1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xóa tình trạng lao động trẻ em bằng xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng

An Linh

(Dân trí) - Theo bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, để xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam, biện pháp bền vững là xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng.

Xóa tình trạng lao động trẻ em bằng xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng - 1

Trẻ bán vé số, đánh giày lang thang trên đường phố.

Về bảo vệ trẻ em trước tình trạng bốc lột sức lao động, theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có khoảng 1 triệu lao động trẻ em, phần lớn từ 5-17 tuổi, trong đó tập trung nhiều ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Con số này đã giảm khá mạnh so với năm 2019, khi tỷ lệ này là 1,75 triệu trẻ em lao động. Đây là thành quả của công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều phía. Nổi bật là "Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ - TTg ngày 27/5/2021.

Xóa tình trạng lao động trẻ em bằng xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng - 2

Đa số trẻ em bị bắt buộc lao động trong môi trường gia đình, làng xã, thôn bản

Chương trình quốc gia kể trên có ba mục tiêu chính là: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Đây là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam về xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững...

Theo Lesley Miller, lao động trẻ em có thể phòng ngừa thông qua việc giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em...

Đa số trẻ em bị bắt buộc lao động trong môi trường gia đình, làng xã, thôn bản, cộng đồng đều xuất phát từ gia cảnh nghèo khó, không có cái ăn, mặc. Chính vì vậy, các em phải tham gia vào quá trình lao động để tạo ra của cải vật chất trước mắt cho gia đình, cho bản thân. Tuy nhiên, bản thân trẻ em vì sức lực yếu và trình độ chuyên môn thấp nên giá trị sức lao động thấp, thặng dư lao động không đủ để tạo của cải vật chất, mà chỉ kiếm được bữa ăn cho bản thân, gia đình, dẫn đến cái nghèo cứ quẩn quanh.

Bên cạnh đó, theo đại diện ILO, việc trẻ em phải lao động đều làm việc trong quy mô hộ gia đình, nhà xưởng nên kiểm tra, xử lý và phản ánh rất khó khăn.

Theo bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em góp phần tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu...

Xóa tình trạng lao động trẻ em bằng xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng - 3

Trẻ em là nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước

Bên cạnh đó, trẻ em là nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước. Lao động trẻ em sẽ làm giảm chất lượng nguồn nhân lực tiềm năng này bởi trẻ bị mất cơ hội học tập do phải dành thời gian để lao động kiếm sống. Hơn thế nữa, việc lao động sớm sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ do bị tai nạn lao động, làm việc quá sức hoặc bị xâm hại. Bên cạnh đó, lao động trẻ em còn khiến trẻ có nguy cơ cao dễ bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các hoạt động tội phạm hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người, xâm hại, bóc lột tình dục, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh xã hội.

Nguy cơ sức khỏe kém, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nghề nghiệp cần thiết do trẻ có thể bị tai nạn lao động, nghỉ học sớm để lao động sẽ làm giảm cơ hội có được công việc tốt trong tương lai. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp cao, gây hậu quả kéo dài hoặc gia tăng tình trạng nghèo đói trong các gia đình và cộng đồng có lao động trẻ em. Bởi vậy, lao động trẻ em cần phải được nhìn nhận không chỉ là hậu quả, mà còn là nguyên nhân của nghèo đói và kém phát triển.