"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở huyện nghèo duy nhất tại Bình Định
(Dân trí) - An Lão là huyện miền núi và nghèo duy nhất tỉnh Bình Định. Qua 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 55% còn 29,75%.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về kết quả thực hiện phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trên địa bàn huyện.
Hơn 3.000 hộ dân thoát nghèo
Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện chương trình trên?
- An Lão là huyện vùng cao và là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Bình Định, toàn huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, 57 thôn (có 8/10 xã đặc biệt khó khăn) với gần 9.500 hộ, khoảng 3.300 nhân khẩu (trong đó, dân tộc thiểu số là 3.382 hộ với 12.288 nhân khẩu). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng tính đến cuối năm 2021, vẫn còn mức khá cao, hơn 55,3%.
Qua 3 năm (2021-2023) triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 55,33%. Năm 2022 giảm còn 43,47%, giảm 11,86% so với năm 2021. Đến năm 2023, giảm còn 29,75% (trong đó có hơn 2.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 21,69%) và 774 hộ cận nghèo (8,06%), giảm 13,72% so với năm 2022.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 130 tỷ đồng, huyện đã đầu tư 41 công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh, lưu thông hàng hóa; xây dựng 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với gần 1.000 hộ tham gia, tạo điều kiện cho hộ nghèo có thêm sinh kế, cải thiện cuộc sống…
Hỗ trợ đào tạo nghề hơn 1.400 lao động, giải quyết việc làm mới cho hơn 1.000 lao động; đưa 63 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gần 400 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Ngoài ra, huyện thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch. Nhờ các chính sách này, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Song song với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng được lồng ghép mang lại hiệu quả.
Nhờ hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất, vận động người dân thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, tham gia chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế… Vì vậy, qua 3 năm thực hiện, toàn huyện có hơn 3.000 hộ dân thoát nghèo, thoát cận nghèo, bình quân hàng năm, tỷ lệ giảm nghèo đạt trên 11%.
Xác định rõ nguyên nhân nghèo để giảm nghèo
Từ hơn 55% là hộ nghèo, nhưng sau 3 năm giảm xuống 29,75%, với một huyện nghèo như An Lão là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, theo ông đâu là giải pháp để huyện đạt được kết quả trên?
- Thực tế bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của huyện vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục, đó là kết quả giảm nghèo tuy có giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Một số dự án sử dụng vốn chương trình còn chậm hoặc chưa giải ngân nên hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện một số cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, kịp thời…
Tuy nhiên, nhờ nắm bắt cơ hội từ các Chương trình MTQG, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Lão đã kiên quyết tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình một cách triệt để.
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
Xác định rõ nguyên nhân nghèo, trên cơ sở xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể; chương trình giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ…
Có thể thấy, Chương trình MTQG là cơ hội giúp nhân dân huyện nghèo, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Huyện nỗ lực thoát nghèo vào năm 2025
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu, đến năm 2025 không còn hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở hư hỏng, xuống cấp, vậy thời gian tới huyện An Lão có giải pháp cụ thể gì thưa ông?
- Theo tôi, để giảm nghèo bền vững, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức của các cấp, các ngành, qua đó khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; tăng cường phát huy vai trò già làng, người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành có liên quan; thực hiện lồng ghép, đồng bộ các chương trình, chính sách các Chương trình MTQG không chồng chéo, tập trung các mô hình trọng điểm, có hiệu quả.
Triển khai các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tín dụng xã hội; xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo các Chương trình MTQG; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức đánh giá chính xác, khách quan, không cục bộ địa phương. Đặc biệt, coi trọng phát huy vai trò của Ban nhân dân thôn, người có uy tín trong cộng đồng.