Xử lý bệnh "lờn thuốc" nợ BHXH, bỏ rơi 2,7 triệu lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu cụ thể hành vi trốn đóng bảo hiểm và quy định nhiều biện pháp cụ thể để xử lý hành vi này.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 1 tháng trở lên. Trong đó, có hơn 200.000 lao động đang rơi vào cảnh bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khó có thể thu hồi được nợ.

Con số thống kê mới nhất tại TPHCM, đến cuối tháng 1/2023, toàn thành phố có hơn 58.000 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 4.537 tỷ đồng.

Việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH khiến người lao động (NLĐ) không được hưởng nhiều chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), muốn rút BHXH một lần không được, về già cũng không có lương hưu…

Trong thời gian qua, cơ quan BHXH đã chuyển nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan công an điều tra, khởi tố hình sự nhưng còn nhiều vướng mắc nên rất khó xử lý. Việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng khó vì chưa có biện pháp chế tài hiệu quả dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "lờn thuốc".

Xử lý bệnh lờn thuốc nợ BHXH, bỏ rơi 2,7 triệu lao động  - 1

Công nhân bị doanh nghiệp trốn đóng BHXH kéo đến cơ quan chức năng cầu cứu (Ảnh minh họa: Thái Bá).

Trước tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa vào dự thảo luật BHXH sửa đổi 2 điều luật mới quy định rõ hành vi trốn đóng BHXH và các chế tài xử lý hành vi này để có căn cứ xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật BHXH có bổ sung nhiều biện pháp xử lý hành vi trốn đóng BHXH tại Điều 44. Theo đó, người sử dụng lao động trốn đóng BHXH phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế). Cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên…

Với những chế tài trên, doanh nghiệp càng cố tình nợ BHXH kéo dài càng bị thiệt hại về lợi ích kinh doanh và lợi ích của chủ doanh nghiệp, buộc họ phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ.

Nếu sau khi thực hiện các chế tài trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng BHXH bắt buộc thì tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án. Khi thấy dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố hình sự.

Đồng thời, dự thảo luật BHXH sửa đổi còn bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ (quy định tại khoản 6 Điều 24 dự thảo luật).

Một vướng mắc lớn khi xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài là doanh nghiệp nào cũng cam kết sẽ trả, lên kế hoạch trả dần tiền nợ BHXH nên không có căn cứ xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH. Vướng mắc này được khắc phục khi dự thảo luật BHXH sửa đổi bổ sung Điều 43 định nghĩa chi tiết hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, không còn lý do cho doanh nghiệp né tránh.

Thứ nhất, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động là trốn đóng BHXH.

Thứ hai, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng theo quy định là trốn đóng BHXH.

Thời hạn này được quy định tại khoản 6 Điều 40 của dự thảo luật. Cụ thể, thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động là: Ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 7 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Với định nghĩa trốn đóng BHXH bắt buộc được nêu rất cụ thể tại dự thảo luật, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ pháp lý để xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự, tránh trường hợp doanh nghiệp tìm cớ né tránh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có nghiên cứu bổ sung quy định xử lý hành vi nợ BHXH, trốn đóng BHXH cho NLĐ tại Điều 43, 44. NLĐ, người dân quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.