3 phút cùng luật sư:
Ăn chặn 40% tiền từ thiện nhưng có thể thoát tội vì thiếu hành lang pháp lý
(Dân trí) - Người phụ nữ lừa Thủy Tiên, ăn chặn tiền của người dân có thể sẽ không bị xử lý vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể.
Những chia sẻ của ca sĩ Thủy Tiên trên facebook về hành trình giúp đỡ bà con miền Trung luôn thu hút được nhiều sự quan tâm và đóng góp của nhiều người. Bên cạnh những hình ảnh, những đoạn video xúc động, mới đây, ca sĩ Thuỷ Tiên có đăng tải 1 đoạn video khiến nhiều người tức giận.
Nội dung đoạn video cuộc đối thoại giữa Thuỷ Tiên và 1 người phụ nữ được cho là đã ăn chặn tiền từ thiện, cứu trợ bà con miền Trung. Theo lời kể của Thuỷ Tiên, người phụ nữ này đã đến tận khách sạn của cô ở để nài nỉ cô giúp 1 hoàn cảnh khó khăn. Sau khi đưa Thuỷ Tiên đến gặp và trao 8 triệu đồng cho hoàn cảnh, chờ Thuỷ Tiên đi, người phụ nữ này quay lại và "cắn cò" từ số tiền kia 3 triệu đồng.
Hành vi "cắn cò", ăn chặn tiền từ thiện của người phụ nữ kia có vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì khung hình phạt sẽ như thế nào?
L.s Nguyễn Đức Chánh: Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định nào cụ thể rõ ràng với việc nhận tiền cò hay tiền môi giới từ thiện. Tuy nhiên, khi làm việc thiện, nên hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt chứ không nên nghĩ rằng sẽ có được lợi ích vật chất nào đó.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có những chế tài liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để có hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định ở Điểm C khoản 3 điều 174 Bộ luật HÌnh sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đây là một tình tiết tăng nặng trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện nay cũng thiếu đi hành lang pháp lý đối với các trường hợp cá nhân làm từ thiện. Trong khi hầu hết việc từ thiện của các cá nhân như: MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên hay một số người nổi tiếng đều xuất phát từ sự tự phát.
Chính vì không có quy định cụ thể nên vẫn có rất nhiều tranh cãi về những vấn đề liên quan đến việc từ thiện này.
Các cơ quan chức năng càng nên sớm có những hành lang pháp lý để bảo vệ những người đi làm từ thiện để từ đó khuyến khích nhân rộng những ý nghĩa cao đẹp vì truyền thống tốt đẹp của Việt Nam chúng ta là "lá lành đùm lá rách".
Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Thư Quỳnh - Nguyễn Quang