60 năm bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên

(Dân trí) - Đã 60 năm trôi qua, đất nước ta cũng đã trải qua 20 năm đổi mới. Giờ đây nhìn lại bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, chúng ta mới thật kinh ngạc là tại sao vào thời điểm xa xôi, phôi thai đó của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, mà nước ta có thể làm ra được bản Hiến pháp tiến bộ, dân chủ đến như vậy, mà bản Hiến pháp 1992 ngày nay còn nhiều điểm thua kém?

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm (9/11/1946 - 9/11/2006) ngày Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên này, Dân trí xin giới thiệu bài viết của CTV Minh Tuấn, từ Tokyo (Nhật Bản).

 

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Ngay sau đó, Bác Hồ đã chỉ đạo việc bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ. Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên. Và 2 tháng sau, ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, Kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội Khóa 1 đã họp tại Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội. Kỳ họp này chỉ diễn ra trong 1 ngày. Vào cuối ngày đó, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến Pháp đầu tiên, gồm 11 vị, như Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Nguyễn Thị Thục Viên, Đào Hữu Dương... Bác Hồ kiêm Trưởng ban Dự thảo hiến pháp. 8 tháng sau, vào ngày mồng 9 tháng 11 năm 1946, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 1, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, còn gọi là Hiến pháp năm 1946.

 

Từ năm 1946 đến nay, nước ta đã có thêm 3 bản Hiến pháp nữa là Hiến pháp 1959 (còn gọi là Hiến pháp 1960, vì nó được thông qua ngày cuối năm 31 tháng 12 năm 1959, và ngày hôm sau, mở đầu năm 1960, thì công bố), Hiến pháp 1980 và Hiến pháp hiện nay 1992.

Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn, chỉ có 70 điều, với Lời nói đầu chỉ có 26 dòng, 235 chữ. Hiến pháp thứ 2 năm 1959 có 112 điều, Lời nới đầu dài tới 127 dòng, khoảng 1500 chữ. Hiến pháp thứ 3 năm 1980 có tới 147 điều, Lời nói đầu dài tới 164 dòng, khoảng 1900 chữ. Hiến pháp hiện nay năm 1992 có 147 điều, Lời nói đầu đã gọn lại còn 52 dòng, khoảng 600 chữ.

 

Điều 10 của Hiến pháp 1946 nói rất rõ về quyền công dân: - “Công dân Việt

Nam có quyền: Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

 

Đến Hiến pháp năm 1959, Điều 25 quy định: -“Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”.

 

Điều 28 quy định: - “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do cư trú và đi lại”. Hiến pháp 1959 bỏ đi quy định về “Tự do xuất bản” và “Tự do ra nước ngoài” của Hiến pháp năm 1946. Nhưng lại có tiến bộ ở quy định “Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền tự đó”.

 

Hiến pháp năm 1980, Điều 67 ghi về quyền công dân cũng giống như Hiến pháp năm 1959, nhưng có thêm một đoạn ràng buộc rằng các quyền đó “phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và nhân dân”. Phía cuối Điều 67 này còn có đoạn như cảnh cáo: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.

 

Hiến pháp năm 1992 cũng quy định về quyền công dân như Hiến pháp 1959 và 1980, nhưng không có quy định về “Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Và điều đặc biệt ở Hiến pháp 1992, là ở các quy định về quyền công dân, thường có các đoạn kết ràng buộc “theo quy định của pháp luật”. Điều đó có nghĩa là Hiến pháp phải tuân theo luật pháp. Như thế là trái với bản chất của Hiến pháp. Bản chất của Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật đứng trên tất cả các đạo luật, mọi đạo luật ban hành ra đều phải tuân theo Hiến pháp. Nếu luật ban hành trái Hiến pháp thì luật đó không có giá trị, phải bị hủy bỏ. Đó là bản chất của Hiến pháp.

 

Hiến pháp 1946 không hề có quy định nào như thế. Khi cần một đạo luật để thi hành các quy định của Hiến pháp, thì Hiến pháp 1946 viết như sau, ví dụ ở Điều 61: - “Nhân viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn. Cách thức bãi miễn sẽ do luật định”. Viết như thế này, là luật phải tuân theo Hiến pháp. Nhưng viết như Hiến pháp 1992, ví dụ như Điều 69: - “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, biểu tình theo quy định của pháp luật”, thì có nghĩa là Hiến pháp phải tuân theo luật. Thậm chí tuân theo nghị định, thông tư…

 

Hiến pháp 1946 quy định: “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước” - Điều 15. Các Hiến pháp sau của ta đều không có quy định này.

 

Điều 45 của Hiến pháp 1946 quy định: “Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chọn trong Nghị viện nhân dân”, tức trong Quốc hội. Điều 47 quy định “Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện”. Và “Thủ tướng chọn các bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách”. Hiện nay việc bầu chọn lãnh đạo đều do Đảng làm, và chỉ đưa ra mỗi chức danh 1 ứng cử viên để Quốc hội bầu. Chủ tịch nước không được quyền chọn Thủ tướng và Thủ tướng không được quyền chọn bộ trưởng. Chủ tịch nước, Thủ tướng chỉ làm người giới thiệu các ứng cử viên.

 

Điều 54 Hiến pháp 1946 quy định: “Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức.... Nội các mất tín nhiệm thì phải từ chức”. Hiến pháp hiện nay không có quy định này.

 

Việc sửa đổi Hiến pháp cũng được Hiến pháp 1946 quy định theo nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân. Điều 70, điều cuối cùng, quy định về Sửa đổi Hiến pháp: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Hiến pháp hiện nay không có quy định này. Hiện nay nhân dân cũng được tham gia thảo luận, góp ý cho việc xây dựng Hiến pháp, nhưng mang nặng tính hình thức.

 

Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia làm luật của ta đã nhận định: “Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện”. Cho đến hiện nay, không có bất cứ ý kiến nào nói bản Hiến pháp 1946 là lạc hậu.

 

Rất tiếc do nhưng điều kiện lịch sử, nên bản Hiến pháp 1946 đã chưa được công bố thi hành, hoặc chỉ được thi hành với một số nội dung, trong một thời gian ngắn.

 

Hiện nay Đảng đang lãnh đạo nhân ta tiếp tục con đường đổi mới. Nhìn lại bản Hiến pháp 1946 để thấy trong sự nghiệp đổi mới, luôn luôn có tính kế thừa và rất nhiều điểm tiến bộ trong Hiến pháp 1946 cần phải được xem xét để có những vận dụng táo bạo. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới thì bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ này càng cần phải được đưa ra  trưng cầu ý kiến nhân dân, chắc sẽ có nhiều ý kiến tốt. 

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)