Nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên thành triệu phú ở Bình Định

BĐ

(Dân trí) - Hàng chục nghìn hộ nghèo ở Bình Định đã thoát nghèo, có của ăn của để, thậm chí có hộ vươn lên thành triệu phú nhờ phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, thời gian qua việc thực hiện phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực.

Qua đó, có hơn 26.790 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5-2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Từ hộ nghèo vươn lên thành triệu phú

Hộ anh Đinh Văn Cho (33 tuổi, thôn 2, xã An Quang, huyện An Lão) là một trong những hộ gia đình điển hình tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên thành triệu phú ở Bình Định - 1

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Định có gần 26.800 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (Ảnh: Doãn Công).

Anh Cho vốn sinh ra lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc xã đặc biệt khó khăn, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, mẹ già, 2 con nhỏ, vợ không có việc làm ổn định nên cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Mơ ước có căn nhà kiên cố là niềm mơ ước xa xỉ đối với gia đình anh.

"Năm 2021, từ Chương trình MTQG giảm nghèo, tôi được hỗ trợ 3 con heo giống nên tôi mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi heo đen. Kết hợp với việc nấu rượu lấy hèm nuôi heo và buôn bán nhỏ lẻ, bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình", anh Cho chia sẻ.

Ngoài ra, anh Cho còn đầu tư phát triển trồng 5ha cây nguyên liệu giấy. Với sự nỗ lực, tự chủ, vượt khó vươn lên, năm 2022 hộ anh Cho đã thoát nghèo. Thu nhập bình quân hàng năm trên 150 triệu đồng, đời sống ổn định và xây dựng được nhà ở kiên cố, đủ điều kiện nuôi con cái học hành.

Nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên thành triệu phú ở Bình Định - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (thứ 4 từ trái qua) trao bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: Doãn Công).

Nhằm lan tỏa tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, sau khi cuộc sống ổn định, anh Cho viết đơn xin thoát nghèo.

Từ một hộ nghèo lâu năm, nay hộ ông Lê Văn Ngôn (67 tuổi, thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định) trở thành triệu phú tại địa phương.

Năm 2021, nhờ sự hỗ trợ kiến thức của ban ngành, địa phương và được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Ngôn mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây chuồng trại, chăn nuôi bò lai sinh sản và vỗ béo.

Ông Ngôn tận dụng 8.000m2 đất gò đồi để trồng cỏ, bắp (ngô) nuôi bò nên không lo nguồn thức ăn. Trong những năm 2021-2023, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi.

Ngoài ra, ông Ngôn còn là chủ đại lý bán cám. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, ông Ngôn còn giúp đỡ bà con cùng sản xuất tăng thu nhập, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong địa phương. Đặc biệt, gia đình ông còn hiến 156m2 đất mở đường giao thông, tham gia 55 ngày công, hỗ trợ 20 triệu đồng để bê tông hóa nông thôn.

Nhiều mô hình, sáng kiến thoát nghèo hiệu quả

Hưởng ứng phong trào thi đua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả đã giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên thành triệu phú ở Bình Định - 3

Chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho con đi xuất khẩu lao động nước ngoài ở huyện Hoài Ân đang phát huy hiệu quả, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững (Ảnh: Doãn Công).

Hộ chị Nguyễn Thị Bộ, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) cũng là một điển hình thoát nghèo.

Nhờ trau dồi kiến thức, kỹ năng, vay nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm, chị Bộ đầu tư cơ sở làm bánh truyền thống (bánh ít lá gai, bánh thuẫn, bánh hồng...) nhỏ lẻ thành xưởng sản xuất quy mô. Thu nhập trước đây chưa đến 100.000 đồng/ngày, đến nay, thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

UBND xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn xây dựng mô hình tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo gắn với Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mũi Gành tại khu bãi tắm xã Hoài Hải.

Mô hình này giúp cho hàng chục hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc buôn bán hàng ẩm thực như trứng vịt lộn, trà sữa, bánh canh, ốc, bánh tráng trộn… phục vụ người dân, du khách. Nhờ vậy, các hộ nghèo, cận nghèo ở đây có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Trong khi đó, An Tân từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi An Lão, năm 2021 tỷ lệ nghèo đa chiều của xã còn rất cao chiếm hơn 62%, nhưng đến nay chỉ còn 9,8%.

An Tân đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2022. Tất cả là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã này đã tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả dự án, mô hình kinh tế…

Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, qua thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại nhiều kết quả phấn khởi.

Nhiều mô hình, sáng kiến hay đã phát huy hiệu quả; nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.