Cho chồng xem clip đánh ghen "trần như nhộng", vợ đe: "Anh cẩn thận!"
(Dân trí) - Không chia sẻ, không bàn tán về những clip đánh ghen nhưng lần này, chị Na đưa clip đánh ghen "trần như nhộng" đang tràn ngập mạng xã hội cho chồng xem với lời cảnh báo "cẩn thận!".
Xem clip đánh ghen, bàn trước tình huống gia đình
Chị Nguyễn Bích Na, 37 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM kể, chị như người "tối cổ" khi đến giờ mới nghe nhóm "bà tám" trong công ty bàn tán về clip đánh ghen, vợ bắt quả tang tại trận chồng và nhân tình trong tình trạng "trần như nhộng" tại một nhà nghỉ.
Chỉ cần nghe mọi người bàn luận, chị Na cũng hình dung ra mức độ "gắt" của những hình ảnh được lan truyền lần này. Tuy nhiên, quan điểm của chị là không bình luận, không phê phán, không chỉ trích, cũng không cười nhạo với những vấn đề riêng tư của người khác. Chị chọn cách âm thầm "nhìn người để sửa mình".
"Sau khi xem clip đánh ghen này, tối đó tôi đưa cho chồng và nói: "Anh cẩn thận!". Rồi vợ chồng tôi cùng ngồi trao đổi với nhau về vấn đề "xử lý sự cố phát sinh", chị Na bày tỏ.
Chị thẳng thắn nói với chồng, nếu anh ngoại tình, lý trí nói rằng chị sẽ không thèm đi đánh ghen, không tung hê mọi thứ. Vậy nhưng, đó là lý thuyết, còn thực tế, chị không thể chắc chắn mình sẽ cư xử như thế nào. Biết đâu được thời khắc nào đó chị cũng trở nên điên cuồng, mù quáng, mất hết lý trí…
Bởi vậy, chị vừa nhắc mình vừa cảnh báo chồng: "Đàn ông hay phụ nữ đều không muốn cả nước thấy cảnh trần trụi, ê chề thì phải nghiêm túc, phải giữ mình, phải hiểu việc mình làm có thể dẫn đến hậu quả kinh khủng thế nào".
Anh chị cũng đặt ra tình huống, một lúc nào đó gia đình xảy ra việc chồng hoặc vợ có người thứ 3. Khi đó, cả hai đề xuất phương án, nếu muốn hàn gắn thì hãy cho nhau một cơ hội để "quay đầu là bờ", còn nếu không thì chia tay trong văn minh.
Cần nhất là trước biến cố, mỗi người hãy dừng lại một nhịp, chậm lại một chút, giữ cho mình sự tỉnh táo, sáng suốt hơn.
Lúc này, vợ chồng chị cũng nói về mong muốn của nhau để vun vén hạnh phúc gia đình, để hâm nóng tình cảm.
Chị Na đề nghị chồng cần có trách nhiệm hơn trong việc đưa đón con, làm việc nhà, không để vợ phải nhắc đi nhắc lại. Còn chồng chị cũng mong vợ bớt to tiếng, chì chiết anh trước mặt con cái.
Anh chị còn thống nhất thêm giờ ăn, giờ đi ngủ sẽ không sử dụng điện thoại nếu không thật sự cần thiết. Đây cũng là vấn đề làm vợ chồng chị thường xuyên cãi vã, xung đột.
Chị Nguyễn Bích Na trải lòng, không chỉ dừng ở việc trao đổi với nhau, anh chị còn hỏi ý kiến cô con gái học lớp 5 quanh chuyện đánh ghen.
Con gái anh chị thể hiện thái độ không chấp nhận việc ngoại tình và càng không chấp nhận bố mẹ đánh ghen rồi tung lên mạng.
"Nếu bố mẹ làm vậy, con sẽ chết mất!", lời của cháu.
Cô bé đồng ý với quan điểm của bố mẹ là sống phải giữ mình, nếu có sai lầm cho nhau cơ hội, nếu không được thì chia tay.
Người mẹ cho hay: "Khi hỏi ý kiến con, tôn trọng con như một người lớn cũng là cách dạy con những giá trị, quan điểm sống. Từ khi con còn nhỏ, gia đình tôi thống nhất, trong các vấn đề cố gắng lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của con".
Chuyện "nằm gầm giường nhà người"
Qua quan sát, chị Na thấy mọi người thường soi mói, quan tâm, bình luận đến vấn đề của người khác mà quên đi… chính những vấn đề của mình, của gia đình mình.
Rất nhiều chuyện trong gia đình mọi người thường lên mạng hỏi ý kiến người ngoài rồi nhận về đủ kiểu tư vấn, phán xét. Trong khi đó, mỗi người thường bỏ quên việc lắng nghe quan điểm, ý kiến của chính người trong cuộc như vợ chồng, con cái, bố mẹ…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên viên tâm lý gia đình tại TPHCM cho biết, nhiều vụ ngoại tình, đánh ghen hay những bi kịch gia đình xuất phát từ chính sự mất kết nối ngay trong gia đình.
Giờ đây, nhiều người say sưa bình phẩm, đánh giá, nhận xét về chuyện của người khác như thể "nằm gầm giường nhà người ta" nhưng không hiểu chút nào về tâm tư, suy nghĩ của người vợ, người chồng chung giường, của con cái sống cùng mái nhà...
Ông Cường cho hay, hiện con người có xu hướng hướng ra ngoài mà quên nhìn vào bên trong chính mình, quan tâm đến vấn đề của chính mình. Họ bỏ bê con cái, bạn đời, người thân nhưng rất sốt sắng, nhiệt tình, từ tư vấn cho đến phê phán, ném đá vào chuyện người khác.
"Kiểu như mặc kệ con ngồi ôm điện thoại, máy tính nhưng bố mẹ lên mạng phê phán người khác, "dạy" người khác cách dành thời gian cho con. Hiện tượng này nhiều lắm", ông Cường nói.
Chuyên viên này cho rằng, những vụ đánh ghen ầm ĩ trên mạng chính là dịp để mỗi người chồng người vợ nhìn nhận lại chất lượng hôn nhân, mức độ gắn kết trong gia đình mình. "Nhìn người ngẫm ta" để học cách kiểm soát bản thân, tránh cách hành xử hại mình hại người.