Thu hồi đất có dấu hiệu trái luật tại Hà Nam:
Bài 2: Dấu hiệu vi phạm pháp luật của chính quyền
(Dân trí) - Trong quá trình giải quyết khiếu nại đòi ao của chị Phạm Ngọc Lưu Ly, UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục đã bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Những căn cứ trái luật
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, ngay từ việc giải quyết khiếu nại của chị Phạm Ngọc Lưu Ly, UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đã vi phạm qui định của pháp luật. Căn cứ vào các thông báo số 03 của UBND xã Đồng Du và 63 của UBND huyện Bình Lục trả lời chị Phạm Ngọc Lưu Ly, theo Luật Khiếu nại tố cáo, việc trả lời khiếu nại phải được ban hành “quyết định” giải quyết khiếu nại chứ không phải chỉ bằng “thông báo” như UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục đã thực hiện như đã nêu trên.
Như vậy, ao của gia đình ông bà Thính được quyền để lại cho gia đình. Việc UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục cho rằng ao đó đã đưa vào HTX thì chính quyền phải xuất trình chứng cứ văn bản thời kỳ đó ông bà Thính đưa vào HTX diện tích đất nào? trâu bò? cày bừa? đóng cổ phần bao nhiêu? (Có chữ ký của ông bà Thính) để xác định ông bà Thính đã đưa diện tích ao này vào HTX hay chưa? Xin lưu ý: Tài liệu này thuộc danh mục lưu trữ vĩnh viễn (chính quyền lưu giữ) nên không thể trả lời áp đặt là ông bà Thính đã đưa vào HTX mà không có chứng cứ chứng minh.
Đơn phương lấy đất của dân
Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 1963 của ngành Toà án nhân dân giải quyết tranh chấp có liên quan đến HTX Nông nghiệp: “Trong một số vụ tranh chấp do HTX tự động chiếm ruộng, ngăn cản không cho cày cấy, tranh chấp hoa màu, hoặc bắt trói xã viên, nông dân chưa vào HTX, một số Toà án đã phối hợp với Ban công tác nông thôn phân tích hành động phi pháp của HTX và buộc HTX phải trả lại ruộng đất, trâu bò, hoa lợi của xã viên xin ra HTX cấp thấp hoặc của nông dân chưa vào HTX”. Theo Luật sư Trần Đình Triển: “Những sai sót đó, từ năm 1963 đã rút kinh nghiệm. Tại sao đến thời điểm hiện nay, không có tài liệu nào là ao của gia đình ông Thính đã góp vào HTX mà chính quyền xã, huyện tự gán ghép là đất ao đã đưa vào HTX và là của Nhà nước quản lý và sử dụng?”
Còn theo Điều lệ HTX Nông nghiệp bậc cao ban hành ngày 01/5/1969 cũng quy định trên nguyên tắc tự nguyện và đồng thời khẳng định: "... Những tư liệu sản xuất của HTX Nông nghiệp đều thuộc quyền sở hữu tập thể”. Điểm khác nhau cơ bản của Điều lệ HTX Nông nghiệp bậc thấp và bậc cao là: xã viên đã đóng góp ruộng đất, trâu bò, cày bừa, đóng cổ phần,... thì tài sản đó đã thuộc HTX Nông nghiệp và là sở hữu tập thể. Do đó, ao của gia đình ông Thính chưa đóng góp vào HTX bậc thấp và HTX bậc cao thì vẫn toàn quyền sử dụng của gia đình ông Thính.
Vũ Văn Tiến – Phan Huy