(Dân trí) - Thấy người yêu mặc cảm khi phải ngồi xe lăn suốt đời, không thể sinh con, Đức Ba dẫn cô ra xã đăng ký kết hôn rồi nói: "Đợi anh về quê đi làm kiếm thêm ít tiền rồi mình tổ chức đám cưới sau vợ nhé"!
Vượt nghìn cây số cưới vợ ngồi xe lăn sau một lần gặp mặt
(Dân trí) - Thấy người yêu mặc cảm khi phải ngồi xe lăn suốt đời, không thể sinh con, Đức Ba dẫn cô ra xã đăng ký kết hôn rồi nói: "Đợi anh về quê đi làm kiếm thêm ít tiền rồi mình tổ chức đám cưới sau vợ nhé"!
Chạng vạng, Đức Ba rời xưởng may sau một ngày dài đứng ủi đồ. Về nhà, anh đỗ xịch chiếc xe máy trước sân, dạo quanh vườn, hái một nắm đủ thứ lá thuốc. Vốn khuyết tật bẩm sinh nên từ năm 7 tuổi, Lê Thị Tám - vợ anh, đã phải gắn liền với chiếc xe lăn, xương sống cong vẹo. Tiết trời đầu năm ở thôn An Tây, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi se lạnh khiến cơ thể vợ đau nhức nhiều. Tắm rửa, ăn tối xong, Ba vào bếp, sao lá thuốc rồi đắp và xoa bóp cho vợ.
Quyết cưới sau một lần gặp mặt
Bàn Đức Ba, 36 tuổi, và Lê Thị Tám, 35 tuổi, đăng ký kết hôn từ đầu năm ngoái nhưng gần 1 năm sau mới tổ chức đám cưới. Chàng thợ mỏ điển trai chấp nhận từ bỏ công việc có thu nhập ổn định, vượt hơn 1.000 km từ Hà Giang vào quê vợ ở rể sau khi cưới để tiện chăm sóc cô.
Hơn 3 năm trước, Đức Ba tình cờ thấy một người bạn chia sẻ livestream của Tám trên Facebook. Ấn tượng với cô gái khuyết tật xinh xắn, nói chuyện nhỏ nhẹ nên Ba chủ động nhắn tin làm quen. Lúc bấy giờ, anh đang làm công nhân ở một mỏ than Quảng Ninh. Tám khi đó đang bán hàng online nên chấp nhận lời kết bạn ngay.
"Anh nhắn tin và tôi trả lời vì nghĩ người này có thể trở thành một khách hàng tiềm năng", Tám cười, kể lại cơ duyên hai vợ chồng kết nối.
Vừa kết thúc mối tình gần 4 năm vì gia đình người yêu biết cô không thể sinh con, Tám không nghĩ mình sẽ yêu thêm ai khác.
Suốt 2 tháng sau đó, cứ vài ngày Ba lại gọi điện cho Tám nhưng nói được vài câu, cô chủ động cúp máy. Hai người khi đó có một sở thích chung đó là thích làm thơ. Tuy không được đến trường nhưng vì quá ham học, Tám hỏi người thân từng chữ cái. Đến năm 10 tuổi, cô bé đã có thể đọc viết thành thạo.
Ba không ngại thể hiện tình cảm của mình dành cho Tám bằng lời thơ: "Tôi đã khóc cho mảnh đời bất hạnh/Chẳng phải tôi mà gia cảnh một người/Thân nhi nữ nửa đời xe hai bánh/ Đôi chân chừa bởi số phận trêu ngươi".
Rồi Tám đáp lại, khẳng định mình không tính chuyện xa xôi: "Bệnh dày xéo thơ khơi nguồn tình bạn/Trải niềm riêng tô điểm phận má hồng/Xuân con gái dần úa cùng năm tháng/Em khép mình lòng bề bộn cơn giông".
Có lần, Ba nhắn tin nói thương Tám nhưng cô né tránh. Xa nhau cả nghìn km, cô gái không biết rằng cứ mỗi lần được về quê, Ba lại mở những livestream của cô cho mẹ xem.
"Con bé nhìn dễ thương. Khuyết tật mà cũng giỏi nhỉ, chịu khó buôn bán", bà Nguyễn Thị Thúy Tình, mẹ Ba chia sẻ khi lần đầu tiên nhìn thấy con dâu tương lai qua điện thoại.
Không chỉ thể hiện tình cảm bằng lời nói. Có lần, chàng trai còn chạy hàng chục km đến tận cửa hàng chọn một thỏi son rồi gửi vào Quảng Ngãi. Cứ mỗi lần gọi điện cho Tám, anh lại đưa điện thoại cho mẹ mình nói chuyện. Bà Tình không những không ngăn cản mà còn động viện cô gái nghị lực: "Con không làm được cái này thì làm được cái kia, con đừng buồn".
Sau vài lần trò chuyện, đến giữa năm 2021, Ba quyết định vào thăm Tám. Cũng lúc đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến chàng trai bị kẹt lại nhà bạn gái hơn 1 tháng. Nhờ thế, Ba có cơ hội chứng kiến được hết những khó khăn trong sinh hoạt của cô. Cha Tám bị tai biến nên mọi hoạt động đều phụ thuộc vào người mẹ đã ngoài 70. Trong khi các anh chị em khác đều có cuộc sống riêng, không thể kề cận chăm sóc.
Chàng trai chủ động xin phép gia đình được bế cô xuống để mẹ giúp tắm rửa. Anh cũng không ngại phụ giúp việc nhà, nấu cơm. Thấu hiểu được tình cảm anh dành cho mình, song Tám chưa bao giờ nghĩ sẽ kết hôn.
"Lấy tôi, anh ấy chỉ thêm khổ mà thôi", cô gái ngậm ngùi nói.
Ngày chia tay về quê, Ba nói với Tám: "Lần này về anh sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền, chuyến sau vào anh sẽ xin ba má cưới em".
Tám cúi đầu, trả lời: "Anh cứ suy nghĩ cho kỹ". Cô gái chia sẻ, dù yêu nhưng bản thân lúc nào cũng sẵn sàng tâm lý Ba sẽ rời xa mình.
Cuối năm 2021, Ba vào gặp Tám lần thứ 2. Như đã hứa, anh xin hỏi cưới cô làm vợ. Trong cuộc họp nội bộ, gia đình Tám nói hết với Ba những khó khăn, vất vả mà anh có thể gặp phải khi lấy một người khuyết tật. Không ai trong nhà dám mơ sẽ có ngày được gả con gái.
Thấy vợ và cả gia đình bên ngoại chưa dám tin vào tình cảm của mình, hôm sau Ba chở Tám lên xã làm đăng ký kết hôn.
Những tưởng chuyện tình sẽ thôi sóng gió nhưng khi Ba phải về quê đi làm kiếm tiền chuẩn bị đám cưới. Ở quê, Tám thường xuyên đổ bệnh. Căn bệnh phụ khoa hơn chục năm nay ngày càng trở nặng. Giữa những cơn đau và cô đơn, cô gái nghĩ: "Hay là mình nên chia tay để giải thoát cho anh bớt cực khổ".
Anh đi...
Ở xa, Ba không thể dùng lời nói để an ủi vợ nên hai người nảy sinh mâu thuẫn. Người vợ cố tình nói những câu nặng lời khiến Ba giận mà từ bỏ. Cô chặn hết Facebook, số điện thoại, quyết không để anh liên lạc. Nhưng Ba lập một tài khoản khác, tìm cách nói chuyện lại với vợ.
"Giận lắm, buồn lắm! Là đàn ông, tôi cũng to tiếng khi cô ấy hành động như thế. Nhưng sau cùng, tôi cũng là người chủ động xin lỗi trước và an ủi cô ấy. Tôi hiểu vợ vẫn còn nhiều mặc cảm", Đức Ba tâm sự.
Không thể chờ đợi thêm, chàng trai khi đó quyết định ngỏ lời với ba mẹ hai bên để xin làm đám cưới. Ngày 7/10 năm ngoái, làng An Tây truyền tai nhau một đám cưới cổ tích của chàng trai ở địa đầu đất nước với cô gái ngồi xe lăn xứ Quảng.
Ước mong của Đức Ba là được 1 lần dẫn vợ về làng Nùng, Hà Giang quê anh. Nhưng phần vì sức khỏe của vợ yếu, đi lại tốn kém nên họ chưa thể thực hiện chuyến đi.
Từ ngày về làm rể, Đức Ba cũng xin được một chân ủi đồ trong xưởng may. Làm việc từ sáng đến tối nhưng lương nhận được hơn 4 triệu đồng/tháng. Vợ hay đau ốm, số tiền không đủ để mua thuốc và trang trải cuộc sống. Nhiều lần, anh có ý định về Bắc làm thợ mỏ để có thu nhập tốt hơn.
Nhưng, dường như không muốn vợ chồng xa nhau, cô vợ tâm sự, dù khó khăn đến đâu cũng muốn cùng nhau vượt qua. Sức khỏe không cho phép nhưng Tám vẫn duy trì bán hàng online. Gần đây, với sự hướng dẫn của những người bạn đồng cảnh, cô tập livestream trên một nền tảng mạng xã hội mà ở đó video càng được nhiều người tặng điểm thì có thể quy đổi ra tiền, giúp cô có thêm thu nhập.
Sống chung, Đức Ba chưa bao giờ cảm thấy việc chăm sóc vợ là gánh nặng. Ngoài tình yêu, chàng trai còn có cả tình thương với cha mẹ vợ. Sức khỏe của ông bà ngày càng yếu, anh muốn thay họ chăm sóc con gái đến hết quãng đời còn lại.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm, một người bạn lâu năm của Tám đã chứng kiến chuyện tình của 2 người chia sẻ: "Tôi cảm phục tấm lòng của em trai đã đến với Tám bằng một tình yêu chân thành, cao quý. Tôi mong 2 em sống vui vẻ lạc quan và tiến về phía trước".
Buổi chiều ngày lễ tình yêu 14/2, Tám tự lái xe lăn điện đến nhà một người bà con trong làng chơi. Biết vợ buồn vì mình muốn xa vợ để đi làm nên tan ca, anh mua một bó hoa.
Vừa gác chống xe trước sân, Ba đã gọi "vợ ơi" nhưng không nghe tiếng cô trả lời. Nhắn tin hỏi, anh biết cô chưa muốn về nhà.
"Anh đi…", tin nhắn lấp lửng của chồng khiến tim người vợ trẻ thắt lại trong thoáng giây. Nghĩ chuyện chồng sẽ rời xa mình.
Miệng khô đắng, Tám chưa biết phải nhắn trả lời như thế nào thì chồng cô nói tiếp: "Nhưng mà anh sẽ đi đón em về. Em chờ anh nha. Dù khó khăn thế nào anh cũng sẽ ở cạnh vợ. Ăn rau ăn mắm, cực khổ thế nào mình cũng sẽ cùng nhau vượt qua". Cất điện thoại, Ba đi bộ đến nơi đón vợ về, lòng hân hoan vì trút được nỗi niềm.
Diệp Phan