Xây dựng văn bản pháp luật bám sát thực tế, chặn "cài cắm" lợi ích nhóm
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi lưu ý các đơn vị của Bộ trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật cần lấy thực tiễn làm thước đo, không để lọt việc cài cắm lợi ích nhóm, cá nhân...
Sáng 3/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 nhằm đề cao vai trò của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển đất nước nói chung và của ngành LĐ-TB&XH nói riêng.
Tăng cường phản biện
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị các đơn vị trong Bộ cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó thủ trưởng các đơn vị trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Trong quá trình xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, cần tuân thủ đúng quy định, quy trình của Luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra.
"Quá trình xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều; cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và đối tượng chịu tác động.
Tăng cường sự phản biện xã hội và công tác truyền thông, nhất là đối với các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi lưu ý.
Về công tác tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo Bộ quán triệt, các đơn vị của Bộ cần tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, các vấn đề phát sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các vấn đề dư luận quan tâm.
"Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu, học tập tôn vinh Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nói đúng, làm đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm việc chậm xây dựng văn bản. Đồng thời không để xảy ra sai sót, đặc biệt là không để cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đơn vị trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật.
Rào cản với báo chí trong truyền thông chính sách
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Phúc Hưng, Tổng Thư ký tòa soạn, báo điện tử Dân trí nhấn mạnh, trong suốt gần 100 năm qua của nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí, truyền thông là một trong những công cụ rất quan trọng để truyền thông chính sách.
Báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, giải thích chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về chính sách; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực thi chính sách.
Tuy nhiên, trong quá trình truyền thông chính sách, các cơ quan báo chí truyền thông đang gặp không ít rào cản.
Cụ thể, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách. Một số đơn vị cung cấp thông tin, giải thích thông tin chính sách cho các cơ quan báo chí còn thiếu chủ động, linh hoạt.
"Không ít nơi còn tâm thế né tránh, thoái thác hoặc cung cấp qua loa đại khái. Thậm chí, có nơi né tránh cung cấp thông tin, gây áp lực để cơ quan báo chí ngừng phản biện chính đáng.
Điều này dẫn đến hệ lụy, đáng lẽ thông tin của các cơ quan báo chí chính thống là góp phần định hướng tích cực, dẫn dắt dư luận thì lại phải "nhường chỗ" cho các trang mạng xã hội "chỉ đường dắt mối" dư luận", ông Hưng bày tỏ.
Từ thực trạng trên, ông Hưng cho rằng, việc thiếu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí không phải là việc làm đúng đắn. Khủng hoảng truyền thông, không đồng thuận trong xã hội cũng từ đây mà ra.
Đâu đó, vẫn có tình trạng cán bộ ngại chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, điều này gây khó khăn cho báo chí trong việc tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
"Việc không cởi mở với truyền thông để rộng đường dư luận, mà cứ lẳng lặng ban hành dẫn tới không ít văn bản có sai sót, thậm chí làm hỏng cả một chính sách", ông Hưng nêu quan điểm.
Chốt lại vấn đề, ông Hưng bày tỏ, các cơ quan xây dựng chính sách cũng cần nhìn nhận, tiếp thu một cách thiện chí các thông tin có tính phản biện chính đáng, tích cực.
Cùng với đó, các cơ quan xây dựng thực thi chính sách cần liên tục đổi mới cách nghĩ, cách làm truyền thông chính sách trên báo chí. Tăng cường gắn kết nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách và đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới.