Nghệ An:
Ẩn họa với người dân sống trên những bể chứa dầu
(Dân trí) - Với những người sống sát cảng cá Lạch Quèn (thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy) điều đáng ngại nhất là hàng chục trụ bơm dầu nằm sát hiên nhà, nằm trong phòng khách, kê sát những bức tường gạch.. Nhìn qua như trêu ngươi người yếu bóng vía.
Hàng chục năm nay, do sự bức thiết của việc làm ăn, cộng với công tác quản lý chưa thống nhất, và sự thay đổi của quy định mà những cửa hàng dầu ở đây đa phần biến thành không đủ điều kiện.
Kinh doanh dầu Diezen phát đạt
Thống kê từ chính quyền sở tại, ở cảng Lạch Quèn, chỉ riêng xã Tiến Thủy đã có 329 tàu thuyền, ngoài ra xã Quỳnh Nghĩa có khoảng 100, rồi còn tàu của các xã An Hòa, Quỳnh Long, Sơn Hải… Đời sống của người dân gắn liền với biển cả ngày càng khấm khá. Với 15 ngày đi biển trong một tháng, thu nhập của những ngư dân đi tàu nhỏ gần bờ nằm khoảng 3-5 triệu. Tàu to, cần đến cả chục người đi một chuyến mà trúng thì có khi đến 10-15 triệu, không thì thường thường 7-8 triệu.
Bộ mặt xã Tiến Thủy nhìn như phố. Đường ngang ngõ tắt chen chúc những người, những hàng xá như ở một đô thị nhỏ. Nhà cửa xây cao san sát, che bóng nắng dọi xuống tuyến đường xuyên qua xã. Sự phồn vinh đó, một phần lớn có được nhờ nghề đi biển hàng mấy chục năm nay. Cách khu dân cư không xa, cảng cá Lạch Quèn sát ngay cửa biển, hàng dãy tàu thuyền từ vài chục đến vài trăm CV chen nhau neo đậu. Ngay phần trên của bến cá, một dãy vừa nhà ở vừa cửa hàng dầu Diezen ngoảnh mặt nhìn ra phía cảng.
Đối diện với cổng ra vào bến đậu của cảng, cửa hàng dầu Trung Việt nhìn cũ kỹ màu của dầu cáu xỉn, đóng thành từng mảng vệt dưới sàn, trên tường nhà. Người bán hàng rỗi rãi đưa bộ bài ra xếp, cũng không buồn thắc mắc khi chúng tôi vào hỏi. Theo anh, ở cảng cá Lạch Quèn có khoảng chục ốt dầu Diezen, và phục vụ chính là cho tàu thuyền. Cửa hàng của anh do mấy người góp cổ phần lại mà thành, cũng có giấy phép kinh doanh. Nhưng “ Thời kỳ trước là do huyện cấp, còn giờ là do Sở Thương mại. Mà không có đủ là chính, vì lâu rồi họ không cấp, có cái giấy này thì lại không có giấy khác. Ở đây có mấy trường hợp đổi giấy mà chưa được”- anh phân trần.
Cũng theo người này, cách thức làm ăn của các cửa hàng dầu Diezen ở cảng cá Lạch Quèn đã thành tập tục “Với mỗi cái tàu lớn thì cửa hàng dầu phải đầu tư cho chủ tàu hàng trăm triệu. Trong đó khoảng 200 triệu là đầu tư, có khi còn đứng ra vay giúp người ta 200, rồi cả trăm triệu tiền dầu. Không thì làm gì có khách lâu dài”. Cửa hàng Trung Việt thuộc dạng nhỏ, theo lời người ở cơ sở này những cửa hàng lớn có nơi đầu tư cho vài chục tàu. Mỗi tàu trung bình ít nhất cũng không ít hơn 200 triệu. Mỗi cửa hàng có một số lượng tàu quen, khách hàng kéo theo từ năm này qua năm khác. Thời bao cấp do không được buôn bán dầu nên không phát triển, còn sau này thì sinh ra kiểu cách ràng buộc trong làm ăn giống một thỏa ước như vậy. Nên có khi, một doanh nghiệp nhà nước do quy định kiểm soát mà không làm ăn tốt bằng một cây dầu tư nhân.
Hầu hết không đủ điều kiện để hoạt động
Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy - Hồ Hoàng Nghiệp cho hay, ở bến cảng Lạch Quèn, thời điểm trước đây có 3 doanh nghiệp được cấp giấy đủ điều kiện trong quy định là Kỳ Thành, Ngọc Lý, và Xăng dầu Nghệ Tĩnh. “Nhưng sau này, khi quy định kinh doanh thay đổi, trong đó có điều kiện về đảm bảo mặt bằng, khoảng cách với khu vực dân cư thì các cửa hàng này lại thành không đảm bảo. Chỉ gọi là cơ bản đủ điều kiện thôi”.
Ông Nghiệp phân tích “Nói trái phép cũng đúng, mà nói chưa đủ điều kiện để kinh doanh thì cũng hợp lý. Bởi mấu chốt là do trước đây cũng không có gì chặt chẽ cả trong việc cấp phép. Cái này không phải bây giờ mới có mà nó đã hình thành từ lâu rồi, đã có hàng chục năm. Ví dụ như giờ điều kiện mặt bằng là phải 300m2 nhưng ở dưới đó thì không cơ sở nào đủ cả.” Để theo kịp quy định, các cửa hàng xăng dầu cũng tìm cách hoàn thiện, nhưng kết quả chưa được là bao. Mới đây, cửa hàng của công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh do không đủ diện tích, đã làm thủ tục thuê thêm đất để mở rộng mặt bằng.
Sự thay đổi trên chỉ mới doanh nghiệp của nhà nước đạt được. Còn với các doanh nghiệp tư nhân, tình hình không có gì thay đổi. Ví như cây dầu Ngọc Lý, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn ở đây, thì năm 2005, được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh, nhưng hiện trạng thì mặt bằng có hơn 100m2. Các đơn vị bán dầu Diezen nhỏ hơn, thì tất cả đều không đạt đủ điều kiện. Chủ tịch xã Hồ Hoàng Nghiệp thống kê “Có 6 doanh nghiệp tư nhân và cá nhân chưa đủ điều kiện về mặt bằng là Hồ Bá Lư, Hồ Bá Ngọc, Tạ Thị Thương, Tô Thị Vân, Trương Ngọc Hùng và chi hội nghề cá Minh Sơn”. Ông chủ tịch xã than thở “Thực tình rất là khó cho xã vì trách nhiệm của chính quyền cơ sở là phối hợp, vừa rồi chúng tối yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường phòng chống cháy nổ, nhưng thẩm quyền của xã chỉ là xác nhận”.
Mặt bằng đã không đảm bảo, tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn, là an toàn cháy nổ, ẩn chứa những nguy cơ có thật. Các trụ bơm dầu thường nằm ở vị trí được dùng làm phòng khách, sát hiên nhà…và chỉ cách nhà bên cạnh một bức tường gạch. Dưới chân của những trụ bơm là bể chứa 4-5m3, và người dân ngày đêm sinh hoạt ngay bên trên. Họ tiếp khách, ăn uống, ngủ nghỉ, làm đủ việc.. trên những bể chứa đầy dầu Diezen đó. Vào tháng 10/2013, tại cửa hàng dầu Ngọc Lý, có thuê thợ để hàn ống thoát khí 3 cái tẹc sát chân núi thì có xẩy ra sự cố. Bọt hàn rơi vào khiến tẹc dầu bị nổ, áp suất nổ và hơi nóng đã khiến một công nhân bị bỏng. Với cả chục cơ sở chứa dầu Diezen, đó là một lời cảnh tỉnh. Sau vụ nổ đó, “người dân họ lo sợ cũng đúng thôi”- ông Nghiệp thừa nhận.
Hàng năm, chính quyền xã Tiến Thủy vẫn phối hợp với ngành công thương, công an để kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, có xử lý một số cơ sở chưa đảm bảo điều kiện như cọc chống thu lôi, bình bọt. “Chúng tôi có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và định hướng cho họ thành lập một liên minh hợp tác xã kinh doanh dầu cho đủ điều kiện mà vẫn chưa thống nhất được”, ông Nghiệp nói.
Danh Thắng