Bạc Liêu: Ủy ban huyện bị "tố" trả đất chợ Cái Dầy bất thường!
(Dân trí) - Năm 2007, UBND huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) có quyết định trả đất chợ Cái Dầy cho một hộ dân sở hữu. Việc làm này của huyện bị dân tố là bất thường. Thanh tra Chính phủ từng có văn bản chuyển vụ việc đến UBND tỉnh Bạc Liêu giải quyết, nhưng đến nay vẫn… rơi vào im lặng.
Theo tài liệu của PV Dân trí, ông Trần Văn Nhỏ (ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) từ nhiều năm qua đã gửi đơn từ địa phương đến Trung ương "tố" UBND huyện Vĩnh Lợi hơn 10 năm trước có quyết định trả, cấp đất chợ Cái Dầy cho hộ bà Lưu Thị Nhung (ngụ địa phương) được cho là bất thường.
Diễn biến vụ việc
Theo đơn tố cáo của ông Trần Văn Nhỏ, nguồn gốc đất chợ Cái Dầy trước năm 1975 là khu đất nghĩa địa của chùa Vĩnh Bình. Do chiến tranh nên nhiều hộ dân từ một số nơi ra khu vực này chiếm dụng ở tạm, trong đó có hộ gia đình ông Phạm Văn Minh (vợ là bà Lưu Thị Nhung). Sau chiến tranh, hầu hết các hộ dân lần lượt trở về quê cũ, riêng ông Minh vẫn ở lại trên khu đất này.
Năm 1985, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau), UBND huyện Vĩnh Lợi giải tỏa khu đất này để quy hoạch xây dựng chợ Cái Dầy. Khi giải tỏa khu đất nghĩa địa, huyện chủ trương huy động dân công các xã lân cận thực hiện bốc cốt mồ mả và san lấp mặt bằng. Từ năm 1985-1987, chợ Cái Dầy được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, giao cho Công ty Thương nghiệp huyện Vĩnh Lợi điều hành. Đến năm 1989, chợ Cái Dầy được giao lại cho UBND xã Hòa Hưng (cũ) quản lý.
Vào năm 1991, cho rằng chợ Cái Dầy quy hoạch xây dựng lên trên 3.000m2 đất của mình, gia đình ông Phạm Văn Minh (nay đã mất) mới yêu cầu địa phương giải quyết. Ngày 8/5/1991, Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng (trước là Hòa Hưng) và Ban quản lý chợ Cái Dầy đã lập một biên bản ghi nhận phạm vi ranh đất 3.000m2 đất mà ông Minh yêu cầu, bao gồm 1.500m2 đất đã xây dựng chợ và 1.500m2 chưa xây dựng để lại cho gia đình ông Minh tiếp tục sử dụng.
Đến năm 2005, huyện Vĩnh Lợi chia tách thành huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi, trong đó chợ Cái Dầy thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi (mới). Và năm 2007, UBND huyện Vĩnh Lợi có quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 16/3/2007 về việc giải quyết đơn yêu cầu của bà Lưu Thị Nhung (vợ ông Minh), trong đó chấp nhận giao trả cho bà Nhung sử dụng 520,14m2 (tại thửa số 41, tờ bản đồ số 20) cho đủ 3.000m2.
“Nguồn gốc đất của bà Nhung là đất bãi biền nghĩa địa, do bà tự khai phá. Phần đất này nằm trong quy hoạch chợ nhà lồng Cái Dầy 3.000m2 (theo biên bản giải quyết của UBND xã Châu Hưng ngày 8/5/1991). Quá trình quy hoạch, bà Nhung đã lấy lại và sử dụng 2.479,86m2. Đối chiếu với biên bản ngày 8/5/1991 và diện tích bà Nhung đang sử dụng, UBND xã Châu Hưng phải trả cho bà 520,14m2”, quyết định số 160 của UBND huyện Vĩnh Lợi nêu lý do trả đất.
Cũng trong năm 2007, hộ bà Lưu Thị Nhung được UBND huyện Vĩnh Lợi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất nhà lồng chợ Cái Dầy. Ngoài ra, bà Nhung còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích hơn 1.833m2 trên phần đất ao thuộc thửa số 42.
Sau đó, cho rằng hộ ông Trần Văn Nhỏ lấn chiếm hơn 41m2 đất của mình, hộ bà Lưu Thị Nhung khởi kiện ông Nhỏ ra tòa. Cả 2 cấp tòa của tỉnh Bạc Liêu đều tuyên phía ông Nhỏ trả đất (hoặc giá trị quyền sử dụng đất) cho hộ bà Nhung. Tuy nhiên, phía ông Nhỏ không đồng ý.
Huyện trả đất chợ Cái Dầy có đúng thực tế?
Ông Trần Văn Nhỏ cho biết, sau khi UBND huyện Vĩnh Lợi có quyết định trả đất và cấp “sổ đỏ” cho hộ bà Lưu Thị Nhung, ông và nhiều người dân khác ở khu vực Cái Dầy không đồng tình vì cho rằng việc làm này của UBND huyện Vĩnh Lợi là không đúng với thực tế.
Theo ông Nhỏ, trước năm 2005 (trước khi tách huyện), hộ bà Nhung yêu cầu huyện giải quyết theo biên bản năm 1991 nhưng không được giải quyết vì biên bản ranh giới khu vực chợ do UBND xã Châu Hưng lập ngày 8/5/1991 không phải là giấy tờ trưng dụng hay mượn đất.
Biên bản ngày 8/5/1991 (v/v ranh giới khu vực chợ) do UBND xã Châu Hưng lập, có nội dung: “Phần anh Minh là chủ gia đình đã trình bày trước năm 1967 là gia đình anh ở nông thôn, vì bị chiến tranh quá nên anh mới ra tại khu vực chợ Cái Dầy ở. Trước đó là khu vực nghĩa địa, cho đến năm 1986 thì Nhà nước có chủ trương là lấy khu vực nghĩa địa này làm chợ. Trước khi anh Minh ở khu vực của anh là 3.000m2, nhưng Nhà nước đã quy hoạch khu vực chợ đã chiếm vào phần đất của anh hết 1.500m2, còn lại khu vực của anh đang ở hiện tại là 1.500m2…. Vậy giữa chính quyền xã và chủ hộ của anh Minh đã đồng ý là 1.500m2 là Nhà nước trả lại thành quả lao động cho anh khi nào có văn bản và quyết định của UBND huyện. Kể từ ngày lập biên bản anh Minh không còn quyền sử dụng khu vực đã giao cho Nhà nước quản lý”.
Ông Trần Văn Nhỏ cho rằng, tại biên bản trên cho thấy có chi tiết ông Minh (Phạm Văn Minh, chồng bà Nhung, hiện đã mất) thừa nhận phần đất chợ Cái Dầy trước kia là khu vực nghĩa địa, sau đó Nhà nước lấy làm khu chợ. “Trong biên bản cũng chỉ nói đến thành quả lao động, tức là công bồi đấp hoặc hoa lợi cây trồng trên đất (nếu có) bị thiệt hại khi Nhà nước lấy lại đất, chứ không có bất cứ nội dung nào nói đến bồi thường giá trị quyền sử dụng đất”, ông Nhỏ nêu quan điểm.
Về nguồn gốc đất chợ Cái Dầy và nội dung tố cáo của ông Trần Văn Nhỏ, vào tháng 9/2013, đã có ít nhất 12 người dân (trong đó có người từng là cán bộ, cựu chiến binh…) cùng ký tên xác nhận phần đất này thuộc đất nghĩa địa, được Nhà nước giải tỏa để làm chợ, chứ không thuộc hộ bà Lưu Thị Nhung.
PV Dân trí đã gặp ông Nguyễn Văn On (SN 1955, nguyên là Đội trưởng Cảnh sát hình sự huyện Vĩnh Lợi) và ông cho biết có xác nhận với nội dung: “Trước năm 1975, được phân công trực tiếp quản lý địa bàn diệt bọn ác ôn tại khu vực Cái Dầy. Quá trình công tác được nhà nước tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Nay nghỉ việc ở gần chợ Cái Dầy. Tôi biết rất rõ đất chợ Cái Dầy, khẳng định Lưu Thị Nhung không có đất tại chợ Cái Dầy. Đất chợ Cái Dầy là loại đất nghĩa địa, được nhà nước giải tỏa để lập chợ, nhân dân đóng góp công sức, do cơ quan nào cấp giấy sổ đỏ cho bà Nhung là trái với pháp luật, đi ngược với lòng dân chúng tôi phản đối”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quyền (SN 1958, nguyên là Phó phòng Kế hoạch huyện Vĩnh Lợi, một trong những cán bộ được phân công tham gia quy hoạch xây dựng chợ Cái Dầy vào năm 1985-1986) có tờ tường trình (năm 2015) khẳng định: "Nguồn gốc đất chợ Cái Dầy là đất công thổ Nhà nước quản lý, lúc đó xã Hòa Hưng có tờ trình rõ ràng đất không tranh chấp và đền bù hoa lợi cho ai hết. Vì đất công thổ Nhà nước khi chưa sử dụng thì cho các hộ dân tận dụng sản xuất, khi Nhà nước sử dụng thì thu hồi. Còn việc sau này UBND huyện Vĩnh Lợi cùng thị trấn Châu Hưng và các ngành liên quan trả đất theo biên bản ngày 8/5/1991 là sai phạm nghiêm trọng...”.
Liên quan đến đơn tố cáo của ông Trần Văn Nhỏ, vào năm 2013, Ban Nội chính Trung ương có văn bản chuyển đơn đến Thanh tra tỉnh Bạc Liêu để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Đến năm 2014, Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản chuyển đơn của ông Nhỏ đến UBND tỉnh Bạc Liêu để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
G.H.Y