Bài 15: Những dấu hỏi lớn về 31 tỷ đồng trong vụ án 194 phố Huế

(Dân trí) - Vụ án 194 phố Huế được Dân trí phản ánh đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua. Xung quanh vụ án này, còn tồn tại nhiều dấu hỏi lớn về số tiền bán đấu giá thành ngôi nhà trên.

Loạt bài “phanh phui” các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Loạt bài “phanh phui” các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng
trong vụ cưỡng nhà 194 phố Huế đang được dư luận
và nhiều cơ quan nhà nước quan tâm, theo dõi (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

 “Biết trước” người trúng đấu giá, số tiền trúng đấu giá?

Ngày 24/8/2009, tại trụ sở Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội (số 22A Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông Đặng Văn Thoán là người mua trúng đấu giá tài sản là "một phần diện tích (139,68 m2) nhà đất tại 194 phố Huế" với số tiền 31.528.000.000 đồng.

Theo Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 07-01/2009/HĐBĐG ngày 28/4/2009 thì thời hạn thanh toán tiền mua tài sản được xác định trong vòng 30 ngày kể từ ngày phiên bán đấu giá thành.

Về vấn đề này, ngày 09/09/2009, Cơ quan THA Quận Hai Bà Trưng đã có công văn số 83/CV-THA gửi các chức năng giải trình về quá trình THA, trong đó ông Trịnh Ngọc Chung nêu rõ: "Ngày 8/8/2009 THADS quận Hai Bà Trưng đã nhận được ủy nhiệm chi đề ngày 07/7/2009 của Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội chuyển toàn bộ số tiền đã bán đấu giá về tài khoản của THADS quận Hai Bà Trưng”.

Tuy nhiên, ngày 24/8/2009, Công ty Bán đấu giá Hà Nội mới bán đấu giá thành ngôi nhà 194 Phố Huế cho ông Thoán nên ngày 8/8/2009, THA dân sự quận Hai Bà Trưng không thể nhận được ủy nhiệm chi đề ngày 7/7/2009 của Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội chuyển toàn bộ số tiền đã bán đấu giá về tài khoản của THA dân sự quận Hai Bà Trưng.

Thông tin như ông Chung cung cấp tại công văn số 83 khiến nhiều độc giả suy luận rằng người trúng đấu giá và số tiền bán đấu giá đã được lên kế hoạch từ trước khi cuộc bán đấu giá diễn ra… nửa tháng (?!).

Mặt khác, trả lời Báo Dân trí về câu hỏi có liên quan, ông Chung đính chính: “Ngày công ty Bán đấu giá chuyển tiền và ngày chi cục Thi hành án Hai Bà Trưng nhận được ủy nhiệm chi tiền bán đấu giá tài sản đều là 8/9/2009 nhưng do sơ suất trong đánh máy nên công văn đã nhầm là ngày 8/8/2009”!.

Kể cả việc ông Hoàng Phi Long đứng tên sổ tiết kiệm số tiền bán đấu giá này cũng được ông Chung lý giải là do lỗi của Ngân hàng TECHCOMBANK!

Trong buổi hòa giải tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, ông Đặng Văn Thoán cũng xác nhận là chuyển tiền vào tài khoản Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà nội vào ngày 8/9/2009.

Dư luận đang hết sức quan tâm đến sự thực thời điểm Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng nhận được ủy nhiệm chi của Công ty Cổ phần bán đấu giá là vào ngày nào? Có hay không việc “biết trước” người trúng đấu giá, số tiền trúng đấu giá?

Tiền lãi suất của hơn 31 tỷ đồng trong 2 năm đang ở đâu?

Theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của Bộ Tài chính thì số tiền 31.528.000.000 đồng có nguồn gốc từ bán đấu giá thành ngôi nhà 194 Phố Huế, là một khoản thu được xác định nằm trong hệ thống tài khoản kế toán của Cơ quan THA (số hiệu tài khoản là 3111 - mục “Thu tiền bán tài sản thi hành án”)

Ngày 4/9/2009, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định kháng nghị số 29/QĐ – KNGĐT – V12 đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST – KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội yêu cầu “Tạm đình chỉ thi hành quyết định sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST – KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội chờ kết quả giám đốc thẩm.”
Báo cáo sai sự thật tại Công văn số 83/CV-THA ngày 9/9/2009 của Thi hành án
Báo cáo sai sự thật tại Công văn số 83/CV-THA ngày 9/9/2009 của Thi hành án
quận Hai Bà Trưng được đổ lỗi là do "đánh máy". (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Tại công văn số 83, ông Trịnh Ngọc Chung xác nhận“Ngày 9/9/2009 cơ quan THADS thành phố Hà Nội đã chuyển cho cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng quyết định kháng nghị số 29/ QĐ-KNGĐT-V12 ngày 4/9/2009….do bà Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm kí”. Công văn này cũng chính là Thông báo tạm đình chỉ việc thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế với các cơ quan chức năng.

Theo hướng dẫn tại đoạn 2 khoản 3.2. 1 Mục III Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 5/7/2007 Quy định về thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự: “Đối với khoản tiền đã thu nhưng việc thi hành án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời ghi tên người được nhận; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định của Toà án hay quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự”.

Theo đó, kể từ ngày 9/9/2009, khoản tiền bán đấu giá thành ngôi nhà 194 phố Huế sẽ được cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng và “phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự”

Tuy nhiên, tại văn bản trả lời Báo Dân trí, ông Chung đã cung cấp thông tin:“Ngày 30/5/2011 Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng chuyển số tiền 31.528.000.000 đồng từ tài khoản tạm giữ của cơ quan Thi hành án sang Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – TTGD Hội Sở để gửi tiết kiệm theo lãi suất không kì hạn”

Vậy, kể từ ngày 9/9/2009 đến ngày 30/5/2011 số tiền bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế đã được người mua trúng đấu giá là ông Đặng Văn Thoán chuyển khoản cho Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội chưa? Đã được Cơ quan THA trả lại lần nào chưa? Và Công ty bán đấu giá này đã chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng như thế nào? Hay số tiền này chỉ được chuyển vào tài khoản của Chi cục THA vào thời điểm trước ngày 30/5/2011 không xa?

Nếu giả thiết số tiền bán đấu giá mới được ông Thoán nộp trước 30/5/2011 thì Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 07-01/2009/HĐBĐG ngày 28/4/2009 có còn hiệu lực pháp lý không? Và như vậy ngôi nhà 194 phố Huế có được xem là đã bán đấu giá thành và đã chuyển quyền sở hữu cho ông Thoán chưa?

Nếu Chi cục THA quận Hai Bà Trưng nhận được số tiền bán đấu giá vào ngày 8/9/2009 thì đến nay số tiền đó đã được Chi cục THA quản lý trong suốt 2 năm. Với số tiền gửi lớn như vậy, trên thực tế, khi gửi giữ trong tài khoản Ngân hàng, khách hàng có thể thỏa thuận lãi suất rất cao, từ 18% đến 24%/năm, tức 36% đến 48% trong 02 năm, tương đương với 11.350.080.000 đồng đến 15.133.440.000 đồng. Kể cả trong trường hợp, số tiền bán đấu giá đó được gửi với lãi suất không kỳ hạn thì tối thiểu lãi suất của 31.528.000.000 đồng trong 2 năm qua cũng đã lên tới 2 tỷ đồng.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ số tiền bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế đã được gửi tại những Ngân hàng nào? Thời điểm gửi của từng ngân hàng? Lãi suất được hưởng từ tiền bán đấu giá thành được quản lý như thế nào? Sổ sách kế toán về nội dung này được ghi chép ra sao?

Xem ra, thực hư về việc kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế còn nhiều điểm “mờ” vẫn chưa được “phơi bầy” trước công luận.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên.

Vũ Văn Tiến