Xây dựng đội ngũ nòng cốt tuyên truyền bình đẳng giới cho đồng bào thiểu số
(Dân trí) - Bình Phước tuyên truyền bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán, chuyển biến tích cực nhận thức và hành vi của đồng bào.
Xây dựng đội ngũ nòng cốt
Cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đã tiến hành giám sát và ban hành Báo cáo số 41/BC-HĐND-DT về kết quả giám sát việc thực hiện Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo trên, giai đoạn 2018-2023, công tác triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đứng đầu là về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Công tác này đã được các đơn vị liên quan triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào.
Báo cáo điểm ra hàng loạt chương trình tuyên truyền do Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước thực hiện như phát hành 20.000 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, phát hành 6 kỳ với 4.800 cuốn bản tin Dân tộc và Miền núi tỉnh Bình Phước; cấp 234 kỳ với gần 81.000 tờ Báo Dân tộc và phát triển… cho người có uy tín, già làng.
Với hoạt động trực tiếp, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các đội tuyên truyền đến địa bàn các xã có đông người dân tộc thiểu số để tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Nhưng để phát huy nhanh nhất hiệu quả tuyên truyền, Bình Phước triển khai theo hướng tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, những cá nhân uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho 1.785 lượt già làng, người có uy tín, trong đó có nội dung bình đẳng giới.
Phối hợp tốt với Sở Tư pháp, Công an tỉnh tổ chức 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng phổ biến kiến thức pháp luật cho các già làng, người có uy tín.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đánh giá, các hoạt động tập huấn, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc; cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã, già làng, người có uy tín.
Từ định hướng trên, Bình Phước đã xây dựng được đội ngũ nòng cốt. Họ trở thành hạt nhân lan truyền những kiến thức mới, đúng đắn về bình đẳng giới cho đồng bào mình qua các hoạt động học tập, làm việc, sinh hoạt hằng ngày.
Lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình khác
Để đạt hiệu quả tuyên truyền tốt nhất trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước còn kết hợp, lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào hàng loạt chương trình liên quan ở các chương trình mục tiêu quốc gia.
Gần đây nhất, khi thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc đã tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập; phát hành hàng nghìn sổ tay tuyên truyền về hôn nhân và gia đình cho học sinh và phụ huynh các trường dân tộc nội trú.
Ở địa phương, UBND các huyện cũng có nhiều sáng kiến lồng ghép tuyên truyền nội dung bình đẳng giới vào các chương trình khác.
Huyện Hớn Quản lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Các buổi tuyên truyền pháp luật cũng là cơ hội để ngành dân tộc lồng ghép nội dung bình đẳng giới. Từ năm 2018 đến 2022, Hớn Quản đã tổ chức được 240 hội nghị lồng ghép công tác tuyên truyền như vậy với 10.800 người tham gia.
Ngoài ra, cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Phước đều tham gia, lồng ghép các nội dung tuyên truyền bình đẳng giới trong những hoạt động của đơn vị khi có đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.
Từ năm 2018 đến tháng 9/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện 5 đợt phát động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 100% các huyện, thị xã, thành phố đều hưởng ứng tổ chức tại địa phương.
Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông để tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bình đẳng giới; sản xuất hơn 40 tin, bài về nội dung bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ…
Sở Giáo dục và đào tạo lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới trong các trường phổ thông dân tộc nội trú thông qua các buổi hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đánh giá công tác tuyên truyền bình đẳng giới trong giai đoạn 2018-2023 đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình, cá nhân và từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung.