"16 người ăn hết 12 triệu đồng tiền hải sản là chuyện bình thường"

PV

(Dân trí) - "Với thực đơn mà khách hàng đã gọi, số tiền 12 triệu đồng cho 16 khách ăn là mức giá không đáng bị gọi là chặt chém, mà chỉ nên đánh giá bằng từ đắt hoặc rẻ thì hợp lý hơn".

Ngày 16/2, thực khách tên P.H.T. phản ánh về việc nhóm của chị phải chi ra 11,7 triệu đồng cho 16 người để dùng bữa tại một nhà hàng tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vào tối mùng 6 Tết. Theo hình ảnh hóa đơn đăng tải, nhóm khách hàng gọi 7 loại hải sản gồm ruốc chân dài, hàu sống, hàu mỡ hành, cá song hổ, ốc hương to, bề bề to rang muối và ngao hoa với mức giá dao động 750.000-850.000 đồng/kg và 15.000 đồng mỗi con hàu.

Trước nội dung phản ánh về việc "chặt chém" khách hàng, chủ nhà hàng cho biết quán đã niêm yết giá hải sản công khai. Đoàn khách trước khi dùng món cũng đã trao đổi và thống nhất với nhà hàng về mức giá từng loại hải sản. Ngoài ra, vị chủ nhà hàng cho biết trong dịp lễ Tết, giá cả tại nhà hàng cũng tăng 8-10% do chi phí nhân viên bị đội lên.

Sau khi được Dân trí đăng tải, sự việc gây ra làn sóng tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người đánh giá đây là mức giá hợp lý, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ thì ở phía đối lập, không ít độc giả lại nhìn nhận giá hải sản của nhà hàng thuộc ngưỡng "cắt cổ" và không tương xứng.

16 người ăn hết 12 triệu đồng tiền hải sản là chuyện bình thường - 1

Nhóm du khách tố nhà hàng hải sản ở Hạ Long "chặt chém" ngày Tết (Ảnh: P.H.T.).

Mức giá hợp lý, không thể nói là chặt chém!

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, độc giả Phan Trọng bình luận: "16 người ăn hết 12 triệu đồng tiền hải sản là chuyện bình thường. Thậm chí, với số lượng người như vậy, nếu dùng bữa ở nhà hàng hạng sang một chút thì số tiền trên cũng không đến nỗi "chặt chém". Với thực đơn mà khách hàng đã gọi, số tiền 12 triệu đồng cho 16 khách ăn là mức giá không đáng bị gọi là chặt chém, mà chỉ nên đánh giá bằng từ đắt hoặc rẻ thì hợp lý hơn".

Có chung cảm nhận, chủ tài khoản Brian Hanoi viết: "Nhìn hóa đơn, tôi thấy mức giá 731.000 đồng/người là rất ổn so với giá của ngày Tết và tại địa điểm đặt nhà hàng là một thành phố du lịch. Ngoài ra, đồ ăn mọi người gọi cũng là hải sản giá trị cao trên thị trường. Như hình ảnh thì giá cả so với chất lượng nhà hàng và thời điểm phục vụ ngày Tết là hợp lý".

Cũng làm một phép tính đơn giản như trên, anh Ngô Thái Bình đánh giá số tiền 11,7 triệu đồng cho 16 người là "chấp nhận được". Độc giả này chia sẻ quan điểm: "Thời điểm Tết, nhiều chi phí cấu thành giá sản phẩm đều cao. Giá hải sản tươi sống ở nhà hàng có niêm yết công khai, tôi cho rằng không có chuyện "chặt chém". Với mức giá trung bình khoảng 700.000 đồng/người, đây là con số chấp nhận được và không quá cao nếu so với mức giá tại khu du lịch Bãi Cháy đến mức phải ca thán như vậy. Ngay tại Hà Nội dịp Tết, bát bún cá giá cũng tăng gấp rưỡi ngày thường".

Trong khi đó, từ câu chuyện giá hải sản tại Hạ Long, nhiều người lập tức có những phép so sánh với những tỉnh, thành khác trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán. Lấy một thành phố biển khác là Nha Trang làm hệ quy chiếu để so sánh, chủ tài khoản Tuan viết: "Nha Trang cũng gần biển, ngày thường ăn hải sản xả láng cũng phải hơn 500.000 đồng/người. Ngày Tết chia ra hơn 700.000 không phải đắt".

"Không hề đắt. Ở Cần Thơ chúng tôi đi 3 người vào nhà hàng, gọi con tôm hùm, 10 con hàu, cá bốp 1,5 kg nấu lẩu với một thùng bia mà đã hơn 7 triệu rồi. Các ông 16 người mà than như vậy thì ở nhà ăn cá kho, rau luộc đi", một phép so sánh khác tới từ người dùng có nickname Huong Tram Food.

Dưới góc nhìn của một người sinh ra và lớn lên tại thành phố biển, anh Toản Nguyễn đánh giá nếu xét về giá, đây không phải mức cao. Tuy nhiên, cần tập trung vào khối lượng hải sản thực chất được phục vụ cho khách du lịch. Độc giả này bình luận: "Là công dân một thành phố du lịch biển khác, tôi thấy giá này không cao. Về khối lượng ăn thì chúng ta ngoài cuộc cũng khó nói, nhưng tính bình quân ăn hải sản no với số tiền mỗi người như bài viết thì vẫn là trung bình thấp so với thành phố biển nơi tôi. Vì vậy, trường hợp này chỉ nên xét đến chất lượng và khối lượng thực phẩm".

"Ngày thường menu này cũng ngót nghét 10 triệu đồng. Thực khách này chắc ít đi nhà hàng", độc giả Hoàng Nam bình luận.

"Các bác gọi toàn món đặc sản, ngày thường giá cũng cao gần như vậy, giá cũng đã niêm yết rồi nên nếu thấy đắt thì gọi cơm canh cua, cà, thịt rang thôi", "Ngày Tết đến đánh giày còn tăng giá, mình được nghỉ, đi chơi còn người ta phải phục vụ ngày mùng 6 Tết. Đã kéo nhau đi ăn nhà hàng thì phải chấp nhận thôi"... hàng loạt ý kiến gửi về của độc giả, bày tỏ sự ủng hộ với nhà hàng và chê trách những ý kiến phàn nàn của thực khách, đặc biệt khi sử dụng dịch vụ trong mùa lễ hội.

16 người ăn hết 12 triệu đồng tiền hải sản là chuyện bình thường - 2

Nhóm gọi nhiều loại hải sản khác nhau (Ảnh: P.H.T.).

Giá "cắt cổ"?

Trong khi đó, ở phía đối lập, độc giả Ngọc Kiên Trần sử dụng từ "cắt cổ" để nói về bảng giá trên. Người này viết: "Ngao hoa mà 450.000 đồng/kg thì có mà cắt cổ. Vào Đà Nẵng, ăn nhà hàng ngày Tết chỉ có từ 150.000 - 200.000 đồng/kg".

Cũng bày tỏ sự bất bình, chủ tài khoản H.Hai viết: "Trời ơi, bề bề bằng ngón tay mạ vàng hay sao mà 850.000 đồng? Du lịch mà chém như thế này khách quay lại mới là chuyện lạ".

Còn với độc giả Hoàng Hạnh, dựa trên hình ảnh thực tế về các món ăn được phục vụ, chị cho rằng chất lượng sản phẩm chỉ tương xứng với hải sản lề đường. "Đây là hải sản lề đường thì được, quá non và bé. Nhà hàng bình thường không sử dụng loại hải sản này, trong khi giá niêm yết thì lại tương đương với hải sản loại 1", độc giả này bình luận.

"Giá này chát muốn chết. Bạch tuộc đó mà 850.000/kg, con chem chép mà 450.000/kg, đúng cắt cổ", độc giả Hoang Trung Do cảm thán.

Hoàng Diệu (tổng hợp)