Vụ "dì ghẻ" đánh chết bé gái: "Tôi gào con hết cỡ, hàng xóm không hay biết"
(Dân trí) - Trong căn hộ ở cao cấp giữa trung tâm Sài Gòn, không ai hình dung nổi "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập bé V.A đến chết với những cách thức man rợ nhất...
Nỗi kinh hoàng sau hình ảnh bé gái đi đổ rác trong đêm
Quay lại sự việc V.A, cô bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết khi đang sống cùng bố và tình nhân của bố là Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại Sài Gòn Pearl, khu chung cư cao cấp bậc nhất cả nước, trước khi chết, bé đã trải qua những tháng ngày dài bị bạo hành, đánh đập ngay trong bốn bức tường của căn hộ mà không một ai hay biết. "Mẹ kế" đặt mua roi mây, dùng cây gỗ lớn, dùng tay chân đánh đập, hành hạ bé gái nhiều lần.
Thông tin từ cơ quan điều tra, riêng ngày V.A tử vong, trong khoảng thời gian dài từ 14h đến 18h, Trang đã dùng cây gỗ to dài cả mét đánh mạnh rất nhiều lần khắp cơ thể bé gái, dùng chân đạp mạnh vào bụng, mông, vùng kín, ngực nạn nhân.
Trang dùng dây trói tay chân đến khi bé gái bị kiệt sức mà vẫn tiếp tục bắt quỳ học, vừa quỳ vừa uống nước. Suốt khoảng thời gian quỳ, "dì ghẻ" liên tiếp bạt tai, tát mạnh vào đầu em... Tiếp đó, "hot girl" lại bắt con gái người tình ngồi vào ghế học rồi tiếp tục dùng chân đạp cho té ngã cho đến khi cháu bé không còn sức...
Chưa hết, kết luận điều tra vụ việc của Công an TPHCM vừa hoàn tất mới đây chỉ ra chuyện Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành bé V.A với những cách thức làm nhiều người nghẹt thở.
Từ tháng 10/2021, khi bé V.A học online tại nhà dưới sự kèm cặp của Trang. Khoảng thời gian này, Trang nhiều lần dùng tay, chân, roi, cây gỗ, cây kim loại, đánh đập, hành hạ bé 8 tuổi.
Có lúc Trang không cho bé mặc quần áo khi bị đánh, bắt quỳ gối giơ hai tay lên cao; bắt bé chui vào chuồng chó, quỳ gối, vừa quỳ vừa học vừa... ăn đòn; lấy kéo cắt tóc, dùng khăn trùm đầu bé, đập liên tiếp xuống bàn…
Tất cả những hình thức bạo hành dã man, quái gở mà "dì ghẻ" Quỳnh Trang dùng để hành hạ bé gái diễn ra ngay trong căn hộ chung cư cao cấp đông đúc nhưng không một ai hay biết.
Chỉ khi bé V.A tử vong, thông tin được đăng tải trên báo, hàng xóm xung quanh mới giật mình nhớ lại những điểm bất thường như từng nghe tiếng trẻ nhỏ khóc, nhớ hình ảnh bé gái thường đi đổ rác giữa đêm khuya...
Sự việc này, nếu không có camera an ninh ghi lại thì nhiều bí mật không bao giờ được biết đến. Những dữ liệu này được phục hồi sau khi bố cháu bé là Nguyễn Kim Trung Thái vào điện thoại xóa đi để bảo vệ người tình, ngay khi con đang nguy kịch, cấp cứu tại bệnh viện.
"Ốc đảo" giữa thành phố
Liên hệ với vụ việc bé V.A bị bạo hành, là cư dân sống tại một khu chung cư cao cấp ở TP Thủ Đức, TPHCM, chị Trần Ngọc Hoài nhận định, hàng xóm, người xung quanh ở chung cư không biết những việc xảy ra bên trong căn hộ khác là điều rất dễ hiểu. Nơi chị sống, chỉ cần khép cánh cửa lại là căn hộ trở thành "ốc đảo" giữa thành phố, không nghe, không thấy, không biết bất cứ điều gì bên ngoài và ngược lại, bên ngoài không thể nghe, thấy gì bên trong.
Đôi lần kèm con học, chị Hoài gào hết cỡ, rạc cả cổ họng. Ngại mình làm phiền hàng xóm nên sau đó, chị sang xin lỗi, mong được thông cảm. Vậy nhưng, nhà sát cạnh có 5 người sinh sống rất bất ngờ, khẳng định gia đình không hề nghe thấy tiếng ồn ào nào. Chị hàng xóm còn nghi hoặc hỏi lại: "Chị cũng hét con suốt, không biết bên em nghe gì không?".
Chị Hoài nhận ra, căn hộ mình sống là "bất khả xâm phạm", khả năng cách âm gần như tuyệt đối. Điều này đáp ứng được nhu cầu riêng tư, tự do của các gia đình, cư dân sinh sống nhưng người mẹ cũng rùng mình khi hiểu, tất cả mọi người gần như bị "cô lập" ngay tại nơi sinh sống, nơi tưởng như đông đúc, tấp nập nhất...
Tại nhiều khu chung cư, khách muốn vào căn hộ phải được sự đồng ý của chủ nhà, thậm chí chủ nhà phải xuống sảnh, dùng thẻ từ thang máy đón, khách mới lên được. Chỗ chị Hoài ở, bất kể là ai liên hệ, bảo vệ phải gọi chủ nhà qua bộ đàm gắn trong căn hộ để thông báo, hỏi ý kiến...
"Sống ở chung cư, tôi hiểu vì sao bé V.A bị bạo hành trong thời gian dài, với những cách thức man rợ như vậy mà mọi người xung quanh không hay biết. Quả thật việc gì cũng có hai mặt, những căn hộ khép kín, riêng tư như vậy... có thể chính là nơi nguy hiểm với trẻ nhỏ, với người yếu thế", chị Hoài chiêm nghiệm.
Cũng ở một chung cư cao cấp tại Quận 9 cũ, chị Võ Minh Yến cho biết, sau nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ, chị để ý hơn đến xung quanh và sau đó chợt thấy hoang mang và cả bất lực...
Chị Yến kể, vài lần gặp ở thang máy, chị để ý thấy em bé nhà bên cạnh hay có vết thâm trên mặt. Có đôi lần, khi gia đình chưa kịp đóng cửa, chị nghe tiếng bé khóc... Còn khi cánh cửa đã khép lại thì không còn nghe, không thấy gì nữa.
"Tôi cứ băn khoăn mãi về lý do những vết thâm, tiếng khóc đó khi hàng ngày, bố mẹ vẫn đưa bé đi chơi, đi bơi bình thường. Mình không biết, không nghe, không thấy nên có lo sợ cũng đâu thế gọi báo cho ai được", chị Yến giải thích.
Nhiều chung cư cao cấp không chỉ khép kín với thế giới bên ngoài mà còn đóng kín ngay trong nội bộ, trong tầng nhà, với nhà sát bên... Đề cao sự riêng tư nên nhiều khu vực yêu cầu quản lý, không để trẻ nhỏ chạy nhảy, chơi đùa ở hàng lang nên những không gian chung dường như lúc nào cũng vắng vẻ.
Vẻ ngoài sang chảnh, yên tĩnh, êm đềm, văn minh, hiện đại... tại nhiều khu chung cư dường như khiến những tiếng la lét, tiếng khóc đau đớn, tiếng thút thít khẩn cầu nào đó có thể bị át đi. Xu hướng cuộc sống hiện đại, cư dân chọn những nơi sống như vậy thường không thích tiếp xúc, giao lưu, không quan tâm đến chuyện người khác, sống sát nhà cũng khó biết nhau...
Trong điều kiện như vậy, chị Yến, chị Hoài cũng như nhiều người mẹ khác chung nhận định, trẻ sống ở chung cư, nếu thiếu sự bảo vệ ngay từ trong nhà, từ bố mẹ, người thân thì cực kỳ khó phát hiện khi bị bạo hành.
Khó tiếp cận trẻ nhỏ ở chung cư
Mới đây, Ban văn hóa - xã hội HĐND TPHCM tổ chức khảo sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại quận Bình Thạnh, địa bàn xảy ra vụ việc bé V.A bị bạo hành đến chết. Từ sự việc của bé V.A, đoàn làm việc chỉ ra thực tế, cơ quan chức năng rất khó khăn để quản lý, tiếp cận trẻ em tại các khu chung cư, nhất là các chung cư cao cấp với khả năng cách âm của các căn hộ tốt và yêu cầu ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo an ninh.
Trước thực trạng này, nhiều phương án tiếp cận trẻ em ở chung cư đã được đặt ra như tập huấn cho các ban quản lý chung cư kỹ năng phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em; dán số đường dây nóng bảo vệ trẻ em ngay tại các thang máy; tăng cường phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường thông qua giáo viên, trường học...