Bài 4:
Bắc Giang: Dân đồng loạt kiện huyện ra toà, chính quyền “chữa cháy” thế nào?
(Dân trí) - Bị người dân đồng loạt khởi kiện ra toà khi thu hồi đất đã cấp sổ đỏ của dân mà không bồi thường một đồng bạc nào, UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tự đưa ra một cách xử lý bị phản ứng quyết liệt. Vậy cách “chữa cháy” của chính quyền huyện này liệu có đúng luật?
Đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí của hàng loạt người dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi đại diện cùng các hộ dân thuộc các xã Cương Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn - huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang sinh sống hai bên ven đường tỉnh lộ 293 có đất bị thu hồi cho dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ từ năm 2012 nhưng không có quyết định thu hồi đất và không được đền bù về đất khi bị thu hồi”.
Các hộ dân cho biết những phần đất này đều đã và đang được sử dụng ổn định, hợp pháp, không có tranh chấp, đóng thuế đầy đủ hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Thế nhưng, sau khi bị UBND huyện Lục Nam thu hồi “trắng”, người dân đã đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà. Tại cấp toà thụ lý là TAND huyện Lục Nam, khởi kiện của người dân đều thất bại.
Hàng loạt người dân bị thu hồi đất đã được cấp sổ đỏ không một đồng bồi thường đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.
Không chấp nhận kết quả xét xử này, người dân lại đồng loạt kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Giang. Nhiều vụ được đưa ra xét xử tiếp tục được TAND tỉnh Bắc Giang tuyên “y án” với TAND huyện Lục Nam. Còn nhiều vụ kháng cáo vẫn đang nằm đợi đến phiên xử.
Theo điều tra của PV Dân trí, việc cưỡng chế thu hồi đất có sổ đỏ của dân mà không bồi thường của UBND huyện Lục Nam bị phản ứng quyết liệt, nhất là với câu hỏi vậy suốt hàng chục năm người dân vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho nhà nước sẽ được xử lý như thế nào?
Theo Công văn số 876/UBND-TNMT của UBND huyện Lục Nam do ông Đặng Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 5/8/2014 giải quyết khiếu nại của 4 hộ dân tại xã Cương Sơn, thay vì việc bồi thường cho các phần đất bị thu hồi đã được cấp sổ đỏ cho người dân, UBND huyện Lục Nam lại hỗ trợ hoàn trả lại số tiền thuế sử dụng đất mà các hộ gia đình đã nộp từ khi được cấp sổ đỏ đến khi thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp hành lang an toàn giao thông đường tỉnh 293. Đồng thời, huyện Lục Nam hỗ trợ hoàn trả lại số tiền các hộ dân nộp đất dôi dư mà UBND xã Cương Sơn đã thu của các hộ khi cấp sổ đỏ, áp dụng đối với phần diện tích thuộc hành lang an toàn giao thông đường tỉnh 293.
“Việc hỗ trợ tiền thuế và hoàn trả tiền thuế đã nộp của các hộ gia đình trên sơ sở áp dụng mức lãi suất cơ bản cao nhất mà Ngân hàng Nhà nước công bố trong khoảng thời gian từ năm 2000 đế năm 2013; áp dụng việc nhân lãi suất kép, đồng thời áp dụng việc tính tiền bằng 1,5 lần lãi suất cơ bản tối đa do Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện”, Công văn nêu.
Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của người dân được ông Hà Quốc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam ký. Ngay sau đó, người dân đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.
Với phần diện tích đã được cấp sổ đỏ của người dân, UBND huyện Lục Nam thu hồi nhưng không bồi thường mà “hỗ trợ” với mức 34.000 đồng/1m2.
Trong khi đó, để làm rõ vụ việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND huyện Lục Nam với đại diện là ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng ông Nguyễn Duy Quảng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (thời điểm cấp sổ đỏ cho người dân, ông Quảng là Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lục Nam).
Đại diện UBND huyện Lục Nam cho biết cách xử lý trả lại tiền đóng thuế của dân chứ không bồi thường khi thu hồi đất của dân đã được cấp sổ đỏ là do UBND huyện Lục Nam tự thực hiện chứ không xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt, Công văn số 1090/UBND-TTPTQĐ&CCN của UBND huyện Lục Nam khẳng định việc công nhận và cấp sổ đỏ cho người dân mà không khấu trừ hành lang an toàn giao thông là vi phạm các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, tại Công văn số 1090/UBND-TTPTQĐ&CCN của UBND huyện Lục Nam cũng do ông Đặng Văn Nhàn ký khẳng định việc công nhận và cấp sổ đỏ cho người dân mà không khấu trừ hành lang an toàn giao thông đường tỉnh 289 (nay là đường tỉnh 293) là vi phạm các quy định của pháp luật.
Thế nhưng theo thông tin từ ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng phòng TNMT huyện Lục Nam, người đại diện UBND huyện ký nhiều cuốn sổ đỏ trái pháp luật ấy là ông Nguyễn Đức Đăng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam khi đó. Và điều bất ngờ, đây cũng chính là vị lãnh đạo huyện đã ký cấp sổ đỏ cho em trai chủ tịch xã trên phần đất thu hồi của người thương binh nặng khốn khổ Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra của Báo Dân trí trước đó.
Vậy sau đó ông Đăng ở đâu? Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Đăng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam sau khi ký hàng loạt cuốn sổ đỏ vi phạm pháp luật đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Lục Nam; Tiếp tục sau đó được bổ nhiệm làm Bí thư huyện uỷ Lục Nam và đến thời điện hiện tại đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.
Thế nhưng, lãnh đạo UBND huyện Lục Nam khẳng định chưa từng có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang xử lý trách nhiệm các vị "quan" từng ký hàng loạt sổ đỏ trái pháp luật.
Có lẽ vì vậy mà khi PV Dân trí đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đức Toàn - Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam: “Phía huyện cho rằng những diện tích đất mà UBND huyện Lục Nam thu hồi đó nằm trong hành lang giao thông được cấp trái thẩm quyền, vậy UBND huyện Lục Nam đến giờ đã chính thức có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật với tập thể, cá nhân ký cấp các cuốn sổ đỏ đó hay chưa?”, phải rất khó khăn để ông Toàn trả lời rằng chưa bao giờ UBND huyện Lục Nam thực hiện điều ấy.
Và cũng thật kỳ lạ, trong nhiều bản án của TAND huyện Lục Nam và TAND tỉnh Bắc Giang khi ra quyết định bác các nội dung khởi kiện của người dân đều không hề có một chữ nào đề nghị xử lý trách nhiệm của vị quan ký cấp hàng loạt cuốn sổ đỏ trái pháp luật này.
Một cuốn sổ đỏ của người dân đang khiếu kiện được ông Nguyễn Đức Đăng ký cấp.
Ông Nguyễn Đức Đăng cũng chính là người ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ cho em trai "quan xã" trên phần đất thu hồi của người thương binh nặng khiến gia đình thương binh Lê Văn Dinh khốn đốn, hơn 20 năm đi khiếu kiện.
Về cách “chữa cháy” trả lại tiền thuế người dân đã đóng hơn 10 năm thay vì bồi thường, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “đối với gần 100 hộ dân tại Lục Nam, Bắc Giang có đất bị thu hồi nhưng không được nhận bất kỳ chế độ, chính sách bồi thường nào tôi cho là không thỏa đáng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bởi lẽ, theo hồ sơ tài liệu thì toàn bộ các hộ dân này đã được Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là đã được nhà nước ghi nhận về quá trình sử dụng ổn định lâu dài, không tranh chấp với ai, công sức giữ gìn, tôn tạo đất và quyền sử dụng đất là hợp pháp. Vậy thì trước khi có bất kỳ quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào, hay quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nêu trên là trái quy định của pháp luật, thì các hộ dân này vẫn được hưởng các chính sách bồi thường theo quy định tại Điều 74,75,76 Luật đất đai 2013”.
Báo Dân trí kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Bắc Giang; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vào cuộc làm rõ sự việc để thông tin minh bạch, công khai trước dư luận.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế