Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ ở xã Đông Mỹ:

Bài 14: Quyền lợi hợp pháp của gia đình liệt sỹ bị tòa án xâm hại

(Dân trí) - Ông Kế là thừa kế hợp pháp duy nhất toàn bộ di sản do bố mẹ để lại, do các đồng thừa kế khác từ bỏ quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Sự thực này đã bị bản án 206/2013/DSPT ngày 26/8/2013 của Tòa án Hà Nội ngang nhiên xâm hại.

 
Trong bài báo kỳ trước, chúng tôi đã phân tích rõ việc thửa đất tranh chấp trong suốt gần 13 năm tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội là di sản thừa kế mà ông Nguyễn Văn Kế là người thừa kế hợp pháp duy nhất đối với toàn bộ phần di sản do bố mẹ để lại. Tuy nhiên, TAND TP. Hà Nội lại cho rằng có việc thỏa thuận phân chia đất giữa ông Kế, ông Bốn và ông Sáu, dù không hề có bất cứ văn bản nào ghi nhận việc thỏa thuận để từ đó thừa nhận tính hợp pháp của 2 quyển “sổ đỏ” cấp sai pháp luật.

Để tìm hiểu rõ hơn việc có hay không việc thỏa thuận phân chia đất giữa ông Kế, ông Bốn, ông Sáu? PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Lê Quốc Đạt, người bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp cho câc đồng thừa kế của ông Nguyễn Văn Kế và vợ là Triệu Thị Mão trong vụ án này.

Theo quan điểm của luật sư Đạt, mấu chốt của việc cho rằng đã có sự phân chia di sản xuất phát từ lời khai một phía của chị Nguyễn Thị Bình - người đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ bé), là con gái của ông Nguyễn Văn Bốn. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tham gia tố tụng, chị Bình không xuất trình được chứng cứ chứng minh tính hợp pháp cho lời khai của mình. Lời khai của chị Bình đều rất vô căn cứ, thậm chí rất mâu thuẫn và bất nhất, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chị Bình khẳng định di sản thừa kế của cụ Sụn, cụ Nghĩa để lại đã được ông Kế, ông Bốn và ông Sáu tự thỏa thuận phân chia bằng miệng, vì là anh em trong nhà nên không có giấy tờ để lại. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế, sau khi cụ Sụn, cụ Nghĩa qua đời, vợ chồng ông Kế - bà Mão đã quản lý sử dụng đất, đến năm 1956 tự nguyện phân chia 1.016m2 cho gia đình ông Sáu sử dụng, phần còn lại 1.020m2 do gia đình ông Kế sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Từ năm 1945 cho tới khi ông Bốn, bà Thân qua đời là cả một quãng thời gian rất dài, gia đình ông Bốn hoàn toàn không sinh sống trên đất và đặc biệt không phát sinh tranh chấp về việc gia đình ông Kế quản lý, sử dụng cả 1.020m2 đất mặc dù lúc sinh thời ông Bốn có về thăm quê nhiều lần.
 

Cho rằng có sự thỏa thuận bằng miệng giữa 3 ông về việc phân chia đất vào năm 1968, nhưng 4 người làm chứng chị Bình đưa ra thì tại thời điểm năm 1968 này có 2 người còn rất nhỏ, làm sao hiểu và chứng kiến được việc bàn luận của người lớn, hơn thế nữa lại có đến hai người còn sinh ra sau cả thời điểm này, như anh Nguyễn Văn Khải sinh năm 1968 hay chị Nguyễn Thị Mai sinh năm 1971. Như vậy có chuyện những người làm chứng trên khi chưa sinh ra đã biết đến việc phân định của ba anh em ông Kế?.

Mặt khác, những người làm chứng đều là họ hàng thân thích của chị Bình, nên có cơ sở để nghi ngờ rằng lời chứng có phần thiếu khách quan. Việc đưa ra các nhân chứng sinh ra sau thời điểm chị Bình khẳng định có sự thỏa thuận giữa 3 ông không chỉ thể hiện tính gian dối, không trung thực trong quá trình tham gia tố tụng, mà còn thể hiện rõ ý đồ của chị Bình là bằng mọi cách chiếm đoạt bằng được phần tài sản đã thuộc sở hữu hợp pháp của người khác theo đúng quy định của pháp luật thừa kế.

Thứ hai, trong mấy chục năm qua, gia đình ông Bốn không hề có bất cứ hành vi sử dụng đất nào trên diện tích đất mà chị Bình cho rằng thuộc quyền thừa kế hợp pháp của ông Bốn. Việc cắm mốc giới phân chia ranh giới thì phía chị Bình và người làm chứng khẳng định là có vào năm 1990, tuy nhiên lại không đưa ra được căn cứ pháp lý nào để chứng minh việc này, cụ thể như sau:

Chị Bình cho rằng có việc cắm mốc giới, nhưng phía bà Mão, anh Tạo, chị Nhung, chị Tuần không thừa nhận có việc này.

Khi kiểm tra hiện trạng thửa đất thì hoàn toàn không có các dấu vết cắm mốc giới như chị Bình miêu tả.

Tại các bút lục có trong hồ sơ vụ án, lúc thì chị Bình nói mốc giới là cọc ổi, lúc chị Bình lại khẳng định mốc giới là hàng rào cúc tần. Tuy nhiên, thực tế sử dụng đất suốt hơn 60 năm qua của gia đình bà Mão thì chưa bao giờ có hàng cúc tần hay bất cứ vật gì ngăn cách phần diện tích đất này thành 2 thửa đất. Chị Bình không sinh ra cũng như không lớn lên ở quê hương nên không hề biết được hiện trạng thửa đất như thế nào mà chỉ là tự chị Bình suy diễn.
 

Qua xác minh, UBND xã Đông Mỹ cung cấp: Người nộp thuế trực tiếp là bà Mão, và Ủy ban không biết có hay không có sự phân chia nhà đất giữa các con cụ Sụn, cụ Nghĩa vì trong tài liệu, sổ sách do xã lưu trữ không thể hiện. Tại Biên bản xác minh ngày 25/9/2003, ông Bảo - nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ cho biết: chưa bao giờ thấy có việc chia đất giữa ông Kế và ông Bốn. Như vậy, trên thực tế, nếu quả thực có việc hoạch định mốc giới giữa hai ông thì chắc chắn ông Bốn đã phải đăng ký với chính quyền địa phương từ năm 1968 chứ không phải là hoàn toàn không có bất cứ ý kiến gì như thực trạng hồ sơ vụ án hiện nay.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/1/2007 chị Bình cũng thừa nhận hiện ở xã Đông Mỹ thì hồ sơ kê khai để được cấp GCN QSDĐ của các gia đình khác vẫn còn lưu giữ, nhưng không có tài liệu gì của bố chị là ông Bốn kê khai làm thủ tục đăng ký diện tích đất trên.

Thứ ba, quyền đi đôi với nghĩa vụ là một đặc tính tất yếu luôn được pháp luật quy định đối với công dân trong các quan hệ với Nhà nước. Tuy nhiên, việc chị Bình khằn khẳng định Quyền sử dụng diện tích đất nêu trên thuộc quyền sở hữu của ông Bốn và sau này là của anh Chung trong khi chưa bao giờ những người này thực hiện nghĩa vụ của người chủ sở hữu đối với nhà nước là đóng thuế đất hàng năm, thì lấy đâu ra căn cứ để cho rằng họ là chủ sở hữu thực sự của Quyền sử dụng đất nói trên?.

Liên quan đến việc tự ý kê khai tách thửa trong hồ sơ địa chính năm 1993 cũng như tự ý tiến hành các thủ tục xin cấp 2 cuốn “Sổ đỏ” mang tên anh Tạo và tên anh Chung, tại các phiên tòa, anh Tạo trình bày rất thống nhất rằng xuất phát từ nguyên nhân anh Tạo không hiểu biết pháp luật, nghe mọi người đồn đại là “sở hữu nhiều đất sẽ bị đóng thuế nhiều”, nên từ việc lo sợ sẽ bị đóng thuế nhiều, anh Tạo đã tự mình thực hiện các hành vi trên để chia nhỏ diện tích 1.020m2 đất thành 2 thửa mà không hề bàn bạc với các đồng thừa kế khác cũng như gia đình ông Bốn. Do vậy trong hồ sơ tách thửa không hề có ý kiến của ông Kế, bà Mão. Từ đó cho thấy việc kê khai trên là hoàn toàn không hợp pháp.

Vì anh Tạo tự ý thực hiện các hành vi trên nên gia đình ông Bốn không hề biết đến việc thửa đất 1.020m2 đã được chia tách và được cấp thành 2 “Sổ đỏ”, vì thế trong suốt một thời gian dài đã không hề đóng thuế đất theo quy định pháp luật. Mãi về sau khi bà Thân (vợ ông Bốn) bị ốm, anh Tạo có đến thăm và đã tâm sự rồi cho bà Thân xem cuốn “Sổ đỏ”, sau đó bà Thân giữ lấy luôn, không trả lại thì chị Bình mới biết đến sự việc này và về quê đòi người bác ruột phần đất mà người bác này đã bỏ cả cuộc đời của mình để trông nom, quản lý, xây dựng.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Sụn, cụ Nghĩa đã hết từ lâu, mặt khác theo hồ sơ vụ án thì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý nào khẳng định có việc phân chia tài sản giữa ông Kế, ông Bốn và ông Sáu. Nếu chỉ căn cứ từ lời khai một phía của chị Bình là bị đơn trong vụ án thì không thể xem đây là căn cứ để khẳng định việc ông Bốn và ông Kế đã tự phân chia phần diện tích 1.020m2 với nhau.
 
Luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng Hội đồng xét xử ngày 26/8/2013 vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng Hội đồng xét xử ngày 26/8/2013 vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Liên quan đến những quy định pháp luật về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng - Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Thưa luật sư, thời hiệu chia thừa kế theo quy định của pháp luật đã hết, như vậy căn cứ vào những chứng cứ đã phân tích ở trên thì đây có phải là trường hợp được phép không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế không?

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và theo các quy định của pháp luật, ông Kế là người thừa kế duy nhất đối với khối di sản cha mẹ ông để lại, do các thừa kế khác đã tự từ bỏ quyền yêu cầu chia tài sản của mình trong thời gian pháp luật cho phép. Mặt khác, các đồng thừa kế của cụ Sụn, cụ Nghĩa không có bất cứ văn bản xác nhận là đồng thừa kế hay văn bản xác nhận di sản (là diện tích đất tranh chấp hiện nay) là chưa chia, nên không có cơ sở để chuyển di sản thừa kế thành tài sản chung của các đồng thừa kế được.

Do đó, có thể khẳng định hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để chị Nguyễn Thị Bình yêu cầu chia thừa kế cũng như chia tài sản chung đối với khối tài sản trên được.

Tuy nhiên, bản án số 206/2013/DSPT ngày 16/8/2013 của Tòa án Hà Nội lại khẳng định phần diện tích 1.020m2 đã được “ông Kế và ông Bốn tự phân chia” và căn cứ vào đó để công nhận quyền sở hữu của anh Tạo và anh Chung đối với toàn bộ phần diện tích ông Kế được thừa kế hợp pháp và thực tế gia đình ông Kế, bà Mão đã liên tục quản lý, sử dụng ổn định trong suốt hơn 60 năm qua. Nhận định sai lệch này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền - lợi ích hợp pháp của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão cũng như các đồng thừa kế khác, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật, gây bất bình và mất niềm tin sâu sắc trong quần chúng nhân dân.

Với phán quyết sai trái của bản án 206/2013/DSPT, ai sẽ là người mang lại công bằng cho một người phụ nữ đã bỏ cả cuộc đời chăm sóc, tôn tạo, quản lý khối tài sản của gia đình? Nhất là khi bà đã là người thiên cổ mà vẫn phải chịu những oan sai do những nhận định vô căn cứ pháp lý của một số người được coi là người có nhiệm vụ đặc biệt: cầm cân nảy mực giữ vững công bằng cho xã hội.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc