Vụ cha ném con gái xuống sông: Yêu cầu trừng trị thích đáng!
(Dân trí) - Ông Lương Phan Cừ, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, vụ cha ném con xuống sông khiến trẻ chết oan nghiệt, cần có biện pháp trừng trị thích đáng với người gây tội, đe dọa xã hội.
Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII nhận định, tình hình tội phạm với trẻ em nói riêng và tội phạm xã hội nói chung thời nào cũng có nhưng những vụ việc nổ ra gần đây gây bức xúc xã hội phần lớn diễn ra trong quy mô gia đình và tính chất đều nguy hiểm đặc biệt.
Đánh giá tổng quan, ông Cừ khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý. Nhà nước đã làm hết sức mình, vào cuộc làm rõ những vụ việc điển hình. Nhiều vụ can thiệp không được thông tin trên phương tiện truyền thông nhưng đó là những thành công với hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đừng nhìn vào một vài vụ việc mà cho rằng nhà nước, xã hội chưa quan tâm, chưa làm được nhiều cho trẻ em.
Ông Cừ phân tích: "Thời gian gần đây, trong những vụ việc xảy ra đối với trẻ em đặc biệt nghiêm trọng có khiếm khuyết của cơ quan bảo vệ trẻ em, của chính quyền địa phương, của người thân và hàng xóm láng giềng khi chưa phát hiện kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em. Ở nơi này nơi kia, có khâu, có cơ quan, cá nhân, đơn vị chưa hành động hết sức mình để bảo vệ trẻ em".
Về hành vi tức giận, ghen tuông của người lớn dẫn đến bạo hành, xâm hại trẻ em trong vụ bố đẻ ném con xuống sông tại Quảng Nam, ông Cừ nêu rõ, ngoài việc lên án người gây tội này cũng cần tìm hiểu tận gốc nguồn cơn sự việc. Trong lúc nóng giận, người lớn cần cố gắng kiềm chế, không đưa ra các quyết định, hành động với con trẻ bởi trong khi thiếu tỉnh táo, sáng suốt, chỉ một hành động sai, dại dột cũng sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm, trẻ trở thành nơi trút giận của người lớn.
"Trẻ em dễ bị tổn thương, là đối tượng dễ bị gây hại nhiều nhất, là đối tượng cần bảo vệ đặc biệt. Chúng ta can thiệp sớm thì sẽ hạn chế được bạo hành nhiều nhất có thể", ông Cừ nhấn mạnh.
Ông quả quyết, hành vi của người bố ruột, vì ghen tuông với vợ mà làm chuyện mất nhân tính ném con xuống sông dẫn đến cái chết đầy oan nghiệt của cháu bé 5 tuổi không ai chấp nhận được và không lý do nào để bào chữa.
"Khi có kết luận điều tra, cần trừng trị tội phạm một cách thích đáng, không thể loại trừ yếu tố nào! Xử lý nghiêm minh những vụ việc như này giúp cho xã hội tốt hơn, kiềm chế những mầm mống hành vi bạo hành trẻ em trong tương lai", Chủ tịch Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Cừ cho rằng: "Dù với lý do gì đi chăng nữa, việc giận vợ mà trút lên thân thể, xâm hại tính mạng của con là không thể chấp nhận hoặc biện minh được. Trẻ em không thể phản kháng, sống phụ thuộc vào người lớn và là đối tượng được cả xã hội chăm sóc, bảo vệ. Hành vi như người bố nhẫn tâm, mất nhân tính này không thể bào chữa, cần xử nghiêm".