Ăn bẩn bị phạt!
Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế bổ sung một chế tài rất mới là xử phạt những người ăn thực phẩm bẩn, làm phát tán dịch bệnh, sẽ bị phạt tiền từ 50.000- 200.000đ.
Sở dĩ, Bộ Y tế (soạn dự thảo này) nặng tay với thực khách là do trong 2 đợt dịch tiêu chảy cấp ở phía Bắc, nhiều người vẫn cứ ăn rau sống, mắm tôm; trong nhiều đợt dịch cúm gia cầm, nhiều người đã ăn gia cầm chết vô tư, khiến cho dịch lan rộng.
Theo giải thích của TS Trần Đáng - Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thanh tra y tế sẽ xác nhận mức vi phạm của người tiêu dùng. Căn cứ xác định là việc không chấp hành các khuyến cáo an toàn của ngành y tế, như ăn rau sống khi đang có dịch tả, ăn uống mất vệ sinh, bên cống rãnh, không rửa tay trước khi ăn, móng tay dài bẩn thỉu. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Căn cứ không ổn, việc xác định lây truyền từ người ăn thực phẩm bẩn cũng mông lung. Thí dụ, một người ăn rau sống, mắm tôm trong lúc dịch tiêu chảy cấp, đi tàu hỏa vào Nam, dọc đường xả ra, phân rơi trên đường ray, các xóm ven đuờng lây nhiễm dịch. Hoặc một người ở miền Tây Nam Bộ ăn thức ăn bẩn đi cầu trên sông phát tán dịch, thì làm thế nào xác định thủ phạm? Nếu xác định được, làm sao biết người đó có rửa tay trước khi ăn không?
Chất 3- MCPD tồn tại trong nước tương bao lâu nay, nhờ dư luận phẫn nộ, Bộ Y tế mới khống chế hàm lượng không quá 1 mg/kg. Thanh tra y tế làm ráo riết rồi bỏ lơ. Ngày 9/6, Hội Tiêu chuẩn- Bảo vệ người tiêu dùng, công bố khảo sát trên 50 mẫu nước tương, có 10% vượt hàm lượng 3- MCPD từ 4- 488 lần (lẽ ra đây là việc của thanh tra y tế). Bộ Y tế có đưa ra khuyến cáo chọn nhãn hiệu nước tương nào là bảo đảm sạch chưa?
Theo Mai Bá Kiếm
Nông thôn ngày nay