Ẩn hoạ giao thông trên con đập tràn đầy "ổ voi" ở ngoại thành Hà Nội
(Dân trí) - Đập tràn hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), mỗi ngày phải gánh chịu sự “giày xéo” của hàng nghìn lượt phương tiện giao thông đi qua, khiến con đập đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đập tràn "oằn mình" chịu cảnh "giày xéo" của hàng nghìn lượt phương tiện giao thông mỗi ngày
Đập tràn hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được xây dựng từ nhiều năm trước. Trải qua thời gian, thiên tai lũ lụt, cùng với sự “giày xéo” của hàng nghìn phương tiện giao thông trọng tải lớn lưu thông mỗi ngày khiến con đập đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện tại trên mặt đập xuất hiện nhiều “ô voi” thuộc diện ngoại cỡ. Vào mùa mưa, những “ổ voi” này thoát ẩn thoát hiện dưới dòng nước chảy xiết không khác gì những cái “bẫy” được đặt sẵn trên mặt đập. Còn mùa khô, những tảng bê tông vỡ vụn lủng củng gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bà Bạch Thị Thắng (xã Hợp Tiến) mưu sinh bằng nghề bán nước ngay đầu con đập hàng chục năm nay. Hàng ngày bà Thắng là người trực tiếp chứng kiến cảnh con đập bị “giày xéo” đến tan nát.
“Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện giao thông đi qua con đập, từ xe trọng tải lớn đến xe con. Người đi xe máy thì buộc phải đi lên cầu treo nhỏ tí nếu không muốn đánh đổi tính mạng của mình. Cách đây không lâu, năm ấy nước lên lớn lắm, chính quyền địa phương đã dựng hàng rào ngăn không cho xe nhỏ đi qua con đập vì nước chảy xiết.
Nhưng có một chiếc 7 chỗ vẫn cố tình đi qua, khi đến giữa đập thì bị cuốn trôi xuống dệ, may mắn tài xế kịp thời thoát nạn. xe bị nằm dưới đó phải mất mấy hôm nước rút họ mới đến cẩu xe lên.
Mùa mưa cách đây mấy năm, nước hồ dâng cao tràn qua đập nhìn như thác đổ rất đẹp. Mỗi ngày hàng nghìn người chủ yếu là học sinh, thanh niên ra vui đùa nghịch nước. Tôi nhớ có một cậu sinh viên ở ngoài thị trấn không may trượt chân bạn bè không cứu được vậy là chết đuối”. Bà Thắng chỉ tay về phía con đập nói.
Con đập rộng hai làn xe to có thể lưu thông nếu không bị xuống cấp, nhiều “ổ voi” xuất hiện trên mặt đập khiến các phương tiện giao thông không thể lưu thông một cách bình thường. Để vượt qua được đập tràn này luôn là một thử thách lớn đối với cánh tài xế, nếu tài “non” lại không quen đường thì việc cho xe “vào bẫy” dẫn đến hỏng hóc, rách đầu xe là chuyện bình thường.
“Mình ngày nào cũng chạy vài chuyến hàng qua con đập này, mùa không thì nước không tràn qua nên dễ quan sát hơn để điều khiển xe tránh những hố sâu. Còn thời điểm nước dân lên cao thì đi qua thật sự khó khăn, xe tải to đi còn phải căn chỉnh, đi theo lối quen, xe nhỏ mà lại đi qua lần đầu tiên thì rất khó, dễ cho xe xuống hố lắm”, một tài xế lái xe tải cho hay.
Trong khi đó một chiếc cầu treo được xây dựng song song với con đập để dành cho người đi xe máy, xe đạp, người đi bộ. Tuy nhiên, diện tích cầu treo cũng hạn hẹp, các phương tiện chỉ có thể lưu thông một chiều, nếu đông thì xe máy phải xếp hàng ở điểm tránh mới có thể đi qua cầu được.
“Tôi ngày nào cũng phải lưu thông qua đây vài lần, tất nhiên là luôn xếp hàng đi trên cầu treo vì đi phía dưới quá nguy hiểm. Mùa khô không có nước tràn thì bụi bẩn, bê tông vỡ thành từng mảng nguy hiểm không kém. Chỉ có những người lạ từ nơi khác đi qua đây mới đi xuống mặt đập”, một người đi xe máy cho biết.
Theo ghi nhận thực tế nhiều ngày qua khu vực Hà Nội không có mưa nhưng lượng nước ở hồ Quan Sơn vẫn cao, nước tràn qua mặt đập khoảng 5 đến 10cm. Những hố sâu thì 30 đến 40cm, xe cộ lưu thông rất vất vả.
Sửa chữa kiểu chắp vá, bê tông đổ xong gặp mưa lớn trôi ngay mất
Liên quan đến sự xuống cấp nghiêm trọng của con đập, ông Nguyễn Đình Chất - Phó Chủ tịch xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi mưa lớn nước về tràn qua đập, tạo ra ổ gà rất nguy hiểm cho người đi đường, mùa khô người tham gia giao thông vẫn đi lại được nhưng nhiều điểm bê tông vỡ thành từng mảng lớn rất nguy hiểm.
Những lúc nước lên cao, cơ quan chức năng cắm hàng rào, không cho xe máy đi xuống đập tràn còn ô tô vẫn có thể lưu thông được bình thường. Gần như các xe đi đến đó đã quen rồi, họ chủ động được việc tránh né ổ gà nên chưa xảy ra tai nạn”.
Ông Chất cho biết thêm, nhiều năm qua đơn vị quản lý thấy sụt chỗ nào lấp chỗ đó, nhưng chỉ cần mưa xuống nước chảy là toàn bộ phần mới đổ bị bục ngay lập tức và trôi theo dòng nước. Ở hai đầu con đập lúc nào cũng bị ướt, vì ô tô đi qua hất nước lên. Cơ quan chức năng đổ bê tông vá víu chỉ cần một năm sau là lại hỏng hết. Hai đầu đường làm lại liên tục, chẳng mấy năm không thấy sửa chửa nhưng làm lại hỏng. Trong khi đó dự án cải tạo con đập chưa triển khai, chỉ sửa chữa tạm bợ.
Năm 2008, 2017 là hai năm nước lụt lên cao ngấp nghé cầu treo dành cho người đi xe máy. Chính quyền địa phương không trực tiếp quản lý con đập này nên chỉ biết đề xuất lên trên khi có những sự cố xảy ra.
“Mới đây, dự án cải tạo, nâng cấp con đập mới được đưa về xã để lấy ý kiến đóng góp tác động môi trường, trong khi đó một số công nhân đang khoan thăm dò dọc theo con đập”, ông Chất cho biết thêm.
Trong khi đó, Dự án xử lý cấp bách chống sạt lở đê hồ Quan Sơn, đoạn qua địa phận thôn Thanh Lợi, xã Hồng Sơn và đoạn từ đập tràn cầu Dậm đến địa phận tỉnh Hòa Bình, huyện Mỹ Đức được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2018 và thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên đến nay, con đập này vẫn là nỗi "khổ sở" của người dân mỗi lần lưu thông qua đây.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.