4 người phụ nữ làm nhục cô gái trước cửa siêu thị có thể bị truy cứu hình sự
(Dân trí) - Luật sư nhận định, hành vi 4 người phụ nữ làm nhục cô gái trước cửa siêu thị Big C Hà Đông là gây rối nơi cộng cộng và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như Dân trí đã đưa tin ngày 15/6/2016, cư dân mạng đã chia sẻ nhau một đoạn clip dài hơn 10 phút ghi lại sự việc bốn người phụ nữ xúm lại túm tóc, đánh đập, xé áo làm nhục một cô gái trẻ mặc áo đen, quần trắng trước cửa siêu thị Big C Hà Đông, thuộc phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Nguyên nhân của sự việc được cho là xuất phát từ “ghen tuông”.
Sự việc gây nhiều dư luận trái chiều, một số cho rằng, từ trước đến nay, các hành vi đánh ghen (thường do phụ nữ làm) cho là chuyên riêng của mỗi gia đình, và hành vi này được hiểu như để bảo vệ mái ấm của gia đình. Tuy nhiên, nhiều người cũng khác lại phản đối hành vi đánh ghen, làm nhục người khác, nhất là ở nơi cộng cộng.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư. Ts Nguyễn An, Hãng luật Vì cộng đồng cho rằng hành vi trên của bốn cô gái có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật:
Cụ thể, nhận định ban đầu có thể thấy rằng hành động của bốn cô gái đã gây mất trật tự công cộng tại khu vực xảy ra sự việc. Theo Điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào mức độ của từng hành vi sẽ có mức xử phạt tương ứng, mức phạt tiền cao nhất lên đến 3.000.000đ (Ba triệu đồng). Trường hợp hành vi trên của bốn cô gái nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính (nếu đã ra quyết định xử phạt) và chuyển hồ sơ vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự: "1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.”
Còn xét về dấu hiệu của tội phạm, hành vi đánh đập, chửi rủa, lăng mạ cô gái ngay giữa phố có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như sau:
1- Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009). Hành vi khách quan của tội này là việc đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng. Áp vào trường hợp bốn đối tượng trên là hành vi đánh đập, chửi cô gái trẻ, kéo theo đó là sự náo loạn cả một khu vực (thu hút sự tò mò của người dân tập trung đông). Hậu quả của hành vi này là gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản của cô gái trẻ: bị thương ở đầu gối, xây xát ở tay và thâm tím nhiều vết trên mặt, môi bị bầm dập; mất sợi dây chuyền. Mức xử phạt của Tội gây rối trật tự công cộng lên đến bảy năm tù.
2- Tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009):“Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Bốn đối tượng đã dùng lời nói lăng mạ, chửi rủa thậm tệ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cô gái trẻ, tiếp theo là hành vi vật lộn, xé quần áo ngay trước đám đông nhằm mục đích làm nhục để “dằn mặt” khi có quan hệ bất chính với chồng của Vũ Thị Vân Anh (một trong số bốn đối tượng). Mức phạt cao nhất của tội này lên đến ba năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
3- Tội cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trường hợp bốn đối tượng đánh đập cô gái trẻ đủ yếu tố dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Để xác định hành vi của bốn đối tượng có đủ để cấu thành tội Cố ý gây thương tích hay không cần phải căn cứ vào giám định thương tích của chị T.A (là bị hại trong vụ việc). Cụ thể điều luật quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Luật sư nhận định những người tham gia vụ việc đánh đập, làm nhục cô gái trước cửa siêu thị có thể bị truy cứu hình sự.
4 - Tội cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Như báo dân trí đã đưa tin tại trụ sở công an, chị T.A. cho biết, trong quá trình bị các đối tượng hành hung, sợi dây chuyền vàng của chị đã biến mất. Giả thiết, nếu một trong số bốn đối trượng hành hung cô gái có hành vi lấy hoặc chiếm giữ sợi dây chuyền vàng thì sẽ bị truy cứu trách nhiêm hình sự về tội cướp tài sản: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...” (trong trường hợp này thì người phạm tội cướp tài sản sẽ không bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích). Trường hợp không xác nhận được một trong số bốn đối tượng đã lấy sợi dậy truyền vàng của T.A thì đây được coi là dấu hiệu hậu quả cho tội gây rối trật tự công cộng (gây thiệt hại về tài sản).
“Trong sự việc này, cần phải nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh pháp lý và cả xã hội. Trong xã hội và cả pháp luật đều bảo vệ quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, việc ngoại tình cũng bị xã hội lên án gay gắt. Tuy nhiên pháp luật cũng bảo vệ tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân. Do vậy trước khi hành động cần phải bình tĩnh suy nghĩ bao quát sự việc, tránh vì chút nóng giận, ghen tuông có thể khiến ta lâm vào tình trạng mất kiểm soát mà làm những việc vi phạm pháp luật. Do đó, để bảo vệ hành phúc gia đình trọn vẹn hãy là người chồng, người vợ khôn khéo trong xử lý các mối quan hệ, đặc biệt khi phát hiện người vợ hoặc chồng của mình có hành vi “ngoại tình”- Luật sư An đưa ra lời khuyên.
Thanh Trầm