Ý tưởng từ chảo tráng trứng đem lại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trong lễ tuyên dương "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển" hôm 28/12 tại Hà Nội, người lao động cả nước đã chia sẻ nhiều ý tưởng sáng tạo thật độc đáo, giản dị nhưng trị giá… bạc tỷ.

Ý tưởng nung nấu khi đồng nghiệp ngất vì sốc nhiệt

Những ngày cao điểm chống dịch Covid-19, Thượng úy Lê Thị Hòa (cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an) và các đồng nghiệp đã thắt lòng chứng kiến tình trạng choáng, ngất do sốc nhiệt của các nhân viên y tế khi mặc những bộ quần áo bảo hộ cả ngày tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Chị kể lại: "Để giảm thiểu sự nóng bức, mệt nhọc do sốc nhiệt, nhiều nhân viên y tế đã nghĩ ra cách dội nước lên người, chườm đá ngoài áo bảo hộ. Điều này vừa có nguy cơ lây nhiễm lạnh cao mà vẫn không thoát khỏi tình trạng bị choáng ngất ngay trong lúc đang làm việc".

Thậm chí, nhiều nhân viên y tế đã không kịp tháo bỏ hoặc tháo bỏ bộ bảo hộ không đúng quy trình, dẫn đến nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.

Ý tưởng từ chảo tráng trứng đem lại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp - 1

Thượng úy Lê Thị Hòa nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển" (Ảnh: T.L).

Từ thực tế đó, Thượng úy Lê Thị Hòa cùng đồng đội nung nấu ý tưởng nghiên cứu ra sản phẩm áo nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt cho đồng nghiệp. Sau nhiều ngày tìm tòi, chị và đồng nghiệp đã tìm loại áo chống sốc nhiệt. Áo được cấu tạo từ chất liệu vải Cotton lưới thấm hút mồ hôi và dễ khuếch tán nhiệt, xốp cách nhiệt và túi đá khô dạng Gel cùng 1 số nguyên liệu đơn giản khác.

Qua thử nghiệm, áo chống sốc nhiệt được mặc bên trong áo bảo hộ. Nhờ đó, nhiệt độ cơ thể của người mặc sẽ giảm được từ 5-7 độ so với khi chưa mặc và giảm thiểu tối đa tình trạng choáng ngất so sốc nhiệt. Áo chống sốc nhiệt được làm từ chất liệu có sẵn, dễ kiếm và giá thành rẻ.

Chị nhớ lại: "Sáng kiến được lãnh đạo bệnh viện ủng hộ và lãnh đạo khoa Chống nhiễm khuẩn tạo điều kiện. Xưởng may dã chiến của chúng tôi đã được thành lập ngay trong đêm 2/6 để sản xuất áo chống sốc nhiệt phục vụ cán bộ y tế".

Ngay sau đó, bộ sản phẩm áo chống sốc đã được Hội đồng khoa học của Bệnh viện nghiệm thu và đánh giá cao. Đến nay Bệnh viện đã cung cấp gần 1.000 bộ áo cho cán bộ y tế của Bệnh viện tham gia phòng chống dịch, nhân viên y tế làm việc tại các Bệnh viện tuyến đầu: Bắc Giang và Bắc Ninh, nhân viên Y tế của Bệnh viện Bạch mai, và một số đơn vị tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19: Bệnh viện 103, Bệnh viện 198, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Long Biên… Các phản hồi về sản phẩm đều rất tích cực.

Chị Lê Thị Hòa đã vinh dự là một trong số 128 cá nhân và tập thể được vinh danh tại lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hôm 28/12 tại Hà Nội.

Khi được hỏi về động lực làm nên sáng kiến này, chị Lê Thị Hòa khiêm tốn chia sẻ: "Đó chính là tình cảm, sự thấu hiểu những hiểm nguy, vất vả và khó khăn của đồng nghiệp trong chống dịch…".

Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng/năm từ ý tưởng… chảo rán trứng

Đầu năm 2021, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tiếp nhận mẫu đơn hàng sản xuất một sản phẩm có tính chiến lược của tập đoàn. Tuy nhiên dụng cụ trong công đoạn xử lý mầu vẫn theo cách cũ, làm tăng thời gian sản xuất.

Khi đó, anh Dương Văn Hùng (Phó phòng Phát triển sản phẩm mới công đoạn xử lý bề mặt, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên) nhận thấy, nếu cứ tiếp tục, việc này có thể tác động tới tổng chi phí sản phẩm. Về lâu dài, tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ kém so với địa bàn khác trong tập đoàn sản xuất, nguy cơ lâu dài, việc làm của công nhân bị ảnh hưởng.

Ý tưởng từ chảo tráng trứng đem lại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp - 2

Anh Dương Văn Hùng (thứ 2, từ trái sang) tham gia giao lưu tại lễ tuyên dương "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hôm 28/12 tại Hà Nội (Ảnh: T.L).

Mày mò nhiều ngày, những "nút thắt" trong công việc đã được tháo gỡ. Anh Dương Văn Hùng nhớ lại: "Qua tìm hiểu, tôi nhận ra các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu ra hướng giải quyết bằng sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả. Đó là tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng kim loại".

Sáng kiến đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo đó, thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần và tình trạng bẩn, xước gần như được loại bỏ. Sáng kiến cũng giúp hạn chế tình trạng phát sinh rác thừa trong sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, cải tiến này có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm khác.

Bật mí về sáng kiến này, anh Hùng cho biết, ý tưởng được nảy sinh rất tình cờ qua việc quan sát công đoạn tráng trứng. Khi đó, lớp chống dính trên mặt chiếc chảo rán đã giúp anh hình thành ý tưởng về chiếc khay nhựa thay cho khay bằng kim loại vốn có.

Về góc độ kinh tế, sáng kiến của anh đã giúp tiết kiệm cho công ty hơn 30 tỷ đồng/năm (khoảng 1,5 tỷ USD). Không những thế, sáng kiến còn được áp dụng trong hệ thống nhà máy Samsung trên toàn cầu.

Chia sẻ trong chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển", anh nói: "Không ai đánh thuế ước mơ. Với tư duy đột phá từ cách làm mới và khác biệt, tôi mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người công nhân Việt Nam tại quê nhà và qua đó khẳng định trí tuệ Việt Nam không hề thua kém thế giới".

Các sáng kiến đem lại 148.967 tỷ đồng

Theo Tổng LĐLĐ VN, chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" được phát động từ tháng 3/2021. Chỉ sau 80 ngày thi đua cao điểm, 250.177 sáng kiến được gửi tới Ban tổ chức, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng. Các sáng kiến tham gia chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời điểm cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.