2 đối tượng trong đường dây mua bán gan, thận ở Hà Nội đối diện mức án nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho biết, mua bán nội tạng cơ thể người là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vì nó không chỉ trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp với các lực lượng chức năng khởi tố, tạm giam 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán bộ phận cơ thể người ở Hà Nội là Trương Thị Khuyến (57 tuổi, trú Bắc Giang) và Trần Văn Hiệp (52 tuổi, ở Hà Nội).

Theo điều tra, Hiệp thường tìm kiếm người môi giới để mua, bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là bán gan. Người mua gan phải trả cho Hiệp khoảng 1,2 tỷ đồng. Nếu có giao dịch, Hiệp sẽ trả cho người bán gan khoảng 450 triệu đồng.

Để tìm đầu mối, Hiệp thường xuyên đứng quanh các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Nếu tìm được người muốn bán gan, Hiệp sẽ đưa họ đến các bệnh viện làm thủ tục xét nghiệm, kiểm tra gan.

2 đối tượng trong đường dây mua bán gan, thận ở Hà Nội đối diện mức án nào? - 1

Cơ quan điều tra công bố lệnh bắt giữ đối với Trương Thị Khuyến và đối tượng Trần Văn Hiệp tại cơ quan công an (Ảnh: cơ quan công an cung cấp).

Sau đó, Hiệp sẽ lên các trang mạng xã hội để tìm người có nhu cầu mua gan. Giúp đỡ Hiệp trong việc này còn có Trương Thị Khuyến. 

Trong quá trình dẫn các nạn nhân đến khu vực đường Giải Phóng (TP Hà Nội) thì Hiệp bị lực lượng công an phát hiện. Những người đi cùng khai nhận đang đi xét nghiệm thận để phục vụ mục đích giao dịch.

Với hành vi trên, các đối tượng có thể đối diện với tội danh gì và hình thức xử phạt ra sao là điều khiến nhiều người quan tâm.

Sức khỏe bị tổn hại ít nhất từ 45 - 70% vì bán mô và các bộ phận cơ thể

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mua bán nội tạng cơ thể người là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vì nó không chỉ trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Kết quả giám định cho thấy, những người bán mô, bộ phận cơ thể đều bị tổn hại sức khỏe ít nhất từ 45 - 70%. Thậm chí có trường hợp tử vong do biến chứng hoặc nhiễm trùng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật. Nhiều người chỉ vì túng quẫn trong một thời điểm mà đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khỏe hoặc tính mạng của bản thân.

Theo đó, pháp luật quy định hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là việc lấy đi bộ phận của cơ thể người còn sống trái pháp luật. Tội phạm xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, thân thể, sức khỏe của người khác; ngoài ra còn gián tiếp gây tâm lý hoang mang cho người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Do đó, khách thể của tội phạm là quyền sống, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và sự ổn định của xã hội.

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm hành vi mua bán và hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Mua bán mô, bộ phận cơ thể người là hành vi trao đổi mô, bộ phận cơ thể người để nhận được tiền bạc, tài sản hay các lợi ích khác, bên bán có trách nhiệm chuyển giao mô, bộ phận cơ thể theo yêu cầu của bên mua. Bên mua sẽ tiếp nhận mô, bộ phận cơ thể từ bên bán và có nghĩa vụ chi trả tiền, tài sản hoặc lợi ích khác khi bên bán giao đúng mô, bộ phận cơ thể mà bên mua yêu cầu.

Trong đó, tại điều 3, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.

Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.

Việc lấy mô, bộ phận cơ thể người phải tuân thủ theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006. Các hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người không theo quy định của Luật này đều phạm tội theo điều 154, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, tội phạm hoàn thành khi có hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác. Dấu hiệu hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc, dù người phạm tội có mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể thành công hay chưa thì tội phạm cũng sẽ hoàn thành khi có hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể xảy ra. Dấu hiệu mô, bộ phận cơ thể chỉ có ý nghĩa xác định hình phạt.

Tội mua bán bộ phận cơ thể người có thể đối diện mức tù chung thân

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến cho biết, điều 154, Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:

- Khung hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Vì mục đích thương mại; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với từ 02 người đến 05 người; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

- Khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đối với 06 người trở lên; Gây chết người; Tái phạm nguy hiểm.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.