Hà Nội:

Bài 1: Qua 4 phiên tòa, bị đơn vẫn kêu oan

(Dân trí) - Mặc dù đã trải quả 4 phiên tòa xét xử, nhưng ông Nguyễn Huy Vinh vẫn chưa tìm được công lý cho gia đình mình khi mà các bản án còn “đá nhau”, có dấu hiệu sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật giải quyết vụ án...

Bài 1: Qua 4 phiên tòa, bị đơn vẫn kêu oan - 1
 Đơn kiến nghị của gia đình ông Nguyễn Huy Vinh gửi Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Huy Vinh và bà Nguyễn Thị Chung, trú tại xóm 5, thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội phản ánh: Ngày 20/4/1981, vợ chồng ông Vinh có mua mảnh đất ao, vườn của bà Nguyễn Thị Bốn và ông Nguyễn Huy Vũ với diện tích là 1060m2. (Trong đó: Đất ao là 510m2; đất vườn là 550m2) theo văn tự bán hoa màu và nhượng đất, được UBND xã Xuân Phương chứng thực. Việc mua bán này các con bà Bốn đều biết và trên giấy tờ Văn tự bán đất có chữ ký của ông Vũ và điểm chỉ của bà Bốn.

Sau khi mua bán xong, gia đình ông Vinh đã nhận đất quản lý, sử dụng: đổ đất, san nền và xây dựng các công trình trên đất cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước; kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã được UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/1/1992.

Mặc dù thời điểm khi gia đình ông Vinh mua đất thì các con của bà Bốn đều biết và không ai phản đối, tranh chấp hay kiện tụng gì nhưng mãi tới 24 năm sau tức là năm 1995 khi đất đai có giá nên nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Vũ, bà Nguyễn Thị Tưởng mới phát sinh lòng tham tranh chấp đòi lại đất.

Tại bản án số: 40/2007/DSST, ngày 16/7/2007 của TAND TP. Hà Nội áp dụng điều 12, 13, 14 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự; áp dụng nghị quyết 02, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử “bác yêu cầu của nguyên đơn và xác nhận văn tự bán hoa màu và nhượng đất là hợp pháp”.

Nhưng tại bản án số 17/2008/DSPT, ngày 14/1/2008 của Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án nhân dân Tối cao lại xử “ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số: 40/2007/DSST, ngày 16/7/2007 của TAND thành phố Hà Nội và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.

Gia đình ông Vinh càng bức xúc hơn khi bản án số 04/2009/ DSST, ngày 13+15/01/2009 của TAND TP. Hà Nội thì lại “áp dụng Điều 127, 128, 137 Bộ luật dân sự, áp dụng điểm b khoản 2.2 Điều 2 Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004; áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996 xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc gia đình ông Vinh phải trả cho nguyên đơn diện tích là 176,6m2 (trên đó có 4 gian nhà cấp 4 và 01 nhà mái bằng cùng tường rào bao quanh).

Do đã có sự oan sai từ các bản án trước đó nên tại bản án số 113/2009/DSPT, ngày 03/8/2009 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án Nhân dân tối cao “không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Vinh, xử y án sơ thẩm: áp dụng điều 127, 128, 137 Bộ luật dân sự, áp dụng khoản 2.4 Điều 2 Mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004; áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996”.
 
Bài 1: Qua 4 phiên tòa, bị đơn vẫn kêu oan - 2
Ngôi nhà của ông Nguyễn Huy Vinh sau khi bị phá

Trước dấu hiệu oan sai của vụ án trên, ngày 16/3/2011, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có công văn số 4754/UBTP12 gửi đồng chí Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao nêu rõ: “Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận được đơn đề ngày 8/12/2010 của ông Nguyễn Huy Vinh, trú tại xóm 5, thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội khiếu nại bản án số 113 ngày 3/8/2009 của Tòa phúc thẩm – TAND Tối cao tại Hà Nội.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chuyển đến các đồng chí đơn của ông Nguyễn Huy Vinh. Trân trọng đề nghị các đồng chí xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời ông Nguyễn Huy Vinh, đồng thời thông báo kết quả đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
(Còn nữa)
Vũ Văn Tiến