Ánh trăng rằm
…Làm sao để cháu hứng được ánh trăng đầy lòng bàn tay - một ánh trăng thật, như ngày xưa ông từng ngỡ ngàng một cảm giác kỳ lạ của ánh trăng rằm mỗi độ Thu về …
Lại sắp đến rằm Trung thu. Tôi biết điều này khi vợ tôi lên chùa thắp hương vào những ngày mùng một âm lịch, và lần này là mùng một tháng Tám năm Đinh Hợi. Điều đặc biệt hơn, ở thời điểm này, vợ chồng tôi được đón đứa cháu ngoại về ở cùng để bố mẹ chúng đi công tác nước ngoài. Sự có mặt của đứa cháu tuổi mẫu giáo lớn khiến vợ chồng tôi thấy rằm Trung thu năm nay đến gần hơn trong cái se lạnh rất Thu của Hà Nội, dù rằng lá vàng trên góc phố mới rơi vài chiếc, con đường tôi thường đi lại chưa ánh lên màu vàng rực của những chiều Thu muộn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Tôi lãnh việc hàng sáng đưa cháu đi học và đón cháu về mỗi chiều. Hai ông cháu chậm rãi đi trên hè phố, tay trong tay, và tôi hỏi cháu về việc chuẩn bị đón Trung thu ở lớp. Có lẽ những mùa Thu trước đã mờ phai trong trí nhớ của cháu, nên cháu vẫn hỏi lại tôi những câu hỏi thủa ban đầu: “Trung thu là gì hả ông ?”, “Làm thế nào để đón Trung thu?”, “Trung thu cháu có được đi chơi không ?”…
Không khó cho tôi khi kể cho cháu nghe về rằm Trung thu, vì trong tôi còn đọng bao ký ức của những Trung thu Hà Nội ngày xưa. Nhưng khi nói về ánh trăng, ánh trăng rằm Trung thu, thì thú thật tôi đã phải ngập ngừng… Một cánh đồng tràn ngập ánh trăng vàng, một lối ngõ và hàng tre quấn quít sẽ rung lên trước cơn gió nhẹ dưới ánh trăng, một đường phố nằm dài dưới ánh trăng dịu dàng, một làn trăng mỏng ùa vào qua cánh cửa mới mở… Trời ơi, ông nói gì về ánh trăng cho cháu hiểu đây? Không có ánh trăng rằm thì làm gì có Tết Trung thu. Có lẽ rằm này phải cho cháu thấy ánh trăng để cháu nhớ mãi.
Nghĩ đến đây, một câu hỏi bỗng vụt đến trong đầu: tìm ánh trăng ở nội đô Hà Nội, ở đâu? Một điều bình thường thế không ngờ cũng thành câu hỏi. Tôi thấy mình phải có sự chuẩn bị, không dễ dàng chút nào. Ờ, đã lâu nay tôi cũng đã quên đi ánh trăng rằm, cũng như chả để ý đến trời Hà Nội hôm nào trong xanh hay có những dải mây trắng như bông. Vì thực ra, làm gì có lúc nào ngẩng đầu để mà ngắm trời. Đi trên đường: lo “làm chủ tốc độ”, về đến nhà: một ống sáng điện. Một năm một lần, khi các con còn ở tuổi học sinh, gia đình tôi thường đi ra biển, cũng được ngắm trời, và hoạ hoằn ngắm trăng.
Các con lớn cả, chúng chả đi với bố mẹ nữa, đó cũng là lý do đã mấy năm nay những kỳ nghỉ hè được ngắm trời cũng chả còn nữa, nói gì đến ngắm trăng. Tôi chợt giật mình, thì ra lâu nay mình, và có lẽ phần đông các cháu ở nội đô Hà Nội, toàn ngắm trăng rằm Trung thu qua tê-vi và phá cỗ Trung thu dưới ánh điện (!). Rằm Trung thu ồn ào với đồ chơi Tàu. Cũng vẫn truyền thống xưa: đèn ông sao, múa sư tử kỳ lân, phá cỗ với ngồn ngộn các loại “bánh Trung thu” (không ăn cũng phải mua vì là rằm Trung thu mà!). Nhưng hình như người ta quên mất cái chính tạo nên rằm Trung thu - đó là ánh trăng.
Rằm này tìm đâu ánh trăng cho cháu nhỉ ? Phải lên cao, nhưng nhà mình làm gì có sân thượng! Nhìn qua cửa sổ, trăng có ở hướng này đâu! Hay ra đường cao tốc, xa quá! Hay ra Hồ Gươm, chắc chả chen được! Ờ, có lẽ ra Lăng Bác, ra Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, nghe nói đường quanh hồ đã xong, chắc ngắm được trăng. Nhưng còn ánh điện? Làm sao ánh trăng mịn màng toả xuống được khi ánh điện từ những đèn com-pắc hiện đại sáng bừng cả không gian ? Ánh trăng mảnh mai như lụa, nó yếu lắm, bởi chắc nó đến từ những làng quê xa tít sau những rặng núi xa mờ phía chân trời …
Làm sao để cháu hứng được ánh trăng đầy lòng bàn tay - một ánh trăng thật, như ngày xưa ông từng ngỡ ngàng một cảm giác kỳ lạ của ánh trăng rằm mỗi độ Thu về .
Chả nhẽ một điều nhỏ nhoi - ánh trăng rằm Trung thu - con người vẫn hằng yêu, nó vẫn hiện hữu, mà không có cách nào tìm được cho cháu? Nhìn cháu tung tăng trên đường mà lòng ông se lại. Một cơn gió nhẹ mang hơi lạnh đầu Thu thoáng chạy dài trên phố…
Thư Ngân
Hà Nội, Thu 2007
LTS Dân trí: Tưởng như ánh trăng rằm Trung thu không có lợi ích thiết thực gì đối với đời sống xã hội hôm nay khi ánh điện đã ngập tràn phố xá và nhiều vùng nông thôn. Nhưng đâu phải vậy. Chính ở thời đại ngày nay, khi loài người bước vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ thì người ta mới hiểu ra rằng, những giá trị nguyên thủy mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người là vô giá.
Phải luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị mà thiên nhiên đã hào phóng trao tặng cho chúng ta. Và ánh trăng rằm Trung thu là loại giá trị vô giá như vậy. Nó giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng của tuổi thơ, để lại những ấn tượng thẩm mỹ không thể phai mờ của cả đời người.
Cảm ơn tác giả Thư Ngân đã nói lên nỗi niềm trăn trở mang tính nhân văn thật đáng trân trọng. Mong rằng một ngày không xa, ngay ở Thủ đô Hà Nội, vào dịp Tết Trung thu sẽ có vùng dành riêng cho tuổi thơ (và cả người lớn) được ngắm đích thực ánh trăng rằm Tháng Tám đúng như vẻ đẹp vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.