Đắk Nông:

15ha rừng ngay cạnh chốt bảo vệ bị "xóa sổ" gọn gàng!

(Dân trí) - Với mục đích chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, nhiều đối tượng đã đưa máy móc, thiết bị vào cưa cắt, triệt hạ gần 15ha rừng tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Mặc dù hiện trường cách chốt bảo vệ của công ty này hơn 1km nhưng sự việc kéo dài mà không bị ngăn chặn, xử lý kịp.

Mất rừng do cách trạm bảo vệ…1km

Hiện trường vụ phá rừng mới bị phát hiện tại Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) ngay trong dịp Tết Nguyên đán nằm tại tiểu khu 1680, thuộc địa phận xã Quảng Sơn. Đây là khu vực đường sá đi lại tương đối thuận lợi, dù nằm cách UBND xã khoảng 20 km nhưng chỉ nằm cách trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng hơn 1km.

Hiện trường vụ phá rừng nằm trong vùng lõi rừng, đã bị cày xới
Hiện trường vụ phá rừng nằm trong vùng lõi rừng, đã bị cày xới

Tại hiện trường, rừng bị xóa trắng, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ và nằm lọt thỏm trong vùng lõi rừng. Xung quanh là rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ tương đối lớn và các đối tượng đã cơ bản xóa sạch, đốt trụi gần 15ha rừng. Phần lớn diện tích đã được cày xới, chuẩn bị cho việc gieo trồng.


Một vườn ươm cây giống ngay tại hiện trường.

Một vườn ươm cây giống ngay tại hiện trường.

Để phục vụ cho việc phá rừng và làm đất (dọn dẹp hiện trường, cày xới, chuẩn bị cây giống) theo ngành chức năng, có khoảng 15 - 20 người tham gia. Nhiều lán trại cũng được dựng lên với đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Mọi dấu hiệu đều cho thấy, các đối tượng đã cư trú, sinh hoạt trong thời gian tương đối dài.


Lán trại, lương thực.., cho thấy các đối tượng đã ở đây một thời gian dài.

Lán trại, lương thực.., cho thấy các đối tượng đã ở đây một thời gian dài.

Theo một công an viên xã Quảng Sơn, để có đủ thời gian chặt phá, đốt dọn và san ủi, cày xới đất tại đây, các đối tượng phá rừng phải có thời gian ít nhất là 1 tháng. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia phải hàng chục người mỗi ngày mới có thể hoàn thành khối lượng công việc nêu trên.

Ngoài các lán trại, một vườm ươm tạm bợ cũng đã được dừng lên và đang ươm cà phê giống và nhiều diện tích, đã được máy múc, máy cày dọn dẹp và cày xới chuẩn bị sản xuất.

Chủ rừng không biết, báo cáo chậm?

Gần 15ha rừng bị tàn phá, hủy hoại, có một số diện tích là rừng trồng khoảng 4 - 5 năm tuổi, còn lại là phá mới. Mục tiêu chính của các đối tượng phá là chuyển đổi đất rừng (rừng tự nhiên xen lẫn rừng trồng) thành đất trồng cây công ngiệp. Nếu sự việc trót lọt, thì sẽ tiếp tục “triệt hạ” toàn bộ diện tích rừng tự nhiên xung quanh.

Điều đặc biệt, để đến được hiện trường vụ phá rừng thì phải đi ngang qua… Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn. Tại đây, luôn có cán bộ được đơn vị phân công túc trực để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và báo cáo cấp có thẩm quyền khi có vấn đề xảy ra.


Phần lớn rừng bị phá là rừng trồng.

Phần lớn rừng bị phá là rừng trồng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND xã Quảng Sơn, phải mất gần 1 tuần sau khi phát hiện rừng bị phá, đơn vị này mới nhận được báo cáo thông qua đường bưu điện của chủ rừng mặc dù UBND xã và trụ sở của Công ty nằm cách nhau 1 bức tường.

Trao đổi qua điện thoại, ông Đinh Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Nghiệp Quảng Sơn cho rằng trong tổng số gần 15ha rừng bị tàn phá thì diện tích đất trống là khá nhiều nên việc phá rừng tại đây có thể diễn ra khá nhanh. Đồng thời, ông này cũng nêu ra nhiều điểm mà ông cho rằng “bất hợp lý”, “thiếu chính xác”, “buộc tội cho người ta quá” trong báo cáo, số liệu của các cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm kê, lập biên bản vụ phá rừng.


Hiện trường ngổn ngang những cây rừng bị đốt cháy.

Hiện trường ngổn ngang những cây rừng bị đốt cháy.

Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đắk G’Long xác nhận đơn vị chủ rừng không có bất kỳ báo cáo nào về vụ việc cho đến khi cán bộ kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành ngăn chặn, xử lý vụ phá rừng. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đắk G’Long cũng thừa nhận cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách trực tiếp đã không sớm phát hiện, báo cáo vụ việc. Tuy nhiên, vị này cho rằng kiểm lâm địa bàn là người đầu tiên phát hiện và đề xuất xử lý vụ việc.

Trước đó ngày 20/2, Công an huyện Đắk G’Long đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Phan Thành Nghĩa (SN 1966, trú xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long). Đối tượng Nghĩa bị khởi tố về tội “hủy hoại rừng”, trong đó xác định Nghĩa là đối tượng chủ mưu vụ phá rừng nêu trên. Ngoài ra, 4 đối tượng khác được Nghĩa thuê phá rừng hiện cũng bị tạm giữ.

NHiều cây có đường kính lên đến cả 1m bị đốn hạ
NHiều cây có đường kính lên đến cả 1m bị đốn hạ

Đối tượng Phan Thành Nghĩa từng được báo chí phản ánh nằm trong "đường dây" mua bán đất rừng trái phép tại xã Quảng Sơn xảy ra vào năm 2017. Vụ việc này vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý nay tiếp tục bị bắt về hành vi “hủy hoại rừng”.

Hiện các ngành chức năng huyện Đắk G’Long đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các đối tượng tổ chức, tham gia vụ phá rừng. Đồng thời làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, “tiếp tay” của các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng và các đối tượng liên quan.

PVĐT