Nợ BHXH "khủng", Thanh Hóa sẽ tổ chức giải trình
(Dân trí) - HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, nợ đọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ngày 3/2, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức phiên họp thứ 16 để xem xét, cho ý kiến đối với Chương trình công tác năm 2023 của Thường trực HĐND tỉnh này.
Trong đó, có kế hoạch tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài dẫn đến nợ đọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động nhưng chưa được khắc phục và một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Tại phiên họp, ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày dự thảo kế hoạch tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh này.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh Thanh Hóa đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và trong quá trình thực hiện có sự điều chỉnh để hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh vừa đúng chức năng, nhiệm vụ, vừa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và niềm tin của nhân dân.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chương trình công tác của Thường trực HĐND tỉnh là chương trình mở, vì vậy ngoài việc được xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cần phải sắp xếp và điều chỉnh phù hợp với tình hình, đòi hỏi của thực tế.
Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã cho ý kiến về kế hoạch tổ chức phiên giải trình tình trạng chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh này.
Dự kiến phiên giải trình sẽ diễn ra vào tháng 4/2023 với các nội dung như: Việc thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về BHXH, BHYT, BHTN; thực trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài; nguyên nhân, trách nhiệm và những giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Ông Đỗ Trọng Hưng đề nghị các nội dung giải trình cần phải được chuẩn bị chu đáo, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Các vấn đề được đặt ra tại phiên giải trình phải đảm bảo tính nguyên tắc, vừa có định tính, vừa có định lượng, giải quyết căn cơ những yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra.
Mới đây, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh này về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN quý IV/2022.
Theo đó, đến hết ngày 31/12/2022, trên địa bàn Thanh Hóa còn 3.383 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 466 tỷ đồng. Trong đó khối doanh nghiệp có 3.024 đơn vị nợ gần 439 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động, nợ hơn 18,8 tỷ đồng; công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa, nợ hơn 15 tỷ đồng; xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động, nợ hơn 6,3 tỷ đồng; công ty cổ phần Lilama 5 (TB0005B) có 70 lao động, nợ gần 15 tỷ đồng; chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 (TE0003E) có 63 lao động, nợ hơn 9,2 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có số nợ lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian nợ kéo dài, như: Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long (TA0045A) còn 1 lao động, nợ hơn 7,6 tỷ đồng; công ty CP xây dựng Hancorp.2 (TA1314A) còn 2 lao động, nợ hơn 37,5 tỷ đồng (theo thống kê trong quý I/2022, đơn vị này còn 3 lao động, nợ hơn 36 tỷ đồng); công ty cổ phần đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 còn 1 lao động, nợ hơn 6,6 tỷ đồng...
Không chỉ hàng nghìn doanh nghiệp mà tính đến hết ngày 31/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 359 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó 352 đơn vị nợ dưới 3 tháng với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; 7 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ gần 4 tỷ đồng.