Bài 12: Yêu cầu Viện KSND Hà Nội báo cáo vụ 194 phố Huế

(Dân trí)- Ngày 30/8, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, Viện KNSD Tối cao có công văn gửi Viện KSND Hà Nội yêu cầu cơ quan này khẩn trương vào cuộc vụ án 194 phố Huế, sớm có văn bản báo cáo về lãnh đạo Viện KSND Tối cao.

Các công văn của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội
Các công văn của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội
được dán công khai trước cửa nhà 194 phố Huế.

Công văn của Viện KSND Tối cao vừa gửi Viện KSND Hà Nội nêu rõ: Để có căn cứ báo cáo lãnh đạo Viện KSND Tối cao, yêu cầu Viện KSND Hà Nội báo cáo bằng văn bản về việc kiểm sát Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng tổ chức cưỡng chế thi hành án tại số nhà 194 phố Huế (liên quan đến sự việc này ngày 4/3/2011, Viện KSND Tối cao đã có công văn số 429/VKSNDTC-V10 yêu cầu Viện KSND Hà Nội báo cáo việc giải quyết đơn do Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII chuyển, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phúc đáp).

Hiện vụ án liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế đang được TAND TP. Hà Nội thụ lý xét xử sơ thẩm lại theo Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT của TAND Tối cao, và theo quy định của pháp luật thì: "Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới" (Điều 136 Luật THADS)

Tuy nhiên, thay vì chờ kết quả của phiên tòa mới làm căn cứ để giải quyết đối với vấn đề liên quan đến căn nhà số 194 phố Huế, Cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng đã quyết liệt cưỡng chế đến cùng ngôi nhà 194 phố Huế để giao cho người mua đấu giá thành là ông Đặng Văn Thoán; khiến cả gia đình ông Minh lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, đi ở nhờ ở thuê khắp nơi, con cái không được chăm sóc chu đáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe và học tập của các cháu.

Ngày 11/7/2011, TAND TP. Hà Nội ban hành công văn số 131/TA-KT nhận định: “tài sản 194 phố Huế là tài sản đảm bảo cho việc vay vốn”  “theo quy định của pháp luật thì trong quá trình giải quyết vụ án, các tài sản bảo đảm (thế chấp, bảo lãnh, cầm cố…) không ai có quyền tự ý chuyển dịch.

Và, cụ thể hơn, ngày 26/7/2011, TAND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 137/TA-KT trả lời đơn đề nghị giải quyết của ông Đặng Văn Thoán trong đó nêu rõ: “Trong quá trình giải quyết vụ án, các tài sản bảo đảm không ai có quyền tự ý chuyển dịch. Vì vậy, yêu cầu ông Đặng Văn Thoán không được chuyển dịch (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho…) để chờ Tòa án giải quyết vụ án” (các công văn này hiện đang được dán công khai ngay trước nhà 194).

Sáng ngày 30/8/2011, Thanh tra xây dựng, Cảnh sát khu vực phường Ngô Thì Nhậm tiến hành kiểm tra hiện trạng ngôi nhà 194 phố Huế và đã kết luận: “Từ tầng 01 đến tầng 03 tại bức tường ngăn giữa nhà 194 và 196 phố Huế và phần vách tôn mà ngày 07/7/2011 Cơ quan THA quận Hai Bà Trưng thực hiện Quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐ-THA ngày 28 tháng 6 năm 2011 vẫn được giữ nguyên” .
 
Kết quả kiểm tra hiện trạng trên cho thấy nội dung đơn của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Bảo vệ Việt Bảo Tín gửi đến một số cơ quan chức năng phản ánh việc Hoàng Ngọc Minh dùng vũ lực để chiếm giữ tài sản đã được chuyển quyền sở hữu cho ông Thoán một cách trái pháp luật tại 194 phố Huế là không có cơ sở.
 
Như vậy, việc giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà 194 phố Huế để phục vụ cho quá trình xét xử của Tòa án nhân dân là vô cùng cần thiết và các bên liên quan phải tuyệt đối tuân thủ.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên khi có diễn biến mới.
Vũ Văn Tiến