Kiến nghị giữ 2,8 tỷ bồi thường của dân:
Bài 2: “Chi cục Thi hành án quận Ba Đình có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi công dân”
(Dân trí) - “UBND quận Ba Đình đang giữ lại toàn bộ tiền bồi thường GPMB của gia đình bà Dăm trong khi đã cưỡng chế giải phóng mặt bằng ngôi nhà 8B Lê Trực - Ba Đình (Hà Nội). Việc phong tỏa toàn bộ số tiền bồi thường hơn 2,8 tỷ đồng từ kiến nghị của Chi cục THA quận Ba Đình là chưa thấu đáo”, luật sư Trần Hữu Năng nhận định.
Liên quan đến đơn kêu cứu gửi báo Dân trí của bà Nguyễn Thị Dăm, hộ khẩu thường trú tại số 6, ngõ 88 phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình về việc bà Dăm cho biết thực hiện giao dịch mua bán quyền sử dụng ngôi nhà 8B Lê Trực - Ba Đình (Hà Nội) từ năm 2000, đồng thời sử dụng ngôi nhà trong suốt 15 năm nhưng khi ngôi nhà bị giải tỏa, số tiền đền bù hơn 2,8 tỷ đồng bị Chi cục Thi hành án quận Ba Đình kiến nghị tạm giữ để thi hành cho một bản án của chủ cũ, PV Dân trí đã có trao đổi với luật sư Trần Hữu Năng - Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Năng (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
PV: Liên quan đến việc thi hành án với ngôi nhà 8B Lê Trực khiến Chi cục Thi hành án quận Ba Đình bị công dân khiếu nại, luật sư có quan điểm gì về biên bản thỏa thuận tự nguyện thi hành án giữa chị Đỗ Kim Thanh và anh Trần Xuân Đồng ngày 28/05/2001, theo đó chị Thanh sẽ gán căn nhà 8B Lê Trực để trừ khoản nợ 108 triệu đồng mà chị ta phải trả anh Đồng theo nội dung bản án 30/DSST ngày 19/08/1999 của Tòa án nhân dân Ba Đình ?
Luật sư Trần Hữu Năng: Xét về giao dịch dân sự, theo quy định tại điều 136 Bộ luật Dân sự 1995 và điều 128 Bộ luật Dân sự 2005, đây là một giao dịch dân sự vô hiệu vì nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật. Cụ thể: chị Thanh lập biên bản gán nợ một tài sản mà trước đó hơn 1 năm đã bán, đã nhận tiền đầy đủ và đã bàn giao cho gia đình bà Dăm; hơn nữa, anh Đồng biết rõ gia đình bà Dăm đã mua nhà và dọn đến nhưng vẫn cố tình lập biên bản nhận nhà trừ nợ với chị Thanh mà không thông báo cho bà Dăm.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi một giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Ở đây, trong giao dịch gán nhà trừ nợ vô hiệu này, chị Thanh và anh Đồng thực tế chưa trao nhận gì cho nhau. Căn nhà thì bà Dăm vẫn sử dụng liên tục suốt 15 năm qua, còn khoản tiền 108 triệu đồng thì chị Thanh vẫn nợ anh Đồng như bản án 30/DSST ngày 19/08/1999 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã tuyên.
PV: Thỏa thuận tự nguyện thi hành án được chính chấp hành viên Chi cục Thi hành án quận Ba Đình đến chứng kiến, lập biên bản ghi nhận lại không có hiệu lực pháp luật, thưa luật sư ?
Luật sư Trần Hữu Năng: Tại biên bản thỏa thuận tự nguyện thi hành án giữa chị Thanh và anh Đồng có bút tích lời chứng của ông Trương Chí Hưng, chấp hành viên chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình, nguyên văn: “Yêu cầu các đương sự chị Đỗ Kim Thanh và anh Trần Xuân Đồng đến xí nghiệp kinh doanh nhà quận Ba Đình hoàn thành thủ tục sang tên hợp đồng thuê nhà. Biên bản này chỉ có giá trị thi hành sau khi được sự đồng ý của xí nghiệp kinh doanh nhà cho phép các đương sự hoàn tất thủ tục sang tên hợp đồng.”
Cho đến hôm nay sau gần 14 năm, hai bên vẫn chưa làm được thủ tục sang tên hợp đồng thuê nhà và với hồ sơ này sẽ không bao giờ sang tên được. Bởi lẽ, căn nhà trên gia đình bà Dăm đang quản lý, sử dụng và đã đóng tiền thuê nhà được một số kỳ rồi.
PV: Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình có thể căn cứ vào biên bản thỏa thuận tự nguyện thi hành án này để ra quyết định kê biên căn nhà 8B Lê Trực nhằm thi hành bản án 30/DSST ngày 19/8/1999 được không, thưa luật sư?
Luật sư Trần Hữu Năng: Đương nhiên là không thể. Một khi biên bản thỏa thuận gán nhà trừ nợ chưa có hiệu lực thi hành như phân tích bên trên thì không thể nào căn cứ vào đó để ra quyết định kê biên căn nhà 8B Lê Trực được
Lý giải về quyết định kê biên căn nhà, Cơ quan thi hành án dân sự quận Ba Đình viện dẫn Phần IV, mục 1, tiểu mục a Thông tư liên tịch số 12 ngày 26/02/2001 của Bộ Tư pháp - Viện KSNDTC cụ thể: “Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch đó”.
Cả hai điều kiện cần để kê biên tài sản mà phần này của Thông tư 12 nêu trên quy định thì cơ quan thi hành án đều không có. Thứ nhất, nhà 8B Lê Trực là nhà của Nhà nước, chưa thuộc quyền sở hữu của cá nhân người phải thi hành án (chị Thanh). Quyền được thuê nhà của chị Thanh đã bị cơ quan Thi hành án hiểu nhầm là nhà thuộc sở hữu của chị Thanh để đưa ra quyết định kê biên. Tôi không kết luận sự nhầm lẫn này là vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng nó là nguyên nhân trực tiếp khiến cho vụ việc bị kéo dài nhiều năm, bị xử lý sai về bản chất và gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thứ hai, cơ quan Thi hành án cũng chưa gửi văn bản tới cơ quan có thẩm quyền nào đề nghị hủy bỏ giao dịch “mua hỏa hồng” nhà 8B Lê Trực giữa chị Thanh và gia đình bà Dăm. Nói cách khác, ngay từ trình tự thủ tục cơ quan thi hành án cũng chưa thực hiện đầy đủ. Như vây, có thể khẳng định: việc chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình kê biên căn nhà 8B Lê Trực là không có cơ sở.
PV: Thực tế, chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình đã đề nghị UBND quận Ba Đình chuyển tiền bồi thường hỗ trợ của gia đình bà Dăm vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Xin cho biết quan điểm của luật sư về việc này?
Luật sư Trần Hữu Năng: Việc kê biên căn nhà 8B Lê Trực là hành vi không có cơ sở pháp lý như đã phân tích ở trên thì đề nghị chuyển tiền đó cũng đương nhiên không có cơ sở pháp lý và UBND quận Ba Đình cũng không có nghĩa vụ phải thực hiện đề nghị này.
Măt khác, ông Chủ tịch UBND quận Ba Đình còn giữ cương vị chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư quận, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo công tác thi hành án dân sự quận Ba Đình. Như vậy, ông chủ tịch quận hoàn toàn có thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại toàn bộ vụ việc suốt 15 năm qua để có cách xử lý có tình có lý nhất.
Ở cương vị chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư, ngoài trách nhiệm đảm bảo việc giải phóng mặt bằng nhanh, đúng tiến độ, nhưng với cương vị chủ tịch UBND quận ông chủ tịch còn có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn. Vì vậy, chủ tịch quận Ba Đình hoàn toàn có khả năng và điều kiện thực hiện tốt các trách nhiệm này để mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước đúng pháp luật.
PV: Theo Luật sư, UBND quận Ba Đình nên và cần phải giải quyết việc bồi thường hỗ trợ tái định cư cho hộ bà Nguyễn Thị Dăm ra sao?
Luật sư Trần Hữu Năng: Về thực hiện tái định cư, những hộ liền kề có tình trạng giấy tờ nhà đất, loại nhà, đất và tình trạng nhân khẩu tương đương được Nhà nước giải quyết tương đương.
Hiện nay UBND quận Ba Đình đang giữ lại toàn bộ tiền bồi thường GPMB của gia đình bà Dăm trong khi đã cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Theo hồ sơ tôi nắm được đến thời điểm này thì khoản tiền bồi thường hỗ trợ, cần phải trả hết cho bà Dăm. Trường hợp nhất thiết phải giữ lại một phần chờ phân xử thì nên giữ lại số tiền tương đương với khoản nợ 108 triệu cộng với lãi vay ngân hàng trong những năm qua. Lưu ý đây chỉ là con số tạm giữ lại chờ phân xử của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo chấp hành bản án. Việc phong tỏa toàn bộ số tiền bồi thường thể hiện hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước chưa thấu đáo.
Xin cảm ơn luật sư!
Anh Thế (thực hiện)