Thách thức và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ lao động trẻ em
(Dân trí) - Giảm thiểu lao động trẻ em, đảm bảo quyền lợi của trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và gia đình, mà còn của các tổ chức và người sử dụng lao động.
Lao động trẻ em khó phát hiện, kiểm soát
Theo báo cáo chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện nay con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu.
ILO và UNICEF cũng cảnh báo sẽ có thêm 9 triệu trẻ em trên toàn thế giới đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch Covid-19, tính đến cuối năm 2022.
Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.
Trong báo cáo của ILO và UNICEF đã chỉ ra mức tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, dù đối tượng này chỉ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu. Những trẻ em này phải làm các công việc nguy hại, những công việc có thể gây tổn hại tới sức khỏe, sự an toàn và tinh thần của trẻ.
Cụ thể, có đến 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ). Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5-11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12-14 là lao động trẻ em và không được đi học.
Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn. Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).
Những cuộc khủng hoảng kinh tế, nhất là đại dịch Covid-19, đã làm trầm trọng thêm tình trạng lao động trẻ em, khi thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ mất việc làm, khiến trẻ em phải lao động trong điều kiện khắc nghiệt, thậm chí bị bóc lột.
Lao động trẻ em ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác tồn tại dưới nhiều hình thức, chủ yếu ở khu vực kinh tế không chính thức, khó phát hiện và kiểm soát. Hơn 50% lao động trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nghèo đói, nhiều em đến từ các gia đình khó khăn, thu nhập không ổn định hoặc dễ bị tổn thương. Điều này tạo ra rào cản lớn, khiến trẻ em khó tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là giáo dục.
Sự thay đổi trong nhận thức của cha mẹ và gia đình về giá trị học tập có thể quyết định tương lai của trẻ. Tuy nhiên, sự áp lực về lợi ích kinh tế khiến nhiều trẻ em phải lao động thay vì tiếp tục học hành, tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em gái.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em, ILO và UNICEF kêu gọi các Chính phủ cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, bao gồm phổ cập phúc lợi cho trẻ em.
Đồng thời, thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành để các gia đình không phải sử dụng trẻ em để bổ sung thêm thu nhập. Chấm dứt những quy tắc về giới có ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng phân biệt đối xử có liên quan đến lao động trẻ em. Đầu tư vào các hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển nông nghiệp, các dịch vụ nông thôn công, cơ sở hạ tầng và sinh kế.
Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ lao động trẻ em
Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em bền vững ở Việt Nam gắn liền với các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, được thực hiện ngày càng kịp thời và hiệu quả. Các chính sách này không chỉ hỗ trợ các gia đình nghèo, cận nghèo mà còn đảm bảo trẻ em được tiếp cận với giáo dục, giúp các em tránh xa lao động sớm và phát triển toàn diện trong một môi trường lành mạnh.
Trẻ em trong các hộ nghèo và cận nghèo được đặt vào trung tâm của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với ưu tiên về bảo hiểm y tế (BHYT) và trợ giúp xã hội.
Nhiều chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em (thực hiện giáo dục tiểu học bắt buộc; phổ cập giáo dục trung học cơ sở và chính sách xóa mù chữ; bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác…) được ban hành và xem là giải pháp cốt lõi để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Các nghị định như Nghị định số 81/NĐ-CP (2021) về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào học tập. Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam hiện có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục.
Nhiều mô hình và giải pháp phòng ngừa, giải quyết tình trạng lao động trẻ em đã được triển khai thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ, hợp tác quốc tế, cũng như lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành và địa phương.
Các mô hình can thiệp, hỗ trợ đang cho thấy hiệu quả và tính bền vững, như mô hình hỗ trợ tạo sinh kế cho các hộ gia đình có trẻ em có nguy cơ hoặc đang là lao động trẻ em; hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động tại các làng nghề truyền thống và khu vực kinh tế phi chính thức; hỗ trợ trẻ em không bỏ học, quay lại trường hoặc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp...
Nhiều giải pháp, hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội không ngừng được đổi mới và mở rộng diện bao phủ để giải quyết vấn đề nhận thức của các gia đình, cha mẹ và chính trẻ em về giáo dục, việc làm và giảm, xóa nghèo bền vững.
Các chiến dịch truyền thông được phát động, triển khai mạnh mẽ ở cả Trung ương và địa phương, nhất là vào Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6); cộng đồng, gia đình, trẻ em và người chưa thành niên liên tục được cập nhật thông tin qua nhiều hình thức như: báo chí và truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các câu lạc bộ, nhóm truyền thông tại cộng đồng dân cư.
Nhờ đó, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả giảm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, trẻ em làm việc, đặc biệt là lao động trẻ em.