Vật bất ly thân của Tổng thống Putin khi công du nước ngoài
(Dân trí) - Bất kể Tổng thống Vladimir Putin xuất hiện ở đâu, dù ở trong hay ngoài nước, sẽ luôn có một vật ở bên cạnh ông và được nhà lãnh đạo Nga sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết - đó là valy hạt nhân.
Tháng 5/2012, Tổng thống mãn nhiệm Dmitry Medvedev chính thức trao lại quyền điều khiển chiếc valy hạt nhân cho người kế nhiệm, Tổng thống Vladimir Putin, trong một nghi lễ có sự chứng kiến của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.
Valy hạt nhân của Nga, hay còn gọi là Cheget, là một di sản từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ. Chiếc valy này luôn ở bên cạnh Tổng thống Nga mọi lúc mọi nơi, kể cả trong các chuyến công du nước ngoài. Thiết bị cầm tay sử dụng mật mã này cho phép Tổng thống đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội Nga ra chỉ thị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào bất kỳ đối tượng nào trong trường hợp khẩn cấp.
Dự án valy hạt nhân được phát triển tại Nga từ năm 1983 và được cựu lãnh đạo Xô Viết Konstantin Chernenko sử dụng lần đầu tiên vào năm 1984. Nếu như tại Mỹ, Tổng thống, hay còn giữ vai trò là Tổng tư lệnh quân đội, là người duy nhất được quyền tiếp cận và sử dụng valy hạt nhân, thì ở Nga có tới 3 người được sở hữu chiếc valy quan trọng này. Ngoài Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội là hai quan chức được quyền sở hữu valy hạt nhân.
Valy hạt nhân Cheget của Nga nặng khoảng 11 kg và có hình dáng giống một chiếc cặp thông thường. Các sĩ quan tháp tùng có trách nhiệm đảm bảo rằng valy này sẽ luôn theo sát Tổng thống Nga trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 3 valy hạt nhân của Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga sẽ được kết nối vào một mạng lưới phức tạp có tên là Kavkaz, trong đó bao gồm hệ thống vệ tinh, cáp tín hiệu và truyền dẫn radio.
3 valy hạt nhân tại Nga
Về cơ bản, 3 vali Cheget là các thiết bị liên lạc, cho phép cung cấp thông tin tới 3 người sở hữu valy về một vụ tấn công có thể xảy ra và cho phép những người này tham vấn ý kiến lẫn nhau. Bên trong mỗi valy Cheget sẽ có một thiết bị di động để kết nối với mạng lưới chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Trong trường hợp Tổng thống Nga ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào một mục tiêu nào đó, hiệu lệnh của Tổng thống sẽ được phát từ valy Cheget tới một thiết bị tiếp nhận thông tin cuối cùng có tên gọi Balkan đặt tại các trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng tên lửa, hải quân và không quân. Toàn bộ mạng lưới kết nối này được gọi là Kazbek.
Sau khi nhận được hiệu lệnh được mã hóa, sĩ quan trực chiến của lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược Nga sẽ sử dụng mã riêng để xác nhận rằng đây chính là hiệu lệnh do Tổng thống đưa ra. Khi đó, một đường dây nóng sẽ được thiết lập để kết nối với 3 người sở hữu valy hạt nhân là Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Sau khi cả 3 quan chức cấp cao cùng nhất trí quan điểm tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, sĩ quan trực chiến sẽ kích hoạt mã tương ứng và gửi tới các bệ phóng tên lửa và tàu ngầm hạt nhân để phóng tên lửa hạt nhân.
Thực chất, valy Cheget không chứa nút bấm để khai hỏa một cuộc tấn công hạt nhân. Thiết bị này chỉ đóng vai trò như một phương tiện để truyền hiệu lệnh phóng tên lửa tới lực lượng quân sự Nga.
Hiến pháp Nga quy định trong trường hợp Tổng thống không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, bao gồm việc phát động cuộc tấn công hạt nhân, thì người sẽ thay Tổng thống ra quyết định tạm thời là quan chức đứng đầu chính phủ Nga, hay nói cách khác là Thủ tướng. Như vậy, Thủ tướng, chứ không phải Bộ trưởng Quốc phòng hay Tổng tham mưu trưởng quân đội, là người thay mặt Tổng thống ra quyết định liên quan tới valy hạt nhân.
Trong lịch sử Nga, valy hạt nhân từng có một lần rời xa Tổng thống khi cựu Tổng thống Boris Yeltsin phải trải qua một ca phẫu thuật tim và buộc phải bàn giao valy hạt nhân cho cựu Thủ tướng Viktor Chernomyrdin vào tháng 10/1996.
Thành Đạt
Theo Foreign Policy, AFP