Bình Định sẽ có chính sách riêng với những người không tự thoát nghèo
(Dân trí) - Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao, để giảm nghèo bền vững cần có chính sách riêng cho người không tự thoát nghèo, tránh tái nghèo.
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 ngày 9/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết, năm 2023 dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song tình tình kinh tế - xã hội tỉnh ổn định và phát triển khá.
Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội vượt chỉ tiêu giao. Bình Định xếp thứ 17/63 địa phương cả nước và dẫn đầu trong khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung.
Tuy nhiên, ông Toàn nhìn nhận so với mức bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Bình Định hiện hơn là 3%, cao hơn bình quân cả nước (2,92%).
Ông Toàn cho rằng, để giảm tỷ lệ nghèo, đặc biệt tránh tình trạng tái nghèo với những hộ vừa thoát nghèo, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại cụ thể từng tiêu chí, nhất là các chỉ số, mức độ tiếp cận xã hội cơ bản.
Qua đó, xác định cái gì nhà nước làm, việc gì cần sự giúp đỡ của người dân và cái gì là tự người dân tự vươn lên thoát nghèo trên cơ sở hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng.
"Tỉnh chủ trương phải có biện pháp tác động đến từng hộ cụ thể, theo từng tiêu chí, lộ trình, nguồn lực cụ thể của từng địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương", ông Lê Kim Toàn nói.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cũng cho rằng những hộ nghèo vừa thoát nghèo có khả năng tái nghèo, vì vậy cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Những hộ nào không còn khả năng tự thoát nghèo như: gia đình neo đơn, hết tuổi lao động không có thu nhập khác, người bị bệnh mãn tính, người khuyết tật... tỉnh cần có chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên theo thẩm quyền ban hành của tỉnh.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, cho rằng cần có thời gian và cơ chế chính sách tiếp tục hỗ trợ đối với những hộ dân vừa thoát nghèo, để người dân an tâm thoát nghèo và có điều kiện phát triển tốt hơn.
Ông Giang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, từ đó tỉnh giao các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp tác động cụ thể tới từng hộ gia đình.
Tỉnh tập trung triển khai lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp do vướng một số thủ tục theo quy định của Trung ương nhưng đã được tháo gỡ. Năm nay, kỳ vọng sẽ tạo đột phá tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm sâu hơn.
Ngoài ra, công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được UBND tỉnh triển khai đến các sở, ngành, địa phương trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau.