Bài 3:

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”?

(Dân trí) - Sau hàng chục năm khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn…tưởng chừng người dân quanh núi Thơm được bình yên khi mỏ đá dừng hoạt động nhưng bất ngờ đơn vị khai thác xin hoạt động tiếp và tăng công suất gấp đôi. Nếu được đồng ý, cuộc sống những con người khốn khổ bao năm sẽ lại lâm cảnh khốn cùng.

Đơn vị khai thác “quyết” tận thu, người dân lo lắng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 1

Dù khai thác tận thu và không chú ý đến môi trường xung quanh nhưng Công ty CP KS Vũng Tàu vẫn đang xin cấp phép khai thác tiếp ở núi Thơm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Công ty cổ phần khoáng sản Vũng Tàu (Công ty CP KS Vũng Tàu) được Bộ Công Nghiệp (hiện Bộ Công nghiệp đã sáp nhập với Bộ Thương mại trở thành Bộ Công Thương) cấp phép khai thác khoáng sản số 1220/QĐ-ĐCKS ngày 20/6/1998 với mục đích khai thác puzolan tại mỏ đá núi Thơm(xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đáng chú ý, không chỉ xin phép gia hạn mà Công ty CP KS Vũng Tàu đang làm thủ tục xin tăng sản lượng khai thác lên gần gấp đôi so với giấy phép được cấp trước đây và hiện đã hết hạn. Ngày 22/2/2019, Công ty CP KS Vũng Tàu có văn bản đề xuất được khai thác với sản lượng lên tới 500.000 tấn/năm, cao hơn 1,6 lần sản lượng khai thác cũ. Đồng thời nâng tổng diện tích đất mặt bằng sử dụng tăng hơn 3,8ha.

Bên cạnh đó, Công ty CP KS Vũng Tàu đã hết hạn thuê đất tại mỏ đá núi Thơm từ ngày 11/4/2019 nhưng công ty này vẫn quyết tâm xin gia hạn. Trong khi đó việc phục hồi môi trường theo quy định của giấy phép và Luật Khoáng sản thì lại bị “quên”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 2

Một hố sâu mà đơn vị khai thác đá trên núi Thơm để lại, xung quanh không biển cảnh báo, không có phương án tái tạo lại môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Tài nguyên Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, mỏ đá núi Thơm đã dừng hoạt động từ năm 2018, hiện Công ty CP KS Vũng Tàu chưa thực hiện việc cải tạo lại khu mỏ. Nguyên nhân được công ty này đưa ra là do trữ lượng mỏ vẫn còn và họ đang trong quá trình xin gia hạn khai thác tiếp mỏ đá núi Thơm.

Trước thông tin Công ty CP KS Vũng Tàu xin gia hạn khai thác tăng sản lượng, mở rộng diện tích, nhiều người dân tại địa phương vô cùng bức xúc. Theo họ, với công suất 300.000 tấn/năm người dân đã phải chịu rất nhiều ảnh hưởng từ khói bụi, tiếng nổ mìn, hạ tầng giao thông, cho tới nhà cửa bị ảnh hưởng thì nay việc nâng công suất lên gấp đôi thì cuộc sống của họ dường như bị dồn vào đường cùng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 3

Đơn cầu cứu của những hộ dân phải sống trong thấp thỏm vì mỏ đá khai thác.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 4

Nhà dân bị ảnh hưởng nhưng nhiều năm nay đơn vị khai thác không giải quyết.

 “Việc Công ty CP KS Vũng Tàu xin gia hạn giấy phép mà không hề lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng là quá coi thường chúng tôi. Họ không để ý, quan tâm gì đến cuộc sống khốn khổ của hàng chục hộ dân đã phải chịu trận bao nhiêu năm qua”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lỏi (ngụ gần mỏ đá) bức xúc.

Vi phạm giấy phép khai thác và Luật Khoáng sản?

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 5

Người dân địa phương đang phản đối kịch liệt việc Công ty CP KS Vũng Tàu muốn tiếp tục khai thác đá vì ảnh hưởng đến cuộc sống của cả khu dân cư.

Theo giấy phép thì Công ty CP KS Vũng Tàu được phép khai thác 20 năm (ngày 20/6/2018 sẽ hết hạn - PV), đồng thời công ty này phải tiến hành đóng mỏ, khôi phục môi trường và đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, Công ty CP KS Vũng Tàu chưa có động thái trong việc khắc phục môi trường sau khai thác theo quy định tại giấy phép của Bộ Công Nghiệp cấp.

Đại diện Phòng TNMT huyện Đất Đỏ cho biết, đơn vị này chỉ kiểm tra khi giấy phép khai thác, khi Công ty CP KS Vũng Tàu hết hạn giấy phép, đơn vị đã yêu cầu ngưng khai thác. Về vấn đề phục hồi môi trường sau khi khai thác là do sự quản lý của Sở TNMT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đại diện Phòng TNMT huyện Đất Đỏ thông tin thêm, việc xin gia hạn là bình thường, huyện chỉ có đề nghị đơn vị này khi khai thác phải đảm bảo môi trường, việc nổi mìn khai thác đá, vận chuyển hư đường và khói bụi cần phải có phương án bảo đảm không ảnh hưởng tới người dân.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn, dân tiếp tục “chịu trận”? - 6

Khu mỏ đá hiện đang tạm ngưng hoạt động chờ xin giấy phép khai thác tiếp

Trong khi đó, đại diện Sở TNMT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, quan điểm của tỉnh ở góc độ thảo luận là không cho gia hạn. Sở TNMT sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên Khoáng sản làm rõ vấn đề này. Có thể sẽ phải họp các sở ngành, địa phương liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP.HCM), tại khoản 2 Điều 55 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã nêu rõ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có nghĩa vụ như: Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;  Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ TNMT; Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

“Như vậy, việc đơn vị khai thác đã hết hạn gần 1 năm mà không tiến hành đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai là vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần xem xét, xử lý vấn đề này”, luật sư Biên nhận định.

Trung Kiên