Ẩn náu trong nhà vệ sinh khi có hỏa hoạn: Nguy cơ tử vong rất cao!
(Dân trí) - Chạy vào nhà vệ sinh để tránh hỏa hoạn khiến nguy cơ hít phải khói độc càng cao và tử vong nhanh chóng.
Như đã đưa tin, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke tại tỉnh Bình Dương ngày 6/9 đã khiến 33 nạn nhân tử vong. Trong số đó, có nhiều thi thể được phát hiện trong nhà vệ sinh.
Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng nay (8/9), Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin: "Khi nhân viên quán karaoke phát hiện có cháy ở tầng 3 đã chạy đi gọi các phòng khác thoát ra ngoài và dùng bình chữa cháy dập lửa. Nếu chạy theo hướng dẫn của nhân viên - có thể cúi thấp người chạy xuống hoặc chạy lên sân thượng - thì hầu hết được cứu sống. Những người ở lại tầng 3, vào nhà vệ sinh chốt cửa đều không qua khỏi.
Tôi trực tiếp vào hiện trường thì cửa nhà vệ sinh đóng chặt, khi phá cửa thì 7-8 người nằm chồng chất ngay sát cửa".
Trước đó, năm 2020 một vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 27 Tết tại một nhà dân ở khu phố 6, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM khiến 5 người trong một gia đình tử vong, cơ quan chức năng cũng đã tìm thấy 3 thi thể ở trong nhà vệ sinh. Tương tự, vụ hỏa hoạn trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) năm 2016 khiến 13 người thiệt mạng, trong đó nhiều nạn nhân cũng được tìm thấy bên trong nhà tắm.
Từ những vụ việc trên, có thể thấy một thực tế là khi xảy ra hỏa hoạn, nhiều người có thói quen chạy thẳng vào nhà vệ sinh mong sống sót mà không biết có thể sẽ mang lại hậu quả xấu hơn.
Tuyệt đối không ẩn náu trong nhà vệ sinh khi có hỏa hoạn!
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho biết, nhà vệ sinh chính là nơi mà nếu bị bao trùm bởi khói lửa, nạn nhân chạy vào đó, nguy cơ tử vong rất cao. Người dân chỉ nên chạy vào nhà vệ sinh để nhúng khăn ướt, làm ướt chăn, quần áo để tìm phương án thoát ra ngoài, không nên cố thủ trong đó.
"Đám cháy bình thường không sao, với đám cháy có khói, khí độc lọt vào cộng với lửa khói tác động, người ở trong nhà vệ sinh sẽ không thể thoát", ông Khương khẳng định.
Cũng theo ông Khương, phòng vệ sinh nhỏ và không đủ không khí để duy trì sự sống nếu đám cháy xảy ra trong thời gian dài. Nếu là một người thì may ra có thể duy trì sự sống nhưng nếu quá đông người sẽ bị ngạt thở.
Chuyên gia khuyến cáo, khi cháy, cách thông minh nhất là tìm hướng để sang một nhà khác, một khu vực khác đang không bị cháy, như thế mới ra khỏi vùng không an toàn. Giả dụ, cháy ở tầng 2 mà thoát được xuống tầng 1 cũng chưa thể gọi là ra khỏi vùng nguy hiểm, mà phải thoát ra ngoài đường, nơi không có cháy thì mới gọi là an toàn.
Để có thể thoát khỏi đám cháy, nếu bị lửa làm cháy quần áo, bạn phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Khi quần áo đang cháy không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Đặc biệt, không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.
Ngoài ra, nếu thấy dấu hiệu của đám cháy (khói, mùi khét, không khí nóng lên…), khi không thể kiểm soát ngọn lửa, hãy nhanh chóng tìm một cái chăn, mền dày, chất liệu càng khó bắt lửa càng tốt, trùm lên người và chạy ra khỏi nhà. Tìm nhanh một đôi dép, đừng đi chân đất vì có thể bỏng chân khiến bạn gặp khó khăn trong việc di chuyển khỏi đám cháy.
Trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.
Để thoát nạn khỏi một đám cháy lớn có nhiều khói lửa, bạn cần phải biết những kỹ năng thoát nạn ngay giữa lúc tất cả mọi người trong khu vực cháy đều chuyển động cùng lúc.
Bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra.
Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài. Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói.