Xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại để xây dựng nông thôn mới ở miền núi
(Dân trí) - Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng với tạo sinh kế để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi.
Vùng đặc biệt khó khăn của Nghệ An là địa bàn đặc thù, nằm ở phía tây của tỉnh này, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái vùng. Đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống trải rộng trên địa bàn 11 huyện, thị với diện tích tự nhiên 13.745km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh.
Vùng đặc thù khó khăn của tỉnh Nghệ An có gần 1,2 triệu người dân thì có tới hơn 490.000 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 5 dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng là Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu. Với 27 xã biên giới thuộc 11 huyện nói trên, có 24 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, tiếp giáp 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Miền tây Nghệ An là khu vực có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến. Đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, những khó khăn mang tính đặc thù như hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, đời sống kinh tế, văn hóa... đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của khu vực này.
Cùng các nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản nghị quyết tiến hành hỗ trợ hiệu quả các xã, thôn, bản thuộc 10 huyện miền núi gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và Nghĩa Đàn.
Trên thực tế, bằng việc tận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực từ trung ương và của tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, một số xã miền núi đã có sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Tại huyện Quế Phong, đến nay đã đạt bình quân 14 tiêu chí NTM, hộ nghèo giảm còn hơn 14%, nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 86%, hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 84%; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa. Trong khi đó, huyện Con Cuông, có 3/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 23/107 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã...
Tuy nhiên, quá trình xây dựng phát triển nông thôn tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Tại hội thảo khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng NTM ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An hiện nay" vừa được tổ chức, các tham luận, trao đổi đã tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An hiện nay cũng như xây dựng cơ chế, chính sách, phát huy và tập trung các nguồn lực nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM tại vùng đặc biệt khó khăn.
Một trong những khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xây dựng NTM tại các huyện miền núi Nghệ An là thiếu kinh phí. Bởi vậy, ngoài nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã khéo léo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các thôn, bản cũng như điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với đặc thù của địa bàn và phong tục, tập quán của đồng bào.
Trong phiên thảo luận ở hội trường về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội vào ngày 30/10 vừa qua, ông Trần Nhật Minh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) bày tỏ lo ngại khi có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025.
Nguyên nhân được chỉ ra, khi đạt chuẩn NTM, tức là không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…).
Những băn khoăn của đại biểu Trần Nhật Minh không phải là không có cơ sở.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn, cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đương nhiên, người dân không thể đứng ngoài sự vận động tất yếu này. Bởi vậy, việc phát huy, khơi dậy nguồn lực từ chính người dân là điều hết sức quan trọng.
Muốn như vậy, các địa phương cần thiết phải tập trung tạo sinh kế, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hướng tới mục tiêu: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Trong đó, tiểu dự án 1 hướng tới mục tiêu: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù nhằm: Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.