Kiên Giang:
Bài 1: Nhiều khuất tất trong vụ thu hồi hàng ngàn ha đất ở Kiên Giang
(Dân trí) - Năm 1996, UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện chủ trương thu hồi hàng ngàn ha đất vùng Tứ Giác Long Xuyên, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quá trình thu hồi, đền bù, giao đất… có nhiều khuất tất, dẫn đến hàng trăm hộ dân đội đơn thưa kiện gần 20 năm qua.
Mới đây, 26 hộ dân ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương… đã đến trực tiếp Văn phòng Báo điện tử Dân trí khu vực ĐBSCL đặt tại TP. Cần Thơ trình bày về việc bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất của họ vào năm 1996 mà không có quyết định thu hồi, không đền bù, chuyển đổi đất khác để canh tác… Đẩy gia đình bà con vào cảnh khó khăn, nhiều hộ mất đất, trắng tay, trong khi đó nhiều cán bộ, đơn vị nhà nước lại được cấp đất, đáng nói có nhiều đơn vị dưới danh nghĩa là xí nghiệp, lâm trường… được cấp hàng trăm ha đất nhưng để hoang hóa, bà con vô cùng nóng ruột.
Dân mất đất… như chơi
Đến xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, PV Dân trí gặp ông Nguyễn Văn Sáng (1962) là bộ đội phục viên và cũng là một trong những gia đình bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi trên 9ha đất vào năm 1996, trong đó phần ông Sáng là 3ha đất.
Ông Sáng trình bày: “Để có 3 ha đất, tôi đã bỏ công khai hoang từ năm 1981 đến 1986. Mảnh đất, phía đông giáp ranh đất cha tôi là ông Nguyễn Văn Quang (đã chết); phía Tây giáp đất ông Độ Tám (ấp Rành Hạt); Phía Nam giáp đất ông Nguyễn Văn Chiến và phía bắc giáp đất ông Nguyễn Văn Võ. Đến năm 1996, tại khu vực này, nhà nước thu hồi 60.000 ha đất giao cho công ty Kiên Tài - Đài Loan trồng bạch đàn mà không có quyết định thu hồi hay đền bù gì cho bà con chúng tôi. Trong số 60.000ha đất này nhiều hộ đấu tranh thì được hỗ trợ tiền cày, được giao đất nhưng không phù hợp, vì đất trũng, cách xa nơi ở người dân ở 20 - 30km… Gần 20 năm đội đơn đi khiếu nại nhưng lên Trung ương thì chỉ về tỉnh, về tỉnh chỉ về huyện, về huyện chỉ về xã. Chính quyền cứ chỉ lòng vòng như thế và kéo dài cho đến hôm nay làm cho bà con tôi vô cùng khổ sở”.
Còn hộ ông Nguyễn Hoàng Em - ngụ tại Ấp Rành Hạt, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi 16 ha đất, bức xúc kể: “Năm 1996, gia đình tôi cũng như hàng trăm gia đình khác bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi 16 ha đất giao cho công ty Kiên Tài - Đài Loan. Từ khi khai phá cho đến năm 1996, gia đình tôi thực hiện nghĩa vụ thuế đàng hoàng, thể hiện bằng sổ thuế nông nghiệp do Bộ Tài Chính phát hành, tuy nhiên đất của tôi bị thu hồi mà không có quyết định, không bồi thường đất, chỉ hỗ trợ hoa màu tổng số tiền gần 300.000 đồng.”
Bức xúc nhất là trường hợp hộ ông Đặng Văn Nghiêm (1958) - ấp Kênh 9, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), ông Kim bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi tôi 185 công đất (tương đương 185.000m2), ông Nghiêm nói: “Bà con chúng tôi nghe cán bộ đến vận động giao đất cho nhà nước để đào kênh xả phèn, phát triển kinh tế gì đó…Khi bà con giao đất xong, nhà nước sẽ giao đất khác lại cho bà con. Nghe vậy, bà con tôi tin cán bộ nên giao đất nhưng chờ mãi không thấy chuyển giao đất khác gì hết, chúng tôi mới đi khiếu nại từ đó cho đến nay. Riêng tôi, khi hay nhà nước thu hồi đất của công ty Kiên Tài, cấp lại cho dân, tôi đến xã làm đơn xin được chuyển giao đất khác để canh tác và được chủ tịch xã Bình Sơn Đỗ Văn Lũy xác nhận là sẽ giao lại đất khác nhưng đến này tôi chưa nhận được cục đất nào. Trong khi đó, chính mảnh đất tôi được ông Phạm Long - Phó Chủ tịch xã Bình Sơn đứng bán cho 03 hộ dân ở An Giang. Đến nay, hàng trăm bà con tôi không có đất canh tác trong khi hàng trăm ha đất của công ty Kiên Dũng được giao trồng mía nhưng chỉ toàn cỏ, lau sậy. Nhìn đất đai bỏ phế như vậy, bà con tui sốt cả ruột!”
Nói về nguồn gốc đất đai của mình, ông Nghiêm trình ra mấy cuốn sổ thuế nhem nhúa, úa vàng được cấp từ 1991 và đổi sổ 1995 và tập hồ sơ dày cộm mà ông “tích cóp” qua gần 20 năm đội đơn khiếu nại từ cấp xã đến cấp trung ương. Ông Nghiêm thở dài: “Nguồn gốc đất đai tôi rành rành ra đó, nhưng chẳng hiểu sao hàng chục năm qua, cơ quan nhà nước vẫn không giải quyết, trả lời vòng vo. Việc mất đất, không đất sản xuất rồi đi thưa kiện, làm cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi mong nhà nước xem lại một cách thấu đáo cho bà con mất đất chúng tôi, bà con chúng tôi chỉ mong có đất để sản xuất, sớm ổn định cuộc sống sau gần 20 năm trời “ăn ngủ” với đóng giấy tờ này”.
Qua trình bày của những người dân mất đất tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất… đa phần họ đều có sổ thuế hoặc những người giáp ranh làm chứng. Tuy nhiên qua những trận mưa lũ, dời nhà… số hộ còn đủ giấy tờ chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng số thứ tự sổ thuế ở địa phương họ vẫn còn nhớ hoặc đất đai của họ ở vị trí nào, giáp ranh ai…bà con đều nhớ vanh vách, mặc dù vùng đất này nhà nước đã đào kênh chia 5,xẻ 7.
Nhiều đơn vị, cán bộ có đất?
Cụ Nguyễn Văn Cứng (84 tuổi) một trong những cụ cao niên ở ấp Kênh 9, xã Bình Giang) có tên trong danh sách được chính quyền cho vào khai hoang vùng đất ấp 3, xã Bình Sơn (nay xã Bình Giang) từ năm 1982, cụ Cứng nói: “Bà con tôi không hiểu biết nhiều, quanh năm chỉ biết cày cấy…bởi vậy vào năm 1996 bà con tôi tin chính quyền lắm, cán bộ đến vận động giao đất là chúng tôi giao ngay có biết làm giấy tờ gì đâu nên bây giờ mới lâm vào tình cảnh này. Nhưng nói thiệt với chú, bà con tôi chẳng ai biết nói gian, đất mình khai phá bao nhiêu thì mong muốn lấy lại hoặc nhà nước phải cấp đất khác cho chúng tôi canh tác. Nhà nước không làm được vậy, đằng này còn cấp đất vô tội vạ cho cán bộ ở xã, huyện rồi tỉnh… Tội với dân nhất là cấp đất cho các nông lâm trường, công ty, xí nghiệp rồi họ để hoang hoặc cho dân thuê lại chứ họ có phải là đối tượng “sống chết” với cục đất như bà con chúng tôi đâu”.
Nói về vấn đề cấp đất cho các đơn vị, cán bộ, ông Nguyễn Văn Sáng khẳng định: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà tôi biết về một số vị cán bộ, đơn vị nhà nước được cấp đất tại huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành... Bây giờ cán bộ, hay nhà báo nào muốn có sổ đỏ của ai, đơn vị nào là tôi có ngay và sẵn sàng dẫn đến vị trí đất đó”. Nói xong ông Sáng mở chiếc vali to đùng cho chúng tôi xem, bên trong toàn bộ là giấy tờ liên quan đến vụ thu hồi đất của UBND tỉnh Kiên Giang vào năm 1996, đặc biệt là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sơ đồ, họa đồ minh họa các vị trí đất mà cơ quan nhà nước, cán bộ ở tỉnh Kiên Giang được cấp đất.
Giải thích với PV Dân trí về sự rành mạch “động trời” này, ông Sáng cho biết, vào những năm ông và người dân mất đất, sau đó không lâu ở địa phương rộ lên phong trào mua bán đất nên ông Sáng đi làm cò đất sinh sống. Nhờ làm nghề này, ông mới biết đa số người bán đất là cán bộ đang làm việc ở các cơ quan trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, do vậy ông biết vị trí đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cán bộ ở tỉnh Kiên Giang là vậy.
Ông Trần Văn Hội - sống tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) - nêu hàng loạt nghịch lý trong việc thu hồi, quản lý đất đai của địa phương khiến người dân phải nhiều năm mang đơn đi khiếu nại. Cụ thể, theo ông Hội vào năm 1996, UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất vùng tứ giác Long Xuyên để giao cho Công ty Kiên Tài (Đài Loan) làm dự án trồng bạch đàn với tổng diện tích 60.000ha. Nhưng sau đó công ty này giải thể, thay vì trả lại đất cho dân sản xuất, chính quyền địa phương lại giao cho một số doanh nghiệp khác hoặc cấp cho cán bộ, thậm chí bỏ hoang.
Còn tại Nông trường Bá Phúc - tên đăng ký kinh doanh là xí nghiệp xây dựng Thủy lợi Bá Phúc, năm 2001 UBND tỉnh Kiên Giang cho thuê khoảng 400 ha đất làm kinh tế trang trại trong thời gian 50 năm. Nhưng trong khoảng 7 năm đầu, xí nghiệp Bá Phúc làm ăn không hiệu quả, để đất hoang hóa nên người dân ở địa phương thưa kiện. Qua cuộc thanh tra, xí nghiệp Bá Phúc không bị thu hồi và đến năm 2009, xí nghiệp Bá Phúc được UBND tỉnh Kiên Giang cho chuyển sang trồng lúa, kết hợp với trang trại.
“Vào thời điểm này, xí nghiệp Bá Phúc kêu gọi người dân đến khai hoang trồng lúa (vì trước kia là cỏ và tràm, ao hồ…) theo hình thức thuê đất. Để tiện việc quản lý, xí nghiệp Bá Phúc làm giấy thỏa thuận với 7 người đại diện, mỗi người đại diện được thuê trên 20 ha đất sau đó chia cho nhiều hộ dân khác và tiền thuê mỗi công đất là 300.000 đồng/công đất (1.000m2), kéo dài trong 3 năm. Tuy nhiên bà con làm được 2 năm thì xí nghiệp Bá Phúc “lật kèo”, đòi lại đất mà không chịu bồi thường thành quả lao động khi bà con đến khai phá rừng trồng lúa. Việc thưa kiện này kéo dài từ đó cho đến nay nhưng đáng nói, Xí nghiệp còn thuê dân xã hội đen vào đánh người dân chúng tôi”. Ông Hội kể lại.
Thực tế, xung quanh vụ thu hồi, quản lý, giao đất… của tỉnh Kiên Giang năm 1996, nhiều gia đình bị đánh, trấn áp đến tâm trí không bình thường, lao động nặng không được. Ngoài ra, không ít gia đình vướng vòng lao lý cũng vì tranh giành lại mảnh đất mình bỏ công khai phá từ sau những năm đất nước không còn tiếng súng. Đặc biệt là bà con hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà đến vùng đất cỏ cháy, phèn mặn như vùng Tứ Giác Long Xuyên phát hoang, sản xuất, “giúp nước, lợi nhà”… Nhưng sự thật bây giờ ra khổ thế này, bà con chua chát lắm!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Hành