Bắc Giang:

Bị thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật”: Bạn đọc Dân trí thấu cảm nỗi lòng người nông dân!

(Dân trí) - “Chính quyền và doanh nghiệp hợp tác để người dân giao ruộng thực hiện dự án. Một chiêu mập mờ để dân tưởng được chuyển đổi mục đích 10% đất dịch vụ thành nhà ở, giao đất cho doanh nghiệp rồi thì chính quyền bảo không cấp sổ đỏ cho đất dịch vụ. Về khoản này thì chính quyền hiểu rất rõ còn người dân muốn hiểu thế nào thì hiểu”, bạn đọc Dân trí nêu quan điểm.

Báo Điện tử Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của các hộ dân tại thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gồm: bà Nguyễn Thị Chinh, ông Nguyễn Khắc Năm, ông Nguyễn Đắc Khiêm cho rằng UBND huyện Hiệp Hòa có sai phạm trong quá trình thu hồi đất của các hộ gia đình và cho Công ty cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội (nay đổi tên là Công ty cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội) thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương và những sai phạm của Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân có đất bị thu hồi.


Đơn kêu cứu của người dân gửi đến Báo Dân trí.

Đơn kêu cứu của người dân gửi đến Báo Dân trí.


Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã trực tiếp về làm việc với người dân tại thôn Phúc Linh. Người dân tại đây cho biết trong làng vốn không hề có truyền thống sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Cánh đồng bị thu hồi là đất nông nghiệp màu mỡ trồng cả lúa và hoa màu.

Theo người dân, để phục vụ cho dự án này của doanh nghiệp, người dân bị thu hồi mỗi một sào đất ruộng (360m2) được đền bù khoảng trên dưới 80 triệu đồng hoặc được nhận lại 10% số đất bị thu hồi nhưng nếu muốn chọn vị trí thuận lợi phải nộp tiền theo quy định từ khoảng 2 đến 6 triệu/m2 tuỳ vị trí đất.

Được biết, Công ty cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội đã lập nhiều phiếu thu nhận tiền góp vốn xây dựng của người dân để nhận đất sản xuất. Tuy nhiên, một số người dân cho biết đã quá hứa hẹn của công ty này và họ vẫn chưa nhận được đất. Điều quan trọng là người dân cho biết họ sẽ nhận đất để làm nhà cửa sinh sống và nghĩ sẽ được cấp sổ đỏ chứ không hề có ý định lập xưởng sản xuất hay kinh doanh gì liên quan đến đồ gỗ.

PV Dân trí đã có buổi làm việc với UBND huyện Hiệp Hoà về những thông tin liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương.

Ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà xác nhận có việc chủ đầu tư dự án đã xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch trên đất dự án và đã có yêu cầu xử lý sai phạm.

Về việc thu hồi đất thực hiện dự án, ông Thịnh cho rằng UBND huyện Hiệp Hoà thực hiện đúng theo quy định pháp luật vì đây là dự án thuộc hạng mục thu hồi nhằm phát triển kinh tế nên việc thu hồi và đền bù sẽ theo quy định của nhà nước ban hành.

Trước thông tin người dân cho rằng được hứa hẹn sẽ được cấp sổ đỏ cho phần đất góp vốn hoặc cắt lại từ 10% đất bị thu hồi và được xây dựng nhà cửa sinh sống, qua Báo Dân trí, ông Thịnh khẳng định với nhân dân và công luận rằng: Đây là dự án làng nghề liên quan đến sản xuất và kinh doanh gỗ nên đất thuộc dự án này chỉ là đất cho thuê 49 năm, không được cấp sổ đỏ và tất cả những người sử dụng phải thực hiện đúng mục đích của dự án đã quy hoạch. Mọi hành vi xây dựng, hoạt động kinh doanh sai phạm sẽ bị xử nghiêm và triệt để.


Dự án làng nghề Mai Hương sản xuất kinh doanh đồ gỗ những mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, nhiều công trình lạ đã mọc lên.

Dự án làng nghề Mai Hương sản xuất kinh doanh đồ gỗ những mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, nhiều công trình lạ đã "mọc" lên.

Người dân bày tỏ bức xúc sau khi bị thu hồi đất "bờ xôi ruộng mật"

Tại buổi làm việc với UBND huyện Hiệp Hoà, PV Dân trí cũng chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà bức xúc của người dân bị thu hồi đất ruộng từ một ví dụ mà những người nông dân tại đây đưa ra phân tích cụ thể. Ví dụ: Một gia đình bị thu hồi 3 sào ruộng (gần 1100m2) sẽ được đền bù khoảng trên dưới 240 triệu đồng hoặc chấp nhận lấy lại 10% đất bị thu hồi (110m2) thì không phải đóng tiền sử dụng đối với diện tích này. Tuy nhiên, nếu hộ dân muốn chọn vị trí khác thuận lợi hơn so với vị trí đất mà gia đình mình bốc thăm được thì phải đóng thêm số tiền chênh so với vị trí ban đầu từ 2 đến 6 triệu đồng/m2. Như vậy, đồng nghĩa với việc hộ gia đình này mất 1.100m2 đất thì phải đóng thêm trên dưới 200 triệu chỉ để nhận 10% diện tích đất của chủ đầu tư. Trong khi phần đất này không được cấp sổ đỏ, không được làm nhà ở mà phải để sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, nghề mà gia đình họ chưa từng biết đến.

Mất đất, mất nghề, dân sống bằng gì?

Bất bình và xót xa bởi người dân không những bị mất đất mà còn đứng trước nỗi lo sau này không biết sẽ làm gì, mưu sinh ra sao khi mà quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bạn đọc Dân trí bày tỏ ý kiến:

Bạn đọc Hoang Minh Tran: “Coi như người dân tự mua 10% đất của chính mình? Thấy thương người dân quá. Rồi đây người dân không sống được lại phải bán tiếp đất đó để rồi tiếp tục không biết làm gì”.

Bạn đọc Thuan Le Ngoc phân tích: “ Mỗi mét vuông lãi 1triệu 950 nghìn đến 5 triệu 950 nghìn. Ở đâu mà làm giàu dễ thế thì chỉ khổ người dân thôi, đẩy dân vào đường cùng mất đất mất việc, họ sẽ sống bằng gì?"

“Có lợi ích nhóm rồi! Làm gì ở đâu có cái chuyện thu đất của dân rồi lại bán lại cho dân giá cắt cổ. Mà đây là cho dân thuê với thời gian 49 năm không có sổ đỏ (lời ông chủ tịch huyện), lại mị dân là có sổ đỏ. Cần các cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để làm sáng tỏ vụ việc giúp người dân”, bạn đọc Lê Ánh bức xúc.

Bạn đọc Thịnh Nguyễn: "Thu hồi giá 50.000đ/m2. Dân muốn lấy lại đất của mình nộp2-6 triệu/m2. Đúng là...".

Bạn Tuấn Phát xót xa: “Mình là người dân sở tại, nhưng không ngờ nhân dân quê hương mình lại dễ bị lừa như vậy. Công tác xa nhà nghe chuyện bà con bị lừa bán đất canh tác mà mình thấy đau lòng quá. Lâu không về quê nhưng khu ruộng đó là khu đất đẹp, gắn với tuổi thơ. Giờ đây mất đất, dân quê mình đã nghèo khổ, chỉ trông chờ vào mảnh ruộng. Như thế này lại càng khổ hơn".

“Rồi người dân mất đất lấy gì mà sống, đừng để lại sinh ra đạo tặc!", bạn đọc Nhân Hoài lo lắng.

“Muốn tốt muốn đẹp thì phải bỏ công bỏ của ra cải tạo. Đất công hoang hóa còn nhiều, cớ sao cứ phải lấy đất của dân? Người dân vì cuộc sống đã phải bỏ công sức cải tạo, thậm chí mất vài thế hệ đời người mới có được. Xót xa lắm!” Bạn đọc Tuấn Anh chia sẻ quan điểm.

Cho rằng đây là chuyện lạ đời, bạn đọc Vuacon: “Thu hồi đất thì theo quy định nhà nước, còn nhận đất 10% thì theo luật của doanh nghiệp. Thật lạ đời”.

Nhưng chuyện không hề lạ, bởi theo bạn đọc Đào Yến thì: “Thu hồi đất làm làng nghề - cái này diễn ra ở xã mình lâu lắm rồi, tuy nhiên người dân cứ mất 1 sào thì lấy lại được 120m2 (1/3) tùy ý làm nhà mà ko phải đóng tiền gì cả, đất nằm trong dự án làng nghề (thực ra là của một người, người này chắc lo lót mới làm được như vậy)".

Bạn đọc Manh Tuan Phan thông tin thêm: “Quê tôi cũng có. Xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định. Vận động người dân tự nguyên trả lại đất nông nghiệp (hết hạn năm 2013), rồi các ông quan chia lô đấu giá, người tự nguyên trả được mua 1 suất với giá hơn trăm triệu”.

Bạn đọc Nhatthanh Le: “Hãy về quê tôi, dự án Phường Bạch Hạc-TP Việt Trì-Tỉnh Phú Thọ (1000m2 đền bù giá hơn 10 nghìn VND/m2, chuyển sang đất dịch vụ 50 năm người dân nhận lại 90m2 phải đóng 500 nghìn/m2 không có sổ đỏ).

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Khả Vân