Xã đồng bào đầu tiên ở Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới
(Dân trí) - Từ xã đặc biệt khó khăn với gần 90% dân số là đồng bào Ba Na, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn trở thành xã đồng bào đầu tiên ở Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới.
Về xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay ở vùng đất nghèo khó.
Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn, dù chỉ nằm cách trung tâm huyện Tây Sơn khoảng 15km, nhưng Vĩnh An có tới gần 90% dân số là đồng bào Ba Na.
Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi, tuy nhiên còn manh mún, lạc hậu khiến cuộc sống trước đây rất khó khăn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An Huỳnh Thanh Sơn, bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh An gặp rất nhiều khó khăn.
Ban đầu xã mới đạt 7/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn giai đoạn 2016-2020. Đến cuối năm 2022, xã mới đạt 15/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí cũ và đạt 9/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới.
Thế nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Vĩnh An sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
"Chúng tôi tận dụng mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ rất nhiều cho địa phương trong việc thực hiện và đạt chuẩn nông thôn mới", ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, để Vĩnh An về đích nông thôn mới, địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án như hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, phát triển cây trồng cho bà con địa phương. Đưa ra các mô hình sản xuất để bà con cùng thực hiện, nhằm cải tạo sinh kế.
Ngoài ra, địa phương tuyên truyền để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
"Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng về nông thôn mới, thực hiện đúng phương châm: dân biết, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng", ông Sơn nói.
Chia sẻ niềm vui khi quê hương được công nhận nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, làng Ctang, xã Vĩnh An) phấn khởi: "Khoảng 10-15 năm trước thôi, đời sống nhân dân ở đây còn rất khổ. Khi đó người dân kiếm ăn từng bữa, đi làm rẫy kiếm được buồng chuối, ít măng lại đem đến tiệm tạp hóa đổi mắm khô, mì tôm, muối. Bây giờ tình trạng này không còn nữa, người dân có tiền đi mua về dùng và nhà cửa xây dựng khang trang hơn".
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho hay, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 4,73%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,7 triệu đồng/người/năm; an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo, tinh thần đoàn kết trong đồng bào được thắt chặt, văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ và phát huy.
"Nhiệm vụ xây dựng, phát triển quê hương, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi không tự bằng lòng với hiện tại mà sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, để chất lượng đời sống của bà con nhân dân được giữ vững và nâng cao", ông Hùng nói.