cầu được biết thông tin về dự án, về quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là chính sách dự thảo chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và cơ quan thẩm quyền chưa phê duyệt. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng kêu gọi bà con yên tâm làm ăn, UBND tỉnh Bình Phước cam kết dự án sẽ được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhân dân trong khu vực và sự phát triển chung của toàn tỉnh, mọi lợi ích chính đáng của nhân dân sẽ được đảm bảo.

Vân Sơn