Ăn xin - nhìn từ nhiều giác độ

Có những người ăn xin do tình cảnh khốn cùng; cũng có những người tu hành đi ăn xin do triết lý hành đạo. Lại có những người giả danh ăn xin vì lười nhác lao động.

Quan tâm tìm hiểu về những người tu hành đi ăn xin, chúng tôi được biết đây là một hiện tượng văn hóa với những triết lý mang tinh thần nhân bản. Đối với các nhà sư theo phái Nam tông (Tiểu thừa), xin ăn (khất thực) là một việc làm rất quen thuộc. Không chỉ đơn thuần là để kiếm sống, khất thực còn có một ý nghĩa nhân đạo sâu xa: nhằm gợi lên lòng trắc ẩn, từ bi, lòng nhân ái của chúng sinh. Các nhà sư coi việc khất thực có một ý nghĩa thiêng liêng, là một nghi thức tu hành với những quy tắc riêng, và những thí chủ cũng rất trang trọng trong việc bố thí.

Ở một tỉnh miền Trung, có một làng vẫn coi nghề ăn mày như một tập tục, một việc làm có ý nghĩa linh thiêng. Vì vậy, những người dân ở đây không kể giàu nghèo sang hèn đều có tham gia đi xin ăn vào một số ngày trong năm. Đối với họ, “ăn mày không còn là một việc gì nhục nhã mà đã như một thói quen, một thứ triết lý sống dân gian để cho mỗi người có dịp đặt mình xuống địa vị thấp hèn, nếm trải cho đủ mọi dư vị đắng cay của nhân thế” (GS Nguyễn Huệ Chi). Như vậy, đối với dân làng nọ, đi ăn mày cũng là một cách để tự rèn luyện, giáo dục, một hành vi văn hóa.                         

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Tuy nhiên, trong nhận thức của hầu hết người dân, ăn xin là tình cảnh vạn bất đắc dĩ, khốn cùng của con người. Ngày xưa Tần Thủy Hoàng cũng xếp ăn xin vào tầng lớp “dưới đáy”, khốn khổ nhất. Và trong thực tế, đây là biểu hiện phổ biến nhất. Có một bài ca dao chan chứa tình người rất quen thuộc: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta-Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày” như một lời nhắc nhở, và một sự cảm thông dành cho những người lâm vào cảnh bất hạnh.          

Đại thi hào Nguyễn Du cũng có những câu thơ cảm động viết về những con người cùng khổ này: “Kìa những kẻ nằm cầu gối đất-Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi-Thương thay cũng một kiếp người-Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan” (Văn chiêu hồn).  

Hình ảnh những con người tàn tật, già cả, ốm yếu, rách rưới, tứ cố vô thân luôn gợi nên những tình cảm trắc ẩn của mọi người. Và cũng với tinh thần nhân bản ấy, nhiều ông bố, bà mẹ đã dạy con không được xua đuổi hay có thái độ vô lễ, khinh miệt người ăn xin; khi cho người ăn xin dù ít dù nhiều cũng không được tỏ ra trịch thượng, ban ơn. Trong kho tàng truyện cổ tích thường có mô típ những ông Bụt, bà tiên giả dạng người ăn xin để thử lòng nhân của người đời.     

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì hiện tượng giả dạng ăn xin xuất hiện nhiều, thậm chí đã hình thành những đường dây tội phạm liên quan đến ăn xin. Những người lâm vào cảnh khốn cùng do bệnh tật, thiên tai, không nơi nương tựa, rủi ro nên mới bất đắc dĩ ngửa tay xin bố thí của thiên hạ đáng thương bao nhiêu thì những kẻ giả dạng ăn xin đáng trách, đáng giận, đáng ghét bấy nhiêu.   

Đó là những người vẫn có khả năng lao động, thậm chí khỏe mạnh; hoàn cảnh kinh tế chưa đến nỗi nào nhưng lười lao động, quen hưởng thụ nên đã bất chấp lòng tự trọng, giả dạng ăn xin. Một số kẻ đã lợi dụng những con người có cảnh ngộ thương tâm để hình thành đường dây ăn xin, dùng bạo lực, mưu mô để ăn chặn những đồng tiền của kẻ khốn cùng.

Biết bao mánh khóe gian manh đã được bọn chúng thực thi: giả dạng người tu hành, đóng vai những người tàn tật, què quặt, đui mù, đeo bám, nài nỉ người qua đường, khách hàng trong các quán ăn, người đổ xăng tại các cây xăng… Một số lễ hội đông vui bỗng trở nên nhếch nhác vì những người ăn xin (thật có, giả có) tập trung về quá đông, lăn lê, kêu gào…Nhìn những cảnh ấy, người trong nước ắt không đành lòng, còn người nước ngoài sẽ nghĩ sao về đất nước ta?

Đối với những kẻ giả dạng ăn xin, không những không tuân thủ những quy định của pháp luật mà còn phương hại đến đạo lý làm người. Hiện tượng này ngày càng phổ biến là một dấu hiệu báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Cần coi hành vi này như một loại tội phạm và có những chế tài nghiêm khắc để xử lý. Những trường hợp đã bị phát hiện cần thông báo về địa phương để chính quyền địa phương có biện pháp quản lý.

Một số người cho rằng, không thể giải quyết tận gốc tình trạng ăn xin, và họ đưa ra dẫn chứng rằng ở những giàu như Pháp, Mỹ…vẫn có những người ăn xin. Tuy nhiên, ở một số nước( ví dụ Cu-ba), và một số vùng lãnh thổ thì hầu như không có người ăn xin, mặc dù không phải là những nước, vùng phát triển, giàu có.

Ở Việt Nam, tình trạng người ăn xin tập trung đông và quấy rầy du khách là một sự bức xúc của không ít các khu du lịch. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã có những hành động, song vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Riêng ở Đà Nẵng là một thành phố lớn và có nhiều du khách tham quan thì trong mấy năm gần đây hầu như đã không còn hiện tượng người ăn xin quấy rối du khách.

Thành phố này đã thực thi nhiều giải pháp gồm: nâng mức trợ cấp cho những người nghèo, người khuyết tật, neo đơn; chăm sóc sức khỏe người nghèo, giải quyết việc làm cho những người mới ra tù; lập đường dây nóng phát hiện người ăn xin, đưa họ vào các trung tâm dạy nghề hoặc đưa về quê…với một sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân. “Bí quyết” duy nhất của Đà Nẵng là “đặt  lợi ích của người dân lên trên hết” như ý kiến của bà Trần Thị Hồng Văn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng.

Như vậy, để giải quyết tận gốc hiện tượng ăn xin, cần phải có những giải pháp để nâng cao đời sống người dân, xóa đói nghèo, đầu tư cho an sinh xã hội. Một khi cuộc sống của người dân được sung túc, thì hiện tượng ăn xin sẽ không còn, như ánh ánh mặt trời lên thì bóng tối sẽ tự xua tan. 

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Một xã hội có nhiều người đi ăn xin không thể coi đó là một xã hội tốt đẹp. Chúng ta đang phấn đấu để không ngừng giảm tỷ lệ hộ nghèo, trước hết là xóa bỏ những hộ nghèo đến mức khốn cùng phải đi ăn xin. Nhiều địa phương đã tổ chức những cơ sở lao động thích hợp cho người tàn tật; xây dựng những nhà dưỡng lão làm nơi nương tựa cho các cụ già cô đơn không có con cháu.

Về mặt quản lý xã hội, ngoại trừ trường hợp của các nhà sư đi ăn xin do tín ngưỡng và triết lý riêng, các cấp chính quyền cần có biện pháp giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, không để cho những người này phải đi ăn xin, đồng thời kiên quyết ngăn chặn những người khoẻ mạnh dùng các thủ đoạn gian manh để kiếm sống bằng nghề ăn xin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm