30 năm, 9 đời chủ tịch không làm nổi đoạn đường 592m tại Hà Tĩnh!
(Dân trí) - Tròn 30 năm, với 9 đời chủ tịch, một tuyến đường trung tâm, huyết mạch dài chỉ 592m tại đô thị loại II - TP Hà Tĩnh vẫn không thể làm xong. Vậy chuyện gì đang xảy ra tại dự án này?.
Đường “Nguyễn Cứ Trông”!
Những người dân Hà Tĩnh ngán ngẫm ví von đoạn đường Nguyễn Công Trứ như vậy, bởi sự trì trệ đến không tưởng của dự án nâng cấp, sửa chữa này.
Theo tìm hiểu của PV, năm 1989, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã có quy hoạch về việc sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ - đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông, có chiều dài 592m.
Đến năm 1995, sau khi chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành Nghệ An và Hà Tĩnh thì UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành cắm mốc tại tuyến đường này.
Từ đó đến nay là tròn 30 năm, 592m đường này vẫn chưa thể làm xong.
Đường Nguyễn Công Trứ là một trong những tuyến đường xương sống, huyết mạch của TP. Hà Tĩnh, lượng phương tiện qua lại đông đúc.
Và nhếch nhác như thế này
Thế nhưng thật khó tin, tuyến đường nhếch nhác, ngổn ngang như vậy vẫn tồn tại suốt những năm qua.
Tuyến đường này mới chỉ làm xong một số đoạn mương nước rồi bỏ đó vì chưa giải phóng xong mặt bằng.
Nhếch nhác, ngổn ngang và sự tức giận là những gì chúng tôi ghi nhận được tại tuyến đường này. Đó là sự tức giận của những hộ dân sống dọc theo tuyến đường và sự tức giận của những người tham gia giao thông qua đây.
Dọc đoạn đường ổ gà, ổ voi chằng chịt, nước mưa, nước thải sinh hoạt đều đổ dồn, ứ động ra giữa đường, mùa nắng thì bụi mịt mù. Các phương tiện qua lại phải di chuyển hết sức chậm rãi, thận trọng.
“Ngay giữa thành phố mà vẫn tồn tại một con đường như thế này. Bất đặc dĩ, tôi mới phải đi qua con đường này. Chúng tôi đề nghị tỉnh Hà Tĩnh phải khẩn trương có phương án để sớm hoàn thiện con đường”, anh Nguyễn Văn Bình (TP. Hà Tĩnh) ngán ngẫm khi đi qua đoạn đường Nguyễn Công Trứ.
Đất bị lấy trắng?
Anh Phan Mạnh Nghĩa suốt thời gian qua đã đi gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng
Thực hiện dự án có 68 hộ dân bị ảnh hưởng buộc phải giải tỏa mặt bằng. Trong đó có 42 hộ (33 hộ thuộc phường Bắc Hà và 9 hộ phường Tân Giang) được nhận tiền đền bù. 26 hộ còn lại (thuộc phường Bắc Hà và Tân Giang) không được đền bù cũng không được hỗ trợ.
Những hộ dân nơi đây bức xúc cho rằng, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được đền bù, không được hỗ trợ là điều phi lý. Bởi vì vậy, nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Bà Võ Thị Tám (phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Đất này mẹ tôi để lại cho từ những năm 1968. Chúng tôi đã 2 lần hiến đất để mở rộng đường Nguyễn Công Trứ. Lần này, gia đình chúng tôi bị lấy mất hơn 17m nhưng không được đền bù. Ai cũng mong làm con đường cho nhanh nhưng chúng tôi quá thiệt thòi”.
Tương tự, gia đình Phan Mạnh Nghĩa (địa chỉ số 111 đường Nguyễn Công Trứ, phường Bắc Hà) cho biết, thửa đất mà gia đình đang ở được ông bà sử dụng, sinh sống từ những năm 1960. Đến năm 2005 thì chuyển nhượng và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 1 với diện tích 167,1m2.
Gia đình anh Nghĩa cũng như 25 hộ dân khác đã bị lấy trắng đất
Quá trình làm thủ tục cấp bìa và các năm sau đó, gia đình anh đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí.
Dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Công Trứ buộc gia đình anh phải giải tỏa một phần diện tích đất (hơn 17m2) cùng nhiều tài sản trên đất. Thế nhưng, gia đình anh không được nhận bất kỳ khoản tiền đền bù hay hỗ trợ nào.
“Đất này bố mẹ tôi sử dụng yên ổn hàng chục năm nay. Giờ chuyển nhượng lại cho tôi và đã thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ về thuế đối với số diện tích đất này. Giờ họ lại thông báo sẽ không nhận được một đồng tiền đền bù, hỗ trợ nào”, ông Nghĩa bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV, đó cũng là tình cảnh chung của 26 hộ dân nơi đây.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thìn, Kỹ thuật Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hà Tĩnh (chủ đầu tư) cho biết, mẫu chốt của việc dự án bị trì trệ là giữa chính quyền và các hộ dân chưa thống nhất trong việc xác định chỉ giới, nguồn gốc đất.
“Hiện còn 8 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Vấn đề cốt lõi ở đây là việc xác định mốc chỉ giới, nguồn gốc đất nhưng hiện nay người dân đang chưa đồng tình, chứ không phải vấn đề giá đền bù”, vị này cho biết.
Ông Trần Ngọc Thơ, Trưởng Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP. Hà Tĩnh cho biết, đất ở của các hộ dân này là đất thổ cư và đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có 26 hộ không được đền bù, cũng như không được hỗ trợ.
“Hiện tại việc đền bù giải phóng mặt bằng đều thực hiện theo công văn số 751 ngày 27/3/2018 của Sở TNMT. Theo đó, việc đền bù không phải theo bìa đất mà theo mốc bản đồ 371 (năm 1995). 26 bìa đất này được cấp vượt ra ngoài mốc chỉ giới bản đồ 371 nên sẽ không được đền bù cũng như hỗ trợ gì”, vị này cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ sự việc này.
Xuân Sinh