Bài 3:

Bắc Giang: Chuyện không tưởng về số phận đau đớn của một người thương binh nặng

(Dân trí) - Là thương binh hạng 4/4, nhiễm chất độc da cam, ông Lê Văn Dinh ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) không những bỗng dưng bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất rồi cấp sổ đỏ cho em ruột chủ tịch xã mà trong suốt 20 năm khốn khổ đòi công lý, hai người con dị dạng, dị tật của ông đã tuyệt vọng cầu xin chế độ trợ cấp.

Hơn hai mươi năm mòn mỏi đi đòi công lý khi mảnh đất cắm dùi sau ngày xuất ngũ trở về trong bệnh tật bỗng dưng bị chính quyền cấp xã và cấp huyện Lục Nam tước đoạt trắng trợn cấp sổ đỏ cho 2 người khác, ông Lê Văn Dinh (SN 1947) chưa một ngày nguôi hy vọng sẽ đòi được công bằng. Và cuối cùng, phải đến ngày 18/10/2016, Thanh tra tỉnh Bắc Giang mới chính thức có báo cáo số 95/BC-TTr ngày 18/10/2016 do ông Trương Văn Nam - Chánh thanh tra ký gửi UBND tỉnh Bắc Giang và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khi thu hồi đất của gia đình ông.

Bắc Giang: Chuyện không tưởng về số phận đau đớn của một người thương binh nặng - 1
Bắc Giang: Chuyện không tưởng về số phận đau đớn của một người thương binh nặng - 2

Bắc Giang: Chuyện không tưởng về số phận đau đớn của một người thương binh nặng - 3

Theo báo cáo, việc xử lý đất của hộ gia đình ông Dinh đến việc hợp thức hóa quyền sử dụng đất ở, cấp GCNQSD đất cho hộ ông Trường và ông Đô và việc tạm thu GCN, việc làm thủ tục cho ông Đô sau đó là các hộ chuyển nhượng đất của các cơ quan chức năng có liên quan của UBND huyện Lục Nam và UBND xã Tiên Hưng, UBND thị trấn Đồi Ngô có biểu hiện tùy tiện, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây hậu quả khó khắc phục được.

Việc thu hồi đất của hộ đang sử dụng có nhu cầu được giao đất (ông Dinh) để “hợp thức” cho 02 hộ chưa sử dụng đất gây nên sự mất công bằng giữa công dân với công dân đã dẫn tới sự khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Không những vậy còn làm mất lòng tin của nhân dân với chính quyền.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang còn kiến nghị xử lý cán bộ vi phạm. Tổ công tác còn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lục Nam “xem xét có giải pháp giải quyết về quyền lợi (xét giao đất ở) tương xứng cho hộ bà Thanh, ông Dinh.

Một bản báo cáo ngắn gọn, xúc tích nhưng đủ khiến những ai biết về câu chuyện người thương binh già suốt 20 năm mòn mỏi ôm đơn đi đòi đất phải rùng mình.


Suốt 20 năm, người thương binh nặng Lê Văn Dinh mòn mỏi đi đòi đất và cuối cùng sự thật cũng đã được Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận.

Suốt 20 năm, người thương binh nặng Lê Văn Dinh mòn mỏi đi đòi đất và cuối cùng sự thật cũng đã được Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận.


Quyết định của Tư lệnh Quân đoàn 2 vào tháng 4/1983 đồng ý cho Thượng úy Lê Văn Dinh, Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 được nghỉ mất sức và được hưởng trợ cấp sau hơn 17 năm trong quân đội.

Quyết định của Tư lệnh Quân đoàn 2 vào tháng 4/1983 đồng ý cho Thượng úy Lê Văn Dinh, Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 được nghỉ mất sức và được hưởng trợ cấp sau hơn 17 năm trong quân đội.

Bản báo cáo xúc tích nhưng còn chưa thực sự đầy đủ bởi sai phạm thì đã được lật tẩy “trắng bụng”, hướng khắc phục khẩn cấp được đề đạt nhưng không hề thấy bóng dáng trách nhiệm cá nhân của một vị cán bộ nào được nhắc đến.

Để tỏ tường sự thắc mắc của bạn đọc, PV Dân trí chỉ lần giở lại đôi chút về vị lãnh đạo huyện Lục Nam đã ký quyết định cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Trường và ông Trịnh Văn Đô trên mảnh đất cay đắng của ông Lê Văn Dinh vào năm 2003 chính là Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Đăng.

Không biết ông Đăng có còn tường tận về câu chuyện của người thương binh già 20 năm đòi đất Lê Văn Dinh nữa hay không, chỉ biết, đến giờ sau 13 năm phấn đấu, ông Đăng đã thăng tiến giữ đến cương vị Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.


Sau khi ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ khiến gia đình thương binh Lê Văn Dinh khốn đốn, ông Nguyễn Đức Đăng từ Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam giờ đã thăng tiến lên Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.

Sau khi ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ khiến gia đình thương binh Lê Văn Dinh khốn đốn, ông Nguyễn Đức Đăng từ Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam giờ đã thăng tiến lên Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.

Câu chuyện đến đây tưởng cũng đã đủ buồn. Thế nhưng, ngần ấy thứ thì không thể đủ để viết được thành chuyện không tưởng về số phận đau đớn của một người thương binh nặng.

Xin được tường thuật tiếp đôi điều về cuộc đời người thương binh Lê Văn Dinh: Ra quân sau hơn 17 năm sống cuộc đời quân ngũ với quân hàm Thượng úy, giữ chức Tiểu đoàn phó, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 với tỉ lệ thương tật 61% và bị nhiễm chất độc hóa học, thương binh hạng 4/4 Lê Văn Dinh về quê làm ăn sinh sống như bao người khác.

Những tưởng cuộc sống của vợ chồng ông sẽ an lành hạnh phúc khi vào năm 1975, vợ chồng ông được mẹ vợ cho một thửa đất rộng hơn 200m2 tại thị trấn Đồi Ngô hiện nay và hai đứa con trai lần lượt ra đời. Tuy nhiên, khi các con bắt đầu lớn lên thì cũng là lúc những triệu chứng bệnh tật lạ bắt đầu xuất hiện. Cả hai người con trai của vợ chồng ông bị mắc chứng bệnh toàn thân lở loét, chảy nước, quanh năm da bong tróc, mẩn ngứa.


Ông Dinh xót xa chăm sóc con trai bị bệnh tật hành hạ.

Ông Dinh xót xa chăm sóc con trai bị bệnh tật hành hạ.


Bản khai đề nghị giải quyết chế độ cho con cái người hoạt động kháng chiến sinh con bị dị tật, dị dạng đã được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận cho ông Dinh.

Bản khai đề nghị giải quyết chế độ cho con cái người hoạt động kháng chiến sinh con bị dị tật, dị dạng đã được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận cho ông Dinh.

Trong khi cả 2 vợ chồng nuốt nước mắt quần quật làm thuê làm mướn kiếm tiền vừa nuôi vừa chữa bệnh cho con thì thửa đất của hai vợ chồng ông bị UBND xã Tiên Hưng, UBND thị trấn Đồi Ngô và UBND huyện Lục Nam cưỡng chế, thu hồi để bán cho hai người khác (trong đó có em trai của Chủ tịch UBND xã Tiên Hưng lúc bấy giờ).

Khi ấy, người con lớn là Lê Văn Giang (SN 1979) mặc dù may mắn lấy được vợ và có con nhưng do cơ thể anh Giang bị bong tróc lở loét, người vợ đã bỏ chồng, bỏ con đi. Còn người con thứ hai là anh Lê Văn Sỹ (SN 1987) thì không lấy được vợ cũng bởi căn bệnh quái gở.

Từ chuẩn đoán của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang về 2 người con của ông bị bệnh vẩy nến, nấm da thì ông nghĩ ngay đến việc hai người con bị di chứng của chất độc da cam từ mình truyền sang. Được UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận tình trạng hai người con trai bị dị dạng, dị tật, ông Dinh đã mang hồ sơ lên phòng Lao Động - Thương Binh & Xã Hội huyện Lục Nam để đề nghị hướng dẫn cho 2 người con trai đi giám định y khoa xem có phải bị phơi nhiễm với chất độc hóa học hy vọng nhận được chế độ của nhà nước cho hai con bớt khổ đau.

Nhưng câu chuyện buồn này vẫn chưa bao giờ có hồi kết, bởi đến tận bây giờ hai người con của ông vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được phòng Lao Động - Thương Binh & Xã Hội huyện Lục Nam tạo điều kiện giúp đỡ.

Ông Dinh cho biết ngoài khoản tiền trợ cấp thương binh hàng tháng thì gia đình ông không có thêm các nguồn thu giá trị khác vì hai người con trai đau yếu. Vì vậy, cho dù hiện tại hai ông bà đã trên dưới tuổi thất thập vẫn phải gồng mình làm các công việc nặng nhọc để có tiền trang trải sinh hoạt và thuốc men cho hai người con.

“Cuối cùng sau hơn 20 năm mòn mỏi đi đòi đất, tôi cũng đã có được bản báo cáo của Thanh tra tỉnh Bắc Giang. Tôi sẽ còn đi kiện đến bao giờ bản báo cáo ấy hiện thực thành mảnh đất công bằng trả lại cho tôi”, ông Dinh nói bằng sự quả quyết của một người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế