3 trường hợp cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự

Hải Hà

(Dân trí) - Ngày 20/12/2021, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo đó, Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau:

- Trường hợp cho vay nặng lãi đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự gồm tiền lãi và các khoản thu trái phép mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

- Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.

- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Lưu ý: Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Nghị quyết này được thông qua ngày 30/9/2021 và có hiệu lực kể từ ngày 24/12/2021.

3 trường hợp cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự - 1

Công an Nghệ An vừa bắt 52 đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng nghìn tỷ (Ảnh: Nguyễn Tú).

Đề xuất 2 trường hợp môi giới cho vay nặng lãi bị phạt tù

Trước đó, Điều 201 Bộ luật Hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất tại dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, Điều 201 Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Tại Điều 4 dự thảo này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất một số trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, 02 trường hợp môi giới cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự gồm:

- Người môi giới câu kết với người cho vay thu phí dịch vụ của người vay để thu lợi bất chính thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để tính lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự.

- Người trung gian tư vấn, môi giới hoặc dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, góp vốn… trong quá trình cho vay nặng lãi, đòi nợ mà biết rõ để cho vay nặng lãi nhưng vẫn thực hiện thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm trong vụ án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Như vậy, dù câu kết thu phí dịch vụ hay dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc… người khác vay nặng lãi, đòi nợ mà biết rõ để cho vay nặng lãi thì người môi giới cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể sau đây cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay nặng lãi, tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần từ 100 triệu đồng trở lên nhưng các lần đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị áp khung hình phạt tương ứng với giá trị tài sản chiếm đoạt cùng tình tiết tăng nặng "phạm tội 02 lần trở lên".

- Người cho vay nặng lãi thu phí của người vay như phí hợp đồng, phí tư vấn, phí dịch vụ, phí liên lạc… thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để xác định lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự.

- Người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến đòi nợ như ép buộc lấy tài sản, đánh người vay… thì tùy từng trường hợp sẽ xử lý trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.

Ví dụ: A đánh B gãy tay để đòi nợ cho vay nặng lãi thì sẽ phạm tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".